Mãi mãi là sao sáng dẫn đường

06:12, 21/12/2012

TRƯƠNG TẤN SANG
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

 

Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, tôi muốn tiếp tục nói lên những suy nghĩ của mình về tình hình đất nước hiện nay liên quan đến hai nhiệm vụ chiến lược, là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22-12-1944. Đó là ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, dựa vào sức mạnh của nhân dân và nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, sự đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân và quân đội các nước anh em, vừa chiến đấu vừa xây dựng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển từ nhỏ đến lớn, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn và trưởng thành vượt bậc. Sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược bắt nguồn từ truyền thống yêu nước được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, sự thống nhất về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tình đoàn kết quân dân, đoàn kết nhất trí giữa cán bộ và chiến sĩ, mưu trí dũng cảm trong chiến đấu, năng động, sáng tạo trong sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam, chiến trường Việt Nam.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh diễu binh trong Lễ Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định (5-10-2012). Ảnh: Việt Thắng
Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh diễu binh trong Lễ Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định (5-10-2012). Ảnh: Việt Thắng

Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, bên cạnh niềm tự hào về một quân đội bách chiến bách thắng, còn là dịp để chúng ta nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc hơn tất cả những gì mà quân đội của chúng ta đã từng và đã trải, đã chiến đấu, hy sinh, để trưởng thành lớn mạnh, để thắng lợi vẻ vang; là dịp để chúng ta tôn vinh tất cả những thế hệ đã hiến dâng cuộc đời mình cho vinh quang của dân tộc, cho độc lập, tự do của đất nước; là dịp chúng ta tưởng nhớ những người đã mất và cố gắng làm tròn trách nhiệm của những người còn sống, đang sống...

Ngày 22-12 sẽ mãi mãi là một Ngày Anh Hùng!

Nhưng ý nghĩa của ngày này chỉ trở nên thật đầy đủ khi chúng ta phát huy thật tốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay.

Mấy vấn đề thực tế

Quý vị độc giả hãy miễn thứ, và nếu có thể, hãy chia sẻ với tôi nếu như đôi chỗ trong bài viết này không đi theo khuôn mẫu thường thấy. Sự dè dặt, thận trọng quá mức và khuôn mẫu thường đem đến cảm giác an toàn cho người phát biểu, nhưng trong nhiều trường hợp, nó thật sự chưa thể lột tả được bản chất của vấn đề.

Có thể thấy được nguyện vọng thiết tha của mọi đảng viên và công dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, trên đất liền, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, trong xây dựng Đảng, củng cố Nhà nước, xây dựng đất nước, trong việc không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đó luôn là nguyện vọng, là quyền đòi hỏi chân chính và cấp bách. Đòi hỏi ấy đang đứng trước những thách thức to lớn.

Tôi muốn trước hết đề cập đến vấn đề kinh tế và tư tưởng. Kinh tế có mạnh, tư tưởng có vững, cả dân tộc có đoàn kết thống nhất, thì Quân đội mới có khả năng để trở thành một quân đội vô địch. Không có một quân đội mạnh trên nền tảng một xã hội chia rẽ, mất tinh thần, không sẵn sàng chiến đấu, đất nước thiếu sinh lực. Sức mạnh của quân đội, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc phải trên cơ sở sức mạnh của quốc gia. Đó là sức mạnh tổng hợp của cả chính trị, kinh tế, tư tưởng; của quân đội và nhân dân; tiền tuyến và hậu phương; đối nội và đối ngoại... Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng dân giàu, nước mạnh và đặc biệt là đoàn kết toàn dân tộc thì kẻ thù nào cũng sẽ không dám xâm lược nước ta, nếu có, chúng chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.

