Tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ

07:11, 16/11/2012

* Thảo luận hai dự án luật

Ngày 14-11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 20. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống khủng bố và Dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.

Trong phiên làm việc buổi sáng, tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, về thực trạng, hiện nay trách nhiệm và thái độ phục vụ đối với người bệnh của một bộ phận cán bộ y tế chưa cao, năng lực trình độ kém, gây ảnh hưởng sức khỏe người dân. Vậy, đâu là giải pháp cho những vấn đề này? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ y tế khi tiếp xúc với người bệnh có thái độ không thân thiện, cáu gắt, quát mắng. Cùng với đó là tình trạng đưa và nhận phong bì để được phục vụ nhanh hơn, tốt hơn. Hiện tượng bác sĩ nhận hoa hồng của các hãng dược để kê đơn thuốc biệt dược không cần thiết vẫn diễn ra. Đây là hình ảnh rất khó chấp nhận, ảnh hưởng danh dự ngành y. Nguyên nhân là do nhận thức, nhân cách yếu kém của cán bộ y tế thực hiện các hành vi tiêu cực. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, phát động các phong trào nâng cao đạo đức ngành y và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Cùng với đó là tăng cường đầu tư xây dựng các cơ sở y tế, giảm tải bệnh viện và xây dựng đề án tăng lương cho ngành y tế…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu liên quan công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ NN và PTNT và các ngành chức năng thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ trưởng khẳng định, thực phẩm nhập khẩu qua đường chính ngạch được kiểm soát tốt, bảo đảm chất lượng. Thực phẩm có chất lượng kém chủ yếu là nhập qua đường tiểu ngạch, nhập lậu.

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tham gia trả lời về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã chỉ đạo liên tục vấn đề này trong thời gian qua. Đến nay, hầu hết các tỉnh phía Nam đã hoàn thành quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc và 80% nguồn thực phẩm tiêu thụ, như ở Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm soát và an toàn. Các địa phương khác đang xây dựng quy hoạch này và Chính phủ yêu cầu đến ngày 31-12-2012 phải xong. Về vấn đề mất an toàn trong rau, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề đang gây bức xúc cho xã hội. Các ngành chức năng đang xây dựng đề án với mục tiêu các xã, các cơ sở nông nghiệp không sản xuất rau không an toàn và thực hiện đề án này trong năm 2013, đi cùng với đó là triển khai chợ, điểm bán rau an toàn. Về vấn đề gà nhập lậu, Phó Thủ tướng cho biết, các ngành chức năng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, phấn đấu đến năm 2013, cơ bản ngăn chặn gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế, các đại biểu QH tiến hành chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình thêm một số nội dung mà nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn. Báo cáo nêu rõ, trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11, tình hình kinh tế, xã hội tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực. Giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,85%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của tháng 9. Cán cân thanh toán tiếp tục được cải thiện, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Xuất khẩu gạo cả năm khoảng 7,5 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Đã tạo việc làm cho gần 1,2 triệu lao động, đạt gần 80% kế hoạch năm. Văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác đối ngoại đạt kết quả tích cực.

Chất vấn trực tiếp Thủ tướng tại hội trường, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII, Thủ tướng đã nhận trách nhiệm của Thủ tướng, của Chính phủ về những yếu kém trong điều hành kinh tế thời gian qua, vậy giải pháp đột phá để khắc phục hạn chế, yếu kém đó trong thời gian tới như thế nào? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, với trọng trách được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, Thủ tướng đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ về hạn chế, yếu kém của Chính phủ trong điều hành trên một số lĩnh vực. Chính phủ đã đưa ra giải pháp tổng thể và nỗ lực thực hiện, phấn đấu khắc phục những yếu kém đó, thúc đẩy phát triển, đáp ứng yêu cầu đề ra. Các giải pháp tập trung vào việc nâng cao năng lực, hoàn thiện cơ chế, thể chế luật pháp. Nâng cao năng lực dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện các quy hoạch, kế hoạch. Chính phủ đã tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thanh tra, giám sát trong quản lý, khắc phục những yếu kém, kịp thời xử lý nghiêm những vi phạm, đồng thời hoàn thiện hệ thống bộ máy của Chính phủ và bộ máy tổ chức các cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm quản lý thống nhất trên tất cả các lĩnh vực. Phân công, phân cấp rõ ràng, đề cao trách nhiệm các cấp, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất. Đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực cán bộ, công chức trong thực thi chức trách, nhiệm vụ. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung, dân chủ, nghiêm túc lắng nghe ý kiến của nhân dân trong xây dựng và thực hiện chính sách, chịu sự giám sát của nhân dân. Thủ tướng cho rằng, để thực hiện tốt những giải pháp nói trên, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, các ngành, cần sự đồng thuận của toàn xã hội.

