Sáng 5-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô. Đây là lần thứ hai dự án Luật Thủ đô được xây dựng. Lần này dự án Luật đã dành được sự ủng hộ của phần đông đại biểu Quốc hội. Ngay trong phần quy định thắt chặt điều kiện nhập cư, vốn vẫn còn nhiều tranh cãi, đa số đại biểu cũng tỏ rõ quan điểm đồng tình.
Siết nhập cư để giảm sức ép
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi (đoàn Hà Nội) tán thành với ý kiến cho rằng việc điều tiết vấn đề nhập cư phải bằng những giải pháp kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh, trong hoàn cảnh thủ đô còn rất hạn chế và rất khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện sinh sống, các điều kiện quản lý, tổ chức đô thị nên cần thiết phải bổ sung những biện pháp mang tính chất hành chính. “Tôi ủng hộ ý kiến cho rằng cần phải quy định chặt chẽ hơn điều kiện nhập cư vào khu vực nội thành Thủ đô Hà Nội với yêu cầu về chỗ ở ổn định 3 năm tại địa điểm đăng ký nhập hộ khẩu. Tôi cũng cho rằng, nên bổ sung thêm điều kiện về diện tích nhà ở, thuê là phải đạt hơn 5m2/đầu người, vì nó đảm bảo mức sống, tiêu chuẩn văn minh đô thị cao hơn cho khu vực nội thành, cũng để tránh sự lách luật trong việc minh chứng các điều kiện khi đăng ký nhập khẩu vào Thủ đô”, đại biểu Đào Trọng Thi nói.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Đại biểu Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) thì cho rằng: “Qua 5 năm thực hiện Luật Cư trú, dân số nội thành Hà Nội tăng lên rất nhanh, gây sức ép lớn về quản lý cư trú, giao thông đô thị, an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, nên cần thiết phải có chế tài để hạn chế tình trạng di cư tự do, ồ ạt, từ đó nâng cao chất lượng cư dân của Thủ đô”.
Đại biểu Huỳnh Thành Lập (đoàn TP Hồ Chí Minh) bảo vệ quan điểm siết chặt điều kiện nhập cư vào Hà Nội dựa trên sự tương đồng của hai thành phố lớn nhất cả nước: “Thực tế, những năm gần đây, các đô thị lớn ở Việt Nam - đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - đang hứng chịu áp lực quá tải toàn diện trong tình trạng tăng dân cư cơ học rất nhanh. Thực trạng này không chỉ khiến chất lượng cuộc sống ở đô thị xuống cấp nghiêm trọng, vì điều kiện cơ sở hạ tầng, khả năng cung ứng các dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông… không phát triển kịp, mà còn phá vỡ các quy hoạch, định hướng phát triển bền vững của đô thị. Bức tranh ở nhiều đô thị hiện nay là bước ra đường gặp phải kẹt xe. Xe cấp cứu bệnh nhân, cứu hoả dù có ưu tiên cũng không có đường để đi, lề đường cũng ngập người và xe, nhiều cư dân bị xáo trộn cuộc sống, giờ giấc làm việc, học hành vì ách tắc giao thông”. Từ đó, đại biểu cho rằng, việc quy định một số biện pháp hành chính về đăng ký thường trú tại khu vực nội thành Hà Nội là cần thiết: “Nếu làm không chặt chẽ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Sự chặt chẽ này tạo điều kiện để bảo đảm chất lượng cuộc sống tốt hơn cho những người đang thường trú và những người đủ điều kiện thường trú ở nội thành”.