Về kinh tế, sau nhiều năm đất nước phát triển đầy hưng phấn, nay do nhiều nguyên nhân, cả bên trong và bên ngoài, đang lâm vào tình trạng suy giảm. Nguyên nhân bên trong có nhiều nhưng trong đó phải kể đến khuyết điểm của lãnh đạo và quản lý... Gần đây, báo chí và dư luận hằng ngày đề cập đến những “nhóm lợi ích”, đâu đó có hành vi thâu tóm quyền lực kinh tế làm cho lòng dân không yên, các định chế tài chính hoạt động bộc lộ yếu kém, nợ công cao, đầu tư dàn trải và tệ tham nhũng, lãng phí gây thiệt hại nghiêm trọng các nguồn lực quốc gia; lạm phát ở mức cao; thu nhập thực tế và đời sống của người dân khó khăn hơn; cùng với các tai, tệ nạn xã hội có dịp bùng phát; lối sống ích kỷ, suy đồi, vô cảm, vô trách nhiệm hiện diện ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống... Tất cả những thực tế đó làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Về tư tưởng, chưa bao giờ như trong vòng một năm qua, xuất hiện rất nhiều dư luận, trong đó có những tư tưởng và dư luận nguy hiểm, gây chia rẽ trong Đảng, giữa Đảng với nhân dân; cá biệt có người đòi “phi chính trị hóa quân đội”. Thử hỏi trên thế giới này có ở đâu và bất cứ việc gì lại ít nhiều không mang tính chính trị? Họ khoét sâu những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý đất nước hoặc những khuyết điểm, sai phạm của một số cán bộ để gây phân tâm trong dư luận xã hội và ở chừng mực nào đó, họ đã đạt được những “kết quả” nhất định, làm cho xã hội trở nên bất ổn hơn.

Không thể không đề cập đến một mối lo ngại trong xã hội về khả năng xảy ra xung đột trong khu vực, liên quan đến Việt Nam; lo ngại về khả năng ứng phó của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta trong tình hình thế giới rất khó lường hiện nay. Đã có nhiều cuộc đối thoại trong, ngoài nước và nhiều bài viết trên báo chí về chủ đề này. Một số hãng tin nước ngoài đã dùng chủ đề này như một phương tiện hữu hiệu để chuyển sự chú ý của dư luận theo hướng phục vụ cho ý đồ của họ. Có những trang mạng xã hội còn gây nghi ngờ trong nhân dân về chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thậm chí họ còn vu cáo, xuyên tạc rằng Đảng ta “bán rẻ đất nước”. Những luận điệu kiểu đó rất nguy hiểm, cần phải cảnh giác, bởi nếu không, nó sẽ gieo những mầm mống độc hại, cùng với những áp lực xuất phát từ những khó khăn trước mắt về kinh tế và tư tưởng, làm cho đất nước ta càng thêm khó khăn.

Sự hình thành và phát triển của Đảng đã chứng minh, Đảng ta không ngại phê bình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có loại phê bình xây dựng và có loại phê bình không phải là xây dựng, thậm chí là phá hoại. Không phải ai và lúc nào cũng phân biệt được sự phê bình xây dựng với sự phê bình phá hoại, và trong những lúc trắng đen chưa rõ ràng, thì dư luận dễ bị lạc hướng; những thiện chí bị lợi dụng bởi những tư tưởng có hại, đầu độc bầu không khí chính trị của đất nước. Nếu chúng ta không ý thức đúng mức những lo lắng của cộng đồng và bị những tư tưởng độc hại chi phối, sẽ bị dao động về ý chí, thậm chí bất mãn, ngả theo kẻ xấu, trở thành công cụ cho bất kỳ kẻ nào thừa cơ hội đứng lên khoác áo “nghĩa hiệp” và đưa đất nước đi đến chỗ hỗn loạn.

Tình trạng suy giảm kinh tế và sự suy thoái về tư tưởng chính trị nếu không được sớm chặn đứng, sẽ đặt tương lai của đất nước ta trước thử thách khốc liệt. Đúng như nhận định của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là những nguy cơ đó liên quan đến sự “tồn vong” của chế độ, đồng thời nó cũng đe dọa trực tiếp đến sự thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta phải làm gì?

Trước hết, với tư cách là người có trọng trách trong Đảng và là người đứng đầu Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tôi xin khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo.

Dù còn những khuyết điểm, yếu kém, nhưng Đảng và Nhà nước ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.

Hành động bán nước hay những việc làm tương tự sẽ chịu sự nguyền rủa, oán hận của các thế hệ sau này, cũng như chúng ta đã từng phê phán nghiêm khắc những nhân vật và những chế độ như thế trong lịch sử.

Non sông đất nước ta, khắp nơi, những cảnh, những người, những phong tục tập quán, đâu đâu cũng đẹp và lòng chúng ta đau đớn khi nghĩ đến những nét đẹp ấy có thể bị vùi dập hay thậm chí bị lãng quên. Chúng ta không thể để cho viễn cảnh đen tối đó trở thành hiện thực.

