Mẫu số chung ở Viêng Chăn

05:11, 09/11/2012

Có một Viêng Chăn khang khác trong những ngày cuối năm 2012. Không khí sôi động lan tỏa khắp Thủ đô vốn có nhịp sống bình lặng của đất nước Lào anh em. Cờ hoa trang hoàng khắp phố phường, tôn thêm dáng hiên ngang của Pát-tu-xay trong nắng vàng, gió nhẹ. Nước Lào đang vào hội, không phải hội lúa mới, không phải hội té nước mà là những ngày hội của hội nhập quốc tế, của giao lưu và hợp tác phát triển. Chỉ mới cách đây ít ngày thôi, nước Lào đã được chấp thuận là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thế rồi đất nước hoa Chăm-pa lại cùng với các thành viên ASEM gắng hết sức để tiếp thêm luồng sinh khí cho quan hệ đối tác Á - Âu, hai châu lục quan trọng bậc nhất thế giới.

Một góc Thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: Internet
Một góc Thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: Internet

Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 9 (ASEM 9) là sự kiện mang tính lịch sử và lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức ở đất nước Triệu Voi. Đương nhiên đây là vinh dự của Lào nhưng nó cũng thể hiện hai đặc tính của ASEM: Bất kể nước nhỏ hay nước lớn đều đóng vai trò quan trọng như nhau trong cơ chế hợp tác liên lục địa này và dù là nước phát triển hay đang phát triển cũng có cùng trách nhiệm tìm phương thức hợp tác để người dân có thể hưởng thái bình và hạnh phúc, nhất là trong kỷ nguyên đầy biến động hôm nay.

Có lẽ chưa một diễn đàn liên khu vực nào có nhiều tiềm năng hợp tác như ASEM. Chặng đường trưởng thành của ASEM luôn gắn với những dấu ấn, những bước ngoặt của sự lớn mạnh về tiềm lực và số lượng thành viên cũng như những thành tựu trên cả ba trụ cột hợp tác của Diễn đàn. Viêng Chăn đã đánh dấu đợt mở rộng lần thứ tư với việc kết nạp ba thành viên Băng-la Đét, Na Uy và Thụy Sĩ. Như vậy, chỉ trong 16 năm, số thành viên của đại gia đình ASEM đã tăng gấp đôi từ 26 lên 51 thành viên, trải rộng từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, từ Bắc Băng Dương xuống Ấn Độ Dương. Sự trưởng thành đó của ASEM đã góp phần quan trọng củng cố xu thế đối thoại, hợp tác và liên kết ở hai châu lục và trên thế giới. Tuy nhiên, đúng như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn tại phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEM 9 rằng, hiện nay tại một số nơi trong khu vực và trên thế giới đang phải ứng phó với những thách thức phức tạp. Vì vậy, chưa bao giờ hai lục địa Á - Âu lại phải cần thiết mở rộng đối thoại và tăng cường hợp tác như lúc này, nhằm phát triển bền vững để bảo đảm người dân có thể sống trong hòa bình và thịnh vượng.

Ngay từ chủ đề của ASEM 9 là “Bạn bè vì hòa bình, Đối tác vì thịnh vượng” dường như đã mang hàm ý rằng, tiềm năng to lớn của hợp tác Á - Âu không thể được khai phá triệt để nếu thiếu hòa bình và ổn định. Không cần nhiều kiến thức chuyên sâu cũng có thể nhận biết rằng, thế giới và hai châu lục Á - Âu đang chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, với những vận hội mới song cũng đứng trước hàng loạt thách thức an ninh to lớn. Những cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo ở một số nơi, bất ổn kinh tế - xã hội, kinh tế suy giảm… đang tác động sâu rộng tới nhân loại nói chung và hai châu lục Á - Âu nói riêng với nhiều hệ quả khó lường. Thực tế, qua các phiên thảo luận sâu sắc trong hai ngày 5 và 6-11, các nhà lãnh đạo ASEM đều chia sẻ nhận thức chung rằng, cho dù còn có một số khác biệt, bất đồng trên lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, song rõ ràng duy trì hòa bình, an ninh và ổn định chính là mẫu số lợi ích chung lớn nhất của tất cả các nước dù ở châu Á, hay ở châu Âu. Nhiều thành viên đề cao nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Hòa bình, an ninh và ổn định chính là động lực, là chìa khóa để ASEM phối hợp tốