Ý Yên thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

07:11, 08/11/2012

Những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện Ý Yên có sự phát triển bền vững, tình hình an ninh nông thôn ổn định, không để xảy ra các vụ việc khiếu nại tố cáo vượt cấp kéo dài. Đạt được kết quả trên, cùng với việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định của Trung ương, của tỉnh về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

I - Kinh nghiệm “Khó vạn lần dân liệu cũng xong” ở Yên Nhân

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường liên thôn, liên xã đổ bê tông phẳng lỳ, thăm các công trình trường tiểu học, THCS cao tầng được xây mới, đồng chí Chu Minh Giang, Bí thư Đảng ủy xã Yên Nhân (Ý Yên) cho biết: Toàn bộ kinh phí xây dựng hệ thống đường liên thôn, liên xã cùng với 2 trường tiểu học, 1 trường THCS của xã đều do nhân dân đóng góp, hạch toán và triển khai xây dựng.

Trường Mầm non Hoa Đào, xã Yên Nhân được đầu tư trang thiết bị dạy và học từ một phần kinh phí đóng góp của nhân dân.
Trường Mầm non Hoa Đào, xã Yên Nhân được đầu tư trang thiết bị dạy và học từ một phần kinh phí đóng góp của nhân dân.

Xã Yên Nhân có dân số 11.300 người thuộc 16 thôn xóm. Là xã thuần nông nên nguồn thu ngân sách hạn hẹp, việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2005, xã đã phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn và quy định mức đóng góp mỗi khẩu 10 nghìn đồng/năm. Tính ra, với tổng thu toàn xã khoảng hơn 100 triệu đồng/năm thì không đủ để hoàn thành công trình theo kế hoạch. Để giải quyết vấn đề này, Đảng ủy, UBND xã quyết định đổi mới cách huy động sức dân. Xã tổ chức họp với đại diện các thôn, xóm và thống nhất phương án huy động đóng góp theo từng công trình cụ thể. Việc làm đường giao thông nông thôn được giao cho các thôn tự hạch toán, huy động sự đóng góp của dân, các nhà hảo tâm và con em xa quê. Hệ thống đường liên thôn, liên xã đi qua thôn nào nhiều thì thôn đó đóng góp nhiều. Đối với việc xây dựng trường học, xã giao cho ban giám hiệu các nhà trường và hội phụ huynh học sinh đứng ra hạch toán, quy định mức thu đối với học sinh và vận động những người con ở xa quê ủng hộ. Bằng cách này, từ năm 2010 đến nay, toàn bộ hệ thống đường ngõ xóm, đường liên xóm của xã đã được đổ bê tông; 3 công trình trường học, với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thành công của Yên Nhân qua việc huy động sức dân trong xây dựng giao thông nông thôn và xây dựng các công trình trường học cao tầng là một trong những công việc thể hiện sinh động sự phát huy dân chủ của nhân dân của Đảng uỷ, UBND xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

II - Khi dân chủ được phát huy

Đồng chí Đinh Ngọc Chiến, TUV, Bí thư Huyện ủy Ý Yên cho biết: “Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện”. Hằng năm, Ban Thường vụ huyện ủy đều tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể, các cấp ủy cơ sở tiếp tục quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; đặc biệt là Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI); Kết luận số 65-KL-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện Pháp lệnh Dân chủ trong công tác xây dựng Đảng, các tổ chức Đảng đều xây dựng quy chế làm việc, phân công cán bộ, cấp ủy phụ trách các lĩnh vực công tác, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo và thực hiện trên các lĩnh vực; cán bộ, đảng viên và nhân dân được thông tin đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến về công tác xây dựng Đảng và đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên qua các kỳ tự phê bình và phê bình; thông qua các tổ chức thành viên để giới thiệu quần chúng ưu tú cho tổ chức Đảng kết nạp đảng viên; phát hiện và giới thiệu cho Đảng những cán bộ ưu tú trong quá trình hoạt động thực tiễn để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, từ đó đội ngũ cán bộ đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện Pháp lệnh Dân chủ trong công tác xây dựng chính quyền, HĐND, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với MTTQ cùng cấp xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động trong suốt nhiệm kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2012, UBND huyện đã phối hợp với MTTQ tổ chức 4 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. HĐND xã, thị trấn đã tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri ở các địa bàn thôn, xóm để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy định của địa phương, tham gia đóng góp cho đội ngũ cán bộ dân cử. Thông qua quy chế dân chủ, việc bầu trưởng, phó thôn ở 416/416 thôn trong huyện bảo đảm dân chủ đúng quy định. Từ việc công khai dân chủ, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức xã, thị trấn được nâng lên, năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội ở cơ sở đã có bước chuyển biến rõ rệt, các chương trình, đề án ở địa phương được thực hiện có hiệu quả hơn. Cũng thông qua thực hiện quy chế dân chủ, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân tham gia tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương và nhiệm vụ của tổ chức mình; tổ chức các phong trào quần chúng chủ động xây dựng, phát động các phong trào thi đua giúp nhau xóa nghèo… Thông qua các cuộc vận động, chương trình tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, các tổ chức xã hội đã xây dựng được 25 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn… Thực hiện Pháp lệnh Dân chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, HĐND, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri từ thôn (xóm) tham gia đóng góp, bàn và quyết định các nội dung như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách; các công trình đầu tư xây dựng; quy hoạch sử dụng đất; đề án xây dựng NTM; kế hoạch dồn điền đổi thửa… trước khi trình cơ quan chức năng quyết định. Đến nay, tổng đầu tư xây dựng cơ bản bằng các nguồn vốn của các xã, thị trấn ước tính trên 277 tỷ đồng. Thông qua việc dồn điền đổi thửa, nhân dân đã đóng góp 584.538m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, giao thông đồng ruộng, nhà văn hóa thôn… Trong sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa vụ xuân đạt 60,5 tạ/ha. Sản xuất CN-TTCN phát triển, các cụm, điểm công nghiệp vẫn duy trì sản xuất, các làng nghề truyền thống được giữ vững. Giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện trong 9 tháng năm 2012 ước đạt 734,6 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt 290,6 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Thực hiện Pháp lệnh Dân chủ trong việc thực hiện giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, hằng năm, UBND các xã, thị trấn tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở. Chính quyền các cấp thực hiện tốt hơn, trách nhiệm hơn trong cải cách hành chính, lịch tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội; thực hiện có hiệu quả các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và khu dân cư tiên tiến. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã hòa giải thành công 750 vụ việc; tổ chức tiếp 225 lượt công dân, góp phần tích cực vào ổn định, giữ vững an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Những kết quả bước đầu trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở Ý Yên đã khẳng định: Khi dân chủ được phát huy, sẽ tạo sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển của huyện trong những năm tới./.

Bài và ảnh:  Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com