Chúng ta có lúc tự ti hay bi quan về một số việc chúng ta làm chưa được bằng người, nhưng chúng ta cũng hiểu rằng, để phát triển và hoàn thiện không chỉ cần có thời gian, mà cần cả mồ hôi, nước mắt, kể cả máu. Không thể ngồi đó, so sánh và chẳng làm gì để xây dựng, thậm chí lại chửi bới - thái độ đó làm hạ thấp giá trị của mỗi một chúng ta và làm suy yếu hơn nữa khả năng phát triển đất nước. Không có hành động nào làm tàn hại đất nước nhanh hơn sự kích động, gây chia rẽ dân tộc; bởi trong một hoàn cảnh vô tổ chức, không một công việc gì của tập thể có thể thực hiện được, huống hồ là những mục tiêu to lớn, cao đẹp, mà để thực hiện, đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn lao của cả cộng đồng dân tộc.

1.jpg

Thái độ cần thiết hiện nay, dù có khác biệt nào chăng nữa, thì tất cả các giai tầng xã hội, các tầng lớp nhân dân cần hành động với một động cơ duy nhất, đó là vì lợi ích của dân tộc, vì sự ổn định chính trị, vì sự bình yên của xã hội để làm ăn và phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình đại đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Mọi hành động phá hoại mục đích đó hoặc khoét sâu thêm những bất đồng để đẩy đất nước đến bờ vực của sự hỗn loạn, phải bị loại trừ và lên án.

Thái độ tích cực đó cần được thể hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, trong đó có việc cấp bách hiện nay là tiếp tục kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống phải bị chặn lại. Tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết loại trừ để cho bộ máy thực sự trong sạch vững mạnh, nhưng đồng thời phải làm sao giữ được sự ổn định, tránh sa vào những sai lầm ấu trĩ có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ về chính trị-xã hội. Mặt khác, cũng không thể nhân danh sự ổn định chính trị- xã hội để dĩ hòa vi quý và thỏa hiệp với cái xấu, cái sai. Đây thực sự là một yêu cầu khó khăn, đòi hỏi sự tỉnh táo, sự quyết tâm, sự đoàn kết nhất trí và bản lĩnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Tôi nhận thức sâu sắc rằng, nhân dân ta, các lực lượng vũ trang ta trông đợi vào kết quả thực chất của công cuộc này để củng cố lòng tin của mình vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Đây là thời cơ chính trị chúng ta phải nắm lấy, tạo ra sự chuyển biến mới như một cột mốc trong quá trình phát triển. Được như vậy, sức mạnh của chúng ta sẽ tăng lên gấp bội, trong đó có sức mạnh quốc phòng-an ninh.

Một trong những bất cập chính trong công tác quản lý nhà nước hiện nay là có việc thì tập trung quá mức, có việc thì lại phân cấp quá mức nhưng lại thiếu kiểm tra, đặc biệt là công cuộc cải cách hành chính quá chậm chạp và có nguyên nhân từ sự suy thoái của một số cán bộ, công chức các cấp, các ngành, đang cản trở sự phát triển đất nước. Toàn dân ta không ai muốn duy trì tình trạng này.

Tôi cũng mong muốn tất cả mọi người nhìn nhận đúng đắn một thực tế đáng buồn là, phải chăng sau khi đã trở nên khá giả hơn, một bộ phận người Việt Nam trở nên ít khát vọng trong sáng, thậm chí trở nên sa đọa về đạo đức lối sống. Những người như vậy cần nhìn nhận điều đó một cách cầu thị, thay đổi cách nghĩ, đồng hành cùng dân tộc, vì sự nghiệp chung, tiếp nối giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông thì cuộc sống mới có ý nghĩa.

Nhưng quan trọng hơn, cần phải có những “cú huých” đủ mạnh từ phía luật pháp, chính sách và dư luận để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, ở đây tôi muốn kêu gọi cả sự thức tỉnh của đạo đức, của lương tâm để có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Rõ ràng, thực tế đang đặt ra những yêu cầu cao đối với công tác quản lý nhà nước, chống lại tệ quan liêu, trì trệ, tham nhũng, “lợi ích nhóm” hay lợi ích cục bộ của ngành này, ngành khác; phải có những tiêu chí mới để đánh giá cán bộ trên cơ sở hiệu quả thực chất, vì lợi ích chung, chứ không phải những quy định mà người ta có thể lợi dụng theo ý muốn của mình.

