Từ ngày thành lập Đảng, Đảng ta đã trải qua nhiều lần chỉnh đốn lại Đảng. Trong tiến trình đổi mới Đảng ta xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt để Đảng vững mạnh chống suy thoái và tự diễn biến.
Cảnh báo từ thực tế
Các lãnh tụ như Lênin, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng và có những cảnh báo về nguy cơ Đảng sẽ mất chính quyền nếu Đảng sai lầm về đường lối và suy thoái, biến chất, mất lòng tin của nhân dân.
Trước hết, chúng ta cần nhớ lại những cảnh báo của Lênin.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn sê vích, đứng đầu là V.I Lênin, nhân dân Liên Xô đã xây dựng chính quyền Xô-viết của mình làm chức năng đối nội và đối ngoại, thực thi chủ quyền và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng Cộng sản Liên Xô trở thành Đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước. Trải qua những năm tháng đầu tiên xây dựng chính quyền Xô-viết, Lênin đã chỉ rõ rằng, giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó hơn nhiều.
Vì sao Lênin nói như vậy?
Đối với Nhà nước Xô-viết, nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế là những công việc hết mức mới mẻ, khó khăn vô cùng phức tạp trong điều kiện nước Nga kinh tế lạc hậu và kiệt quệ vì vừa trải qua chiến tranh, lại trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc. Bộ máy Nhà nước mới được xây dựng, chưa được củng cố đã bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập trước yêu cầu nhiệm vụ mới. Bệnh quan liêu cùng nạn tham ô, hối lộ trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, công chức đã phát triển, lây lan trong cả nước Cộng hoà Xô-viết trở thành vật cản quá trình xây dựng đất nước, nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của chính quyền cách mạng và những thành quả của cuộc cách mạng Tháng Mười đưa lại. Lênin đã cảnh báo, kẻ thù nguy hiểm nhất của cách mạng là chủ nghĩa quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó (xem Lênin, toàn tập, T.54, tr.235). Cùng với quan liêu, nạn tham ô, hối lộ đã làm mọt ruỗng bộ máy Đảng, Nhà nước, tha hoá cán bộ, nhân viên, công chức. Trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền, Lênin cho rằng để làm cho Nhà nước mạnh lên, quản lý và điều hành kinh tế - xã hội hiệu quả thì cần tiến hành một cuộc đấu tranh làm trong sạch bộ máy Nhà nước, chống chủ nghĩa quan liêu, bệnh tham ô, hối lộ, “toàn BCH Trung ương, toàn Đảng và toàn thể nước Cộng hoà công nông cần phải đưa vào chương trình nghị sự” (xem Lênin, toàn tập, T.42, tr.376-377). Đó là cuộc chiến đấu mới trong nội bộ Đảng và Nhà nước chống lại các căn bệnh làm suy yếu chính quyền cách mạng, làm cho niềm tin và nhiệt tình cách mạng của nhân dân bị suy giảm nghiêm trọng, đe doạ trực tiếp sự tồn vong của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với tầm nhìn của một lãnh tụ thiên tài, Lênin đã chỉ ra, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu, bệnh tham ô, hối lộ, làm trong sạch bộ máy Nhà nước Xô-viết là một cuộc đấu tranh mất còn, vô cùng gian khó, rất lâu dài, phải dùng rất nhiều biện pháp, phối hợp chặt chẽ các biện pháp đó với nhau, mới có thể khắc phục được những tệ nạn nói trên để củng cố, hoàn thiện, làm trong sạch bộ máy Nhà nước.
Đồng chí Trần Văn Chung, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Nam Định tặng giấy khen cho các cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, dịp kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2012). Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Những điều Lênin cảnh báo đối với Đảng Cộng sản cầm quyền chống lại nguy cơ mất chính quyền vẫn có giá trị to lớn đối với chúng ta.
Gần 70 năm lãnh đạo xây dựng Nhà nước mới của nhân dân, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lênin về xây dựng Đảng và Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Ngay khi vừa lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo nguy cơ của những căn bệnh của Đảng cầm quyền và Nhà nước như quan liêu, tham ô, nhũng lạm, lãng phí của công, bè phái, cánh hẩu, ham dùng người thân, họ hàng… Đồng thời Người cũng răn đe, giáo dục và trừng phạt bằng luật pháp những cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ rằng, tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ. Đây là loại kẻ thù nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nằm ngay trong tổ chức của ta, chúng là đồng minh của đế quốc, phong kiến, phá hoại đạo đức cách mạng, có hại cho sự nghiệp xây dựng nước nhà, vì nó chính là giặc nội xâm. Trong dịp kỷ niệm 39 năm thành lập Đảng, Hồ Chủ tịch đã viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” để giáo dục cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chăm lo xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh.