Khó siết chặt vì “đất lành chim đậu”
Tuy phần đông đại biểu phát biểu đều tán thành với chủ trương siết chặt điều kiện nhập khẩu trong khu vực nội thành Hà Nội, nhưng cũng có một số ý kiến của các đại biểu bày tỏ sự không đồng tình với quy định này vì sự “đất lành chim đậu”.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, việc thắt chặt điều kiện nhập cư như đề xuất của dự thảo Luật Thủ đô là không thuyết phục, “không thể giải quyết giảm mật độ dân cư ngày càng tăng của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung bằng cách này”. “Vì sao môi trường sống chưa hẳn đã tốt nhưng người dân lại thích kéo về Thủ đô? Phải chăng quy hoạch Thủ đô Hà Nội có vấn đề?” - đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu câu hỏi. Từ câu hỏi này, đại biểu Phạm Trọng Nhân tự đưa ra câu trả lời. Chỉ có xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch thì mới “giải quyết được bài toán mật đô dân cư”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn TP Hải Phòng) có phần gay gắt khi cho rằng “Việc dự thảo luật đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế cư trú trong nội thành Hà Nội có thể coi đây là một bước thụt lùi trong công tác quản lý quy hoạch cũng như chất lượng làm luật chúng ta”. Giải thích điều này, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói: “Hiện nay Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để tăng quyền tự do dân chủ của nhân dân. Nỗ lực áp dụng các biện pháp để cải cách thủ tục hành chính thì dự thảo luật này lại đi ngược lại hoàn toàn, hạn chế quyền tự do cư trú của công dân và đưa ra hàng loạt các điều kiện kèm theo nếu muốn được thường trú tại nội thành Hà Nội. Luật Cư trú hiện hành đã thể chế hoá quyền tự do cư trú của công dân được quy định tại Điều 68, Hiến pháp năm 1992. Tại Điều 10, Luật Cư trú, quy định về các hành vi bị hạn chế quyền tự do cư trú, không quy định trường hợp hạn chế nào đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội”. Để giải quyết “tận gốc của vấn đề”, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị phải xây dựng chính sách đồng bộ, cải thiện điều kiện cơ sở về kinh tế - xã hội, quy hoạch. Cụ thể, để kéo giãn dân cư ra ngoại thành và các vùng lân cận, thay vì đặt ra các biện pháp kỹ thuật hành chính tạm thời, phải chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, tổ chức ra khỏi nội thành, hạn chế xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) đi từ phân tích nguyên nhân của việc tăng dân cư để tiếp cận vấn đề. Theo đại biểu, nguyên nhân của việc tăng dân cư trong thời gian qua ở Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn khác nói chung có gốc là sự mất cân đối trong phát triển giữa các vùng miền trên tất cả các lĩnh vực, như lao động, việc làm, thu nhập, điều kiện xã hội, điều kiện hưởng thụ, phúc lợi công cộng… của người dân, đặc biệt là chính nhu cầu lao động nhập cư để phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. “Do đó, nếu chúng ta dùng biện pháp hành chính như quy định tại Điều 19 nguy cơ sẽ không có hiệu quả, vì quản lý hành chính có thể giảm số lượng người đăng ký tạm trú về mặt sổ sách, giấy tờ, nhưng về thực tế sẽ tăng nguy cơ lượng người nhập cư không chính thức vào đô thị, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội, cả lao động có trình độ và lao động không có trình độ. Do những rào cản về mặt kỹ thuật dẫn đến những hệ luỵ là phát sinh tiêu cực như chạy các điều kiện để được đăng ký thường trú tại Thủ đô”, đại biểu Nguyễn Thành Tâm nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội điều khiển phiên họp Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đã tán thành với các phương án thắt chặt điều kiện nhập cư như đề xuất của dự thảo. Tuy nhiên, cũng theo Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu: “Khẳng định một điều là ở đây chỉ quy định đối với những việc nhập cư vào nội thành, còn ở ngoại thành vẫn áp dụng theo Luật Cư trú hiện nay”.
Ngoài vấn đề điều kiện nhập cư nội thành, các vấn đề thể hiện tính đặc thù của Thủ đô, như vấn đề xử phạt vi phạm hành chính, ưu tiên nguồn thu… cũng được nhiều đại biểu tán thành. Theo kế hoạch, dự thảo Luật Thủ đô sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua trong phiên họp chiều ngày 21-11 tới./.
Theo Nhân dân