Tất cả mọi việc đều có nguyên nhân từ con người. Để có cán bộ tốt, không thể chỉ kêu gọi chung chung, mà trước hết phải bằng chính sách, luật pháp, kỷ luật, kỷ cương và tất nhiên cao hơn thế nữa là phải xây dựng đạo đức con người ngay từ khi còn nhỏ, khi cắp sách đến trường. Chúng ta có thành công hay không trong việc thực hiện những mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước, khâu cốt yếu tùy thuộc ở yếu tố cán bộ và dựa trên tinh thần kỷ luật, kỷ cương. Có kỷ luật, kỷ cương thì bộ máy mới tốt và vận hành thông suốt. Bộ máy càng lớn, kỷ luật càng trở nên cấp thiết, nếu không sẽ xuất hiện tình trạng vô tổ chức. Vì thế, hơn lúc nào hết, luật pháp và kỷ luật cần phải được tôn trọng triệt để.

Chúng ta phải làm mọi điều có thể để trong ngắn hạn phải ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại sự hưng phấn trong phát triển kinh tế cũng như niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp. Không có niềm tin thì người dân, doanh nghiệp, cả nhà đầu tư nước ngoài, không ai dại gì đầu tư, kinh doanh để phải chấp nhận rủi ro. Bài học trong suốt 67 năm qua là, khi nào có niềm tin của nhân dân, thì dù có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng nhất định vượt qua và vươn tới.

Đã đến lúc chúng ta phải hành động quyết liệt, phải tháo bỏ các rào cản phục vụ cho tăng trưởng, điều hòa các lợi ích xã hội; phải đổi mới và cương quyết thực hiện bằng được những mục tiêu về chính trị-kinh tế-xã hội đã đề ra.

Nhân đây, tôi cũng đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí và cả các trang mạng thông tin có trách nhiệm đối với đời sống xã hội, các bạn hãy thực sự là người “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”, bên cạnh việc đấu tranh mạnh mẽ với cái xấu, hãy cổ vũ và làm nảy sinh những điều tốt đẹp vì nước, vì dân của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, góp phần tăng cường niềm tin vào tương lai tốt đẹp của đất nước nhất định sẽ thành hiện thực; và rằng: Hiện tại không có con đường nào khác ngoài con đường xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng và bảo vệ đất nước mình. Tôi tin rằng, nhân dân ta cũng rất muốn nghe các bạn kể những câu chuyện tốt đẹp có thật trong cuộc sống, khả dĩ có thể nhân rộng, lấn át đi những cái xấu, có tác dụng làm sáng trong và tươi đẹp tâm hồn.

Chắc chắn các bạn sẽ làm tốt điều đó!

Tôi ý thức một cách rõ ràng rằng, để thực hiện hữu hiệu các mục tiêu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc không chỉ bằng những lời hô hào, kêu gọi. Lúc này, rất cần lòng nhiệt huyết, niềm tin và sự chung tay, góp sức của toàn dân tộc. Quân đội và các lực lượng vũ trang ta, càng không phải ngoại lệ, không chỉ với những vấn đề thuần túy quốc phòng-an ninh, mà cả với các vấn đề quốc kế dân sinh.

Sức mạnh của dân tộc chúng ta

Thực hiện hiệu quả những công việc nói trên cũng là góp phần thiết thực nâng cao năng lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Xét cho cùng, cái gốc của bảo vệ Tổ quốc cũng chính là lòng dân. Lòng dân chính là sức mạnh không có giới hạn. Chúng ta đã nói nhiều đến “thế trận lòng dân”, “nền quốc phòng toàn dân”, nghệ thuật quân sự độc đáo của chúng ta chính là “nghệ thuật chiến tranh nhân dân”. Đó cũng là đặc trưng của Quân đội nhân dân Việt Nam, có truyền thống từ ngàn xưa. Dân là gốc. Đã là người sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân thì phải luôn đề cao tính chính trị, tuyệt đối trung thành với Nước, với Dân, với Đảng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Xây dựng và bảo vệ đất nước là hai nhiệm vụ chiến lược quyện chặt vào nhau. Thời bình Quân đội phải giúp dân, cùng với Đảng, chính quyền và dân chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hướng vào những vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn; biên giới và hải đảo mà có dân cũng là cách bảo vệ biên giới và hải đảo tốt nhất...

Theo nhiều nhà phân tích chiến lược, thế giới và khu vực đang bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Chúng ta chưa bao giờ là người khởi xướng những cuộc chạy đua như vậy. Đó cũng không phải là sự lựa chọn phù hợp với chủ trương và khả năng của chúng ta.