Một số đại biểu nêu câu hỏi, Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân và Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không? Thủ tướng trả lời, trong suốt 51 năm theo Đảng, hoạt động cách mạng, chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Đảng, đến nay tôi không xin với Đảng cho tôi đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác và tôi cũng không thoái thác bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng, Nhà nước giao. Tôi đã nghiêm túc báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TW và Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TW đã hiểu rõ ưu điểm, khuyết điểm, sức khỏe và cả thương tật của tôi cũng như tâm tư, nguyện vọng của tôi. Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng đã phân công tôi tiếp tục ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, QH đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tôi sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành TW, của QH. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua.

Cùng với những nội dung nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời các câu hỏi của đại biểu QH liên quan công tác phòng, chống tham nhũng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, biện pháp xử lý đối với các dự án thuỷ điện không an toàn...

Phát biểu ý kiến tổng kết toàn bộ những phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, toàn bộ phiên chất vấn diễn ra dân chủ, công khai, có sự theo dõi, giám sát của cử tri cả nước. Những câu hỏi của các vị đại biểu QH đặt ra hết sức thẳng thắn, xây dựng, đi vào trọng tâm những vấn đề lớn. Các câu trả lời của các thành viên Chính phủ cũng đi vào nội dung các câu hỏi và đã giải đáp được hầu hết các vấn đề đặt ra, đưa ra các kiến nghị cần thiết để tiếp tục giải quyết. Chủ tịch QH đề nghị, Chính phủ và các thành viên Chính phủ, các ngành hữu quan tiếp tục tổ chức thực hiện nội dung các chất vấn của đại biểu QH đã đặt ra một cách có kết quả trong thời gian tới.

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về hai dự án luật: Luật Phòng, chống khủng bố và Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.

Thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống khủng bố (PCKB), một số đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật PCKB là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho công tác đấu tranh PCKB, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Tuy nhiên, Luật  cần quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong công tác PCKB, nhất là quy định rõ trách nhiệm của lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ PCKB. Một số đại biểu cho rằng, Luật PCKB là Luật chuyên ngành, song các điều khoản của Luật chưa được thể hiện đầy đủ. Do vậy, cần làm rõ cấp nào được thành lập Ban chỉ đạo PCKB; quy định rõ thành phần, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo. Đại biểu này cũng cho rằng, thời điểm này, nước ta không nên thành lập lực lượng chuyên trách PCKB, vì điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nếu thành lập lực lượng chuyên trách sẽ phải đầu tư lượng kinh phí lớn để trang bị phương tiện cho lực lượng này. Do vậy, chỉ cần giao thêm nhiệm vụ, quyền hạn về PCKB và đầu tư thêm một số trang thiết bị cho lực lượng sẵn có của quân đội và công an và huấn luyện chuyên sâu hơn.

Thảo luận về Dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh (QP, AN), đa số ý kiến phát biểu tán thành với việc ban hành luật này. Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP, AN cần đa dạng hóa các hình thức, biện pháp cho phù hợp với từng loại đối tượng. Trong đó, Bộ GD và ĐT cần triển khai xây dựng các trung tâm giáo dục QP-AN ở các địa phương, để bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho sinh viên, vì thực tế trong thời gian qua, mô hình này đã phát huy hiệu quả. Một số đại biểu băn khoăn về tính khả thi của luật, nhất là việc xã hội hóa công tác giáo dục QP, AN, vì trong nhiều năm qua chúng ta đã làm, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Nhiều đại biểu đề nghị, cần quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy trong các nhà trường, nhất là các cấp phổ thông. Khi thông qua Luật, phải tính đến vấn đề đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác giáo dục QP, AN./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com