Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng; thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn

08:11, 12/11/2012

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng; thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013

 

Ngày 9-11, ngày làm việc thứ mười sáu, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Cân nhắc phạm vi điều chỉnh của luật

Thảo luận về dự án luật nêu trên, nhiều ý kiến phát biểu cho rằng, tuy đạt được kết quả tích cực, nhưng nhìn chung công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Do vậy, việc sửa đổi Luật PCTN là cần thiết, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật PCTN, chúng ta chưa tiến hành tổng kết, từ đó phân tích đầy đủ, toàn diện những nguyên nhân, hạn chế trong công tác PCTN, làm căn cứ để sửa đổi toàn diện Luật PCTN. Do vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng phạm vi sửa đổi, phù hợp với yêu cầu thực tế.

Kiện toàn cơ quan PCTN và thực hiện nghiêm việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập

Thảo luận việc thành lập cơ quan độc lập về PCTN, theo ý kiến nhiều đại biểu, kinh nghiệm của một số nước cho thấy, không nên để cơ quan PCTN thuộc cơ quan hành pháp mà nên để ở cơ quan lập pháp hoặc tư pháp. Các đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, bên cạnh Ban Chỉ đạo TW về PCTN, cần thành lập cơ quan độc lập về PCTN thuộc QH hoặc thuộc Văn phòng Chủ tịch nước. Cơ quan này có quyền điều tra tất cả các hành vi tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành, nhằm nâng cao hiệu quả PCTN. Đề cập vấn đề này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và một số đại biểu khác cho rằng, trước mắt chưa cần thành lập thêm một cơ quan PCTN độc lập ở TW mà nên chuyển Ban Chỉ đạo TW về PCTN sang trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, để công tác PCTN thực hiện hiệu quả hơn.

Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Thảo luận việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập quy định trong dự án luật, nhiều đại biểu cho rằng, điều này là cần thiết, đây là kênh quan trọng, qua đó phát hiện dấu hiệu hành vi tham nhũng. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị, cần kê khai tài sản, thu nhập đối với cả vợ, con của cán bộ, công chức, tránh tình trạng để vợ, con đứng tên sở hữu tài sản, nhằm che giấu tài sản, thu nhập. Đối với tài sản không kê khai, khi bị phát hiện sẽ tịch thu, sung công. Nhiều ý kiến đề nghị, đối với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng phải được xử lý và chuyển đổi vị trí công tác. Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, hầu hết các vụ việc tham nhũng bị phát hiện đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến người đứng đầu. Do vậy, cần có chế tài xử lý người đứng đầu tại các đơn vị để xảy ra tham nhũng dù liên quan trực tiếp hay gián tiếp.

Xử lý nghiêm minh tội phạm tham nhũng

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác PCTN thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao là do chưa xác định cụ thể các hành vi tham nhũng và công tác xử lý đối với tội phạm tham nhũng còn nhiều bất cập. Theo đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), việc liệt kê 12 hành vi tham nhũng như trong dự thảo luật là chưa đầy đủ. Thực tế cho thấy, tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều nơi, trong khi các quy định của pháp luật thời gian qua chỉ chạy theo diễn biến hành vi phạm tội. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đưa ra quy định đầy đủ, phù hợp và mang tính bao quát cao. Với diễn biến hiện nay của tội phạm tham nhũng, chúng ta phải coi tội phạm tham nhũng là tội phản quốc, đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân, từ đó đưa ra chế tài xử lý thích đáng.

Các đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị, cùng với việc sửa đổi Luật PCTN, các ngành chức năng cần nghiên cứu sửa đổi các luật liên quan như Luật Tố tụng hình sự, Luật Đất đai... nhằm tạo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật liên quan công tác PCTN. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hữu hiệu nhằm thu hồi tài sản tham nhũng, vì đây là một trong những hạn chế lớn trong công tác PCTN hiện nay, khi mà phần lớn tài sản tham nhũng không thu hồi lại được.

Phát huy vai trò của báo chí trong PCTN

Một số ý kiến cho rằng, cần nâng cao vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN cũng như vai trò của các cơ quan báo chí trong việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Nhiều đại biểu cho rằng, nhờ sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, nhiều vụ việc tham nhũng đã bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, vị trí, vai trò của các tổ chức, đoàn thể nêu trên chưa được đề cập một cách xứng đáng trong dự thảo luật. Cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các cơ quan báo chí tham gia vào công tác PCTN, đồng thời cần có quy định nhằm bảo vệ người tố cáo tham nhũng và những người tham gia đấu tranh PCTN, trong đó có các cơ quan báo chí.