Sách trắng quốc phòng của Việt Nam ghi rõ, “sức mạnh quốc phòng được xây dựng bằng nguồn lực mọi mặt của đất nước và con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đồng thời tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các nước bè bạn có chung mục đích đấu tranh cho hòa bình, độc lập và phát triển của khu vực và thế giới. Việt Nam không tham gia bất kỳ hoạt động nào sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực với các nước khác, nhưng sẵn sàng tự vệ chống lại mọi hành động xâm phạm lãnh thổ trên bộ, vùng trời, vùng biển và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam; không chạy đua vũ trang nhưng chúng ta luôn củng cố sức mạnh quốc phòng đủ để tự vệ”.

Tôi cho rằng, bản chất và động lực phát triển của chúng ta không dựa trên những nhân tố bạo lực, mà đòi hỏi ở Đảng và Nhà nước ta một sự lãnh đạo sáng suốt, mềm dẻo, khai thác hợp lý những nhân tố phi bạo lực, những cơ hội trong bối cảnh hiện tại để tìm cách phát triển. Đồng thời đối với chúng ta, đầu tư cho quân sự, cho quốc phòng là nhằm mục đích tự vệ, bảo vệ Tổ quốc, không gây lo ngại về an ninh cho các nước khác. Trên thực tế, dù chúng ta có dồn hết mọi nỗ lực của đất nước vào lĩnh vực quốc phòng thì cũng chưa đủ, bởi do nguồn lực hạn hẹp nên chi phí quốc phòng của chúng ta thấp hơn nhiều so với các nước phát triển hoặc các nước lớn. Chúng ta xây dựng quân đội trong khả năng có thể, bao gồm cả tiềm lực chính trị, kinh tế, khoa học-công nghệ và quân sự.

Sức mạnh của chúng ta phải là ở sức mạnh của chính nghĩa, được thế giới ủng hộ. Việt Nam phải là “lương tri của thời đại” như thế giới từng tôn vinh.

Sức mạnh của chúng ta phải là sức mạnh của lòng dân, của tinh thần đoàn kết, nhất trí toàn dân tộc. Đất nước sẽ không thể đứng vững bởi sự chia rẽ. Sự chia rẽ dân tộc chính là cơ hội cho những kẻ xâm lược.

Sức mạnh của chúng ta là ở truyền thống quật cường đã được hình thành từ hàng ngàn năm lịch sử, từng là nguyên nhân để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù hung bạo; sức mạnh của chúng ta còn là sức mạnh của cách đánh, khả năng tác chiến và cách thắng...

Nhân dân Việt Nam yêu hòa bình; hữu nghị, hòa hiếu vốn là truyền thống văn hiến của dân tộc ta. Chúng ta làm tất cả để hòa bình luôn được hiện diện. Sinh lực của cộng đồng dân tộc chúng ta đã từng được huy động tối đa vào các cuộc kháng chiến giành độc lập đầy hy sinh, giờ đây, những sinh lực ấy phải là của báu để bảo vệ và phát triển đất nước.

Độc lập và phát triển đất nước luôn là mục tiêu và động lực chính yếu của dân tộc chúng ta.

Khi có kẻ thù nào xâm lược nước ta, thì như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Chúng ta sẽ huy động tất cả mọi sức mạnh để tự vệ và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Đôi lời cảm xúc

Nhân Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, cho phép tôi với tư cách đồng đội, xin chia sẻ niềm vui với toàn thể các vị tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, các đồng chí cựu chiến binh, các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh trên cả nước.

Vào những ngày này, âm hưởng của những bài thơ, bài ca cách mạng, những bài hát ca ngợi người chiến sĩ từng làm xúc động bao trái tim Việt Nam, đang đầy ắp trong xúc cảm và hồi ức của chúng ta.

Hôm nay không phải lần đầu tiên tôi cảm thấy vô cùng tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, tự hào về hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ”- một biểu tượng không chỉ đẹp về thể chất mà còn ở những nét đẹp của tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, trên hết là tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân nồng nàn, sâu lắng và có những nét nổi trội khó có thể thấy được ở những đội quân nào khác... Trong niềm xúc động, tự hào đó, tôi xin dừng bài viết này bằng việc dẫn câu thơ của Nhà thơ Vũ Cao, như một lời nhắn nhủ:

“Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường...”.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com