Gắn chặt việc chống diễn biến hoà bình với chống suy thoái
Trong gần 30 năm đổi mới, Đảng ta đã đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước. Đại hội XI của Đảng đã nêu cao quyết tâm chính trị của Đảng, tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, quyết tâm xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, khắc phục nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã cụ thể hoá quyết tâm chính trị của Đảng, tập trung lãnh đạo nhằm tạo chuyển biến thật sự về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên kể cả trong cán bộ cao cấp, tuyên chiến và đấu tranh quyết liệt chống suy thoái về tư tưởng chính trị, chống tự diễn biến và tự chuyển hoá, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong hệ thống chính trị.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Bộ Chính trị có cách làm mới là cấp trên kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, làm trước và làm gương mẫu cho cấp dưới.
Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu gương tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về xây dựng Đảng bước đầu đã khơi dậy trong Đảng sức chiến đấu mới và niềm tin của quần chúng nhân dân đối với chỉnh đốn lại Đảng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực. Sau khi kiểm điểm tại Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày công việc tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thay mặt Bộ Chính trị thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, sai phạm trong lãnh đạo, quản lý đất nước. Đây là kết quả bước đầu của đợt sinh hoạt chính trị nhằm chỉnh đốn lại Đảng theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4.
Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thực hiện các nghị quyết chỉnh đốn Đảng không đạt yêu cầu đề ra là mới làm từ dưới hoặc không dựa vào các tổ chức đoàn thể của nhân dân, không dựa vào dân, không lắng nghe ý kiến của dân… Đây là một thực tế tồn tại khá lâu dài trong sinh hoạt của các tổ chức Đảng.
Để đợt sinh hoạt chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đạt yêu cầu, chống suy thoái và ngăn chặn tự diễn biến thì việc phát huy và thực hành dân chủ rộng rãi trong sinh hoạt, công tác Đảng phải thiết thực góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và sinh hoạt của các cấp uỷ, chi bộ. Theo đó là thực hiện nghiêm và có hiệu quả việc phân công, hướng dẫn, kiểm tra đảng viên chấp hành nhiệm vụ, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác, học tập và lối sống, củng cố và phát triển mối liên hệ với quần chúng nơi công tác và với tổ chức Đảng nơi cư trú. Trong sinh hoạt Đảng quan tâm nêu gương các đảng bộ, chi bộ và đảng viên đã thực hiện tốt kiểm điểm tự phê bình và phê bình, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, tăng cường mối quan hệ gắn bó với nhân dân, làm những việc ích nước lợi dân, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức. Hết sức coi trọng kỷ luật của Đảng, xử lý nghiêm và kỷ luật thích đáng những cán bộ, đảng viên sai phạm. Đồng thời cần xây dựng và thực thi những quy định về quản lý đảng viên theo Điều lệ Đảng và các nghị quyết của Đảng gắn liền với công tác kiểm tra Đảng cũng như chịu sự giám sát của hệ thống chính trị và của nhân dân.