Ngày 10-11, kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ mười bảy, các đại biểu thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013 và thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm: Tránh tràn lan, hình thức

Nhiều ý kiến phát biểu nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH về các chức danh QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, với tổng số 49 người, bao gồm: Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, Chủ nhiệm các ủy ban của QH và các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Tổng kiểm toán nhà nước. Cho ý kiến chung quanh một số nội dung liên quan, đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) và một số đại biểu cho rằng: Theo dự thảo nghị quyết, trong 49 người mà QH lấy phiếu tín nhiệm, có một số trường hợp một người đảm nhiệm hai chức danh, là chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH và một trong các chức danh Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, hay Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH, Chủ nhiệm Ủy ban của QH. Vì thế, theo dự thảo, nếu chỉ quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với một chức danh thì chưa phù hợp.

Đề cập việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của QH, nhiều ý kiến đồng tình chỉ áp dụng với Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và các ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách. Mặt khác, đề nghị không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên khác của Hội đồng dân tộc và các ủy viên của ủy ban, bởi vì diện lấy phiếu tín nhiệm là quá rộng, không cần thiết, dễ dẫn đến hình thức và không mang lại kết quả cao. Về nội dung liên quan HĐND các cấp thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND các cấp bầu, nhiều đại biểu đề nghị không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên trong các ban của HĐND.

Thời điểm, quy trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cần phù hợp

Nhiều đại biểu quan tâm đề cập thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm quy định trong dự thảo Nghị quyết. Theo đó, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm, tại kỳ họp đầu năm kể từ năm thứ hai trong nhiệm kỳ QH là chưa phù hợp. Nếu theo quy định của dự thảo Nghị quyết, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong khoảng thời gian đầu nhiệm kỳ mới chưa phù hợp, chưa đủ thời gian để những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Vì vậy, một số đại biểu đề nghị QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hai năm một lần, tại kỳ họp đầu năm của năm thứ hai và năm thứ tư trong nhiệm kỳ.

Chung quanh quy trình lấy phiếu tín nhiệm được đề cập trong dự thảo Nghị quyết, một số đại biểu đề nghị chỉ thể hiện ở ba mức độ: "Tín nhiệm cao"; "Tín nhiệm trung bình"; và "Tín nhiệm thấp". Đề nghị bỏ nội dung "chưa có ý kiến", vì đại biểu QH và HĐND là người đại diện cho nhân dân, phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của những người đảm nhiệm chức vụ trong bộ máy nhà nước. Đại biểu cần có đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể và thể hiện chính kiến rõ ràng đối với kết quả hoạt động của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Về vấn đề cung cấp thông tin cho các đại biểu đối với các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết chưa đề cập khía cạnh phải cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác, đa chiều, qua đó giúp các đại biểu QH có đủ căn cứ để phân định, đánh giá trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Nhiều ý kiến đề nghị, kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải công khai, minh bạch và được thông qua tại kỳ họp QH và HĐND.

Quản lý chặt chẽ các khoản chi, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng

Mở đầu phiên họp buổi chiều, các đại biểu QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển báo cáo giải trình, tiếp thu về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2012, dự án NSNN năm 2013 và dự thảo Nghị quyết của QH về dự toán NSNN năm 2013. Sau đó, QH đã nghe Ủy viên Đoàn thư ký kỳ họp Đinh Văn Nhã đọc dự thảo Nghị quyết của QH về dự toán NSNN năm 2013. Theo các văn bản nêu trên, năm 2013, dự toán chi đầu tư phát triển là 175 nghìn tỷ đồng và từ ngày 1-7-2013, điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu.

Trước khi thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2013, QH đã biểu quyết thông qua Điều I dự thảo Nghị quyết này với 446 đại biểu tán thành, bằng 89,96% tổng số đại biểu QH. Theo Điều I, tổng số thu cân đối NSNN năm 2013 là 816 nghìn tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN là 978 nghìn tỷ đồng; Mức bội chi NSNN là 162 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết nêu trên với 453 đại biểu tán thành, bằng 90,96% tổng số đại biểu QH. Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, cơ cấu lại các khoản thu, chi, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện huy động, khai thác tích cực các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt; chống thất thoát lãng phí, tham nhũng. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, mua xe công, chi phí công tác trong nước và nước ngoài; ưu tiên cho nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung vốn cho trả nợ xây dựng cơ bản hoàn thành và các công trình, dự án, bảo đảm thực hiện đúng Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chi cho phép chuyển nguồn đối với một số khoản chi thật sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng trong phiên họp buổi chiều, QH đã thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Chủ nhật, ngày 11-11-2012, QH nghỉ làm việc.

Hôm nay, ngày 12-11-2012, QH họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com