Ngày 19-11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 23. Các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Xác định quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý đất đai
Thảo luận Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đa số ý kiến phát biểu tán thành việc ban hành luật, nhằm khắc phục những bất cập của Luật Đất đai hiện hành.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Tố Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) phát biểu tại Hội trường. |
Nhiều ý kiến phát biểu tán thành với quy định trong dự thảo luật tiếp tục xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đất đai. Thực tế cho thấy, hiện nay đất đai do nhiều ngành, nhiều cấp quản lý, nên có lúc, có nơi bị buông lỏng, dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia. Bên cạnh đó, hiện nay đang tồn tại nhiều chế độ sử dụng đất, gây khó khăn trong công tác quản lý. Do vậy, luật cần đưa ra những quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đất đai và xác định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc ký quyết định cấp đất, thu hồi đất, cho thuê đất. Nhiều ý kiến phát biểu đề cập công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, dẫn đến sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, lãng phí, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội. Do vậy, cần xem xét lại công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm sử dụng đất hiệu quả. Nhiều đại biểu tán thành với quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm ba cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đồng thời đề nghị cần có cơ chế để cấp xã giám sát công tác lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, không nên bỏ việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã, vì cấp xã cũng có nhu cầu quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch của huyện, các xã sẽ quy hoạch để phát triển kinh tế địa phương. Nhiều ý kiến đề nghị, cần nâng cao tính liên thông trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giữa các tỉnh, các huyện, tạo sự phát triển tổng thể, tránh sự manh mún, chia cắt quy hoạch tại mỗi địa phương như hiện nay. Cùng với đó, việc quy hoạch cần công khai, minh bạch để người dân quản lý, giám sát, khắc phục tình trạng một số cán bộ biết trước quy hoạch để trục lợi, thay đổi mục đích sử dụng đất.
Bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi
Các quy định liên quan việc bảo đảm quyền lợi cho người có đất bị thu hồi phục vụ các dự án phát triển nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài thời gian qua chủ yếu liên quan đến công tác thu hồi đất. Do vậy, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần đưa ra bước đột phá nhằm giải quyết những vấn đề đang gây bức xúc hiện nay trong công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng. Một số đại biểu đồng tình với nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trong việc thu hồi đất. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ các dự án phục vụ quốc phòng - an ninh, xây dựng các công trình công cộng với các dự án thương mại để đưa ra mức đền bù hỗ trợ phù hợp, tránh tình trạng các dự án tính chất khác nhau, nhưng giá đền bù giống nhau. Nhiều đại biểu đồng tình với quy định, giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể. Nguyên tắc giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm phù hợp cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Liên quan quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, một số đại biểu cho rằng, dự án luật quy định, "Nhà nước xem xét đền bù, hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi" là không hợp lý. Vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nên đối với những người được Nhà nước giao quyền sử dụng đất hợp pháp khi bị thu hồi thì việc Nhà nước đền bù, hỗ trợ là quyền lợi chính đáng của người dân. Do vậy, cần quy định, khi người dân đang sử dụng đất hợp pháp bị thu hồi, Nhà nước phải có trách nhiệm đền bù, hỗ trợ cho người dân thay vì Nhà nước "xem xét" để đền bù, hỗ trợ.
Giao đất nông nghiệp bảo đảm ổn định lâu dài
Nhiều đại biểu tán thành quy định nâng mức hạn điền lên nhiều nhất 5ha và tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp lên 50 năm như trong dự thảo luật. Việc nâng mức hạn điền và tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Nhiều ý kiến đề nghị, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần bảo đảm thống nhất với các quy định của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vì trong dự thảo hai văn bản này có một số quy định chưa thống nhất. Mặt khác, việc sửa đổi Luật Đất đai cũng phải bảo đảm sự thống nhất với một số luật hiện hành có liên quan. Nhiều ý kiến đề nghị, QH cần đưa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.
Hôm qua, ngày 20-11-2012, ngày làm việc thứ hai mươi tư của kỳ họp, buổi sáng, QH họp phiên toàn thể tại hội trường, thông qua các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Xuất bản (sửa đổi); buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)./.
Theo Nhân dân