Hiện nay, trong mối quan hệ của Đảng với nhân dân nảy sinh nhiều vấn đề, bức xúc nhất là có không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm sai chính sách của Đảng, Nhà nước, làm những việc xấu như tham nhũng, tiêu cực… vi phạm luật pháp và đạo đức, vi phạm quyền làm chủ và quyền lợi chính đáng của người dân, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ta. Hơn bao giờ, lúc này khi tiến hành kiểm điểm mỗi cá nhân cần liên hệ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, mỗi người đảng viên, công chức “dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng”. Do vậy cần phải xem giữa lời nói và việc làm có đi đôi hay không? Thực tế cho thấy có nhiều cán bộ nói là học tập đạo đức Bác Hồ nhưng trong suy nghĩ và việc làm thì hoàn toàn làm ngược lại, vi phạm đạo đức, pháp luật đã đành mà còn làm tổn hại đến Đảng, Nhà nước và lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân. Mọi người đều cảm thấy cốt lõi trong tư tưởng và hành vi đạo đức của Bác Hồ là yêu thương, kính trọng nhân dân vô hạn. Chính vì thế mà Đảng ta, cùng những chủ trương chính sách nhằm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đẩy mạnh CNH, HĐH thì đặc biệt quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống tham nhũng, suy thoái, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, rồi tự diễn biến, tự chuyển hoá khi phản bội lợi ích của Tổ quốc và lợi ích của nhân dân. Cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức vụ, quyền hành, ở cương vị càng cao càng phải hoà mình với nhân dân, làm cầu nối của Đảng, Nhà nước với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng, ra sức vận động nhân dân hăng hái thực hiện những chủ trương chính sách của Đảng và tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây cũng cần là nội dung để kiểm điểm từng cá nhân, nhất là người đứng đầu và cán bộ cấp cao. Vì qua nhiều lần chỉnh đốn Đảng, chúng ta đã có kinh nghiệm, một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng không đạt yêu cầu đề ra là do trong chỉnh đốn Đảng, các cá nhân, nhất là người đứng đầu chưa thật tự giác kiểm điểm, chẳng những giấu diếm khuyết điểm mà còn tô hồng thành tích, không ít người đã “khéo” biến thành tích của tập thể thành của cá nhân và biến khuyết điểm cá nhân thành của tập thể. Chính vì thế cho nên trong sinh hoạt Đảng, tự phê bình và phê bình trở nên giả dối, dân chủ trong sinh hoạt Đảng nặng tính hình thức, chẳng những không phát huy được trí tuệ, tính chiến đấu của đảng viên mà còn sinh ra nhiều thói xấu như nịnh nọt, ton hót, a dua, nhiều khi còn tệ hại hơn là trấn áp những người trung thực, thẳng thắn phê bình, đấu tranh với những sai trái của cán bộ, của các cơ quan lãnh đạo, quản lý.
Hơn bao giờ, việc tự giác kiểm điểm của cá nhân có ý nghĩa đột phá để mỗi người trong cấp uỷ có cơ sở đánh giá đúng mới có thể đề ra các biện pháp sửa chữa khắc phục. Kiểm điểm cá nhân cần đi sâu vào từng nội dung mà nghị quyết nêu, gắn với nhiệm vụ của mỗi người và các vấn đề được phân công, phụ trách. Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình mà không chỉ ra được những yếu kém, khuyết điểm cá nhân trong những vụ việc, những vấn đề nổi cộm ở địa bàn, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mà từng cá nhân chịu trách nhiệm điều hành, quản lý, lãnh đạo thì việc kiểm điểm không đạt yêu cầu. Hơn thế nữa lại còn có tác dụng ngược, mà trước hết là tiếp tục làm suy giảm niềm tin đối với Đảng trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thực tế cho thấy, cần chú trọng vấn đề này và cần làm nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Nhân dân ta uỷ quyền cho các cơ quan công quyền thực thi quyền lực và biết phân biệt rõ cán bộ, đảng viên, công chức nào là tốt hay xấu. Nhân dân ta cũng rộng lượng và bao dung cho những người mắc sai lầm, khuyết điểm nhưng thành tâm sửa chữa. Tuy vậy, việc giám sát của hệ thống chính trị và giám sát quyền lực của nhân dân đối với cán bộ Đảng và đảng viên hiện còn những bất cập, nhất là giám sát việc sửa chữa khuyết điểm sai lầm. Chính vì vậy, đối với những sai phạm của cán bộ, nhất là những người đứng đầu, những cơ quan, đơn vị mà việc đề ra các chính sách, các quyết định liên quan tới kinh tế, xã hội, an ninh, tham nhũng, lãng phí… có những biểu hiện của lợi ích nhóm, lợi ích địa phương do cục bộ cũng cần phải kiểm điểm nghiêm túc và sửa chữa. Các tổ chức Đảng, các cơ quan kiểm tra, thanh tra của chính quyền và các đoàn thể chính trị, xã hội, đoàn thể của các tầng lớp nhân dân cũng cần phối hợp hành động, công khai, minh bạch các thông tin và kết quả sửa chữa những sai phạm, khuyết điểm qua đợt sinh hoạt chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4. Đây là công việc rất khó khăn, lâu dài. Chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trong đợt sinh hoạt chính trị để chỉnh đốn lại Đảng lần này mỗi cán bộ cần cầu thị, tự giác kiểm điểm, thật thà tự phê bình và nghiêm khắc với mình, sửa chữa khuyết điểm, sai lầm, tự mình rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, hoà mình với nhân dân, lắng nghe ý kiến của tổ chức và của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân như Bác Hồ dạy sẽ góp phần khôi phục lòng tin của nhân dân, phấn đấu xứng đáng là người đảng viên cộng sản, một Đảng chỉ vì lợi ích của nhân dân./.
TS Phạm Văn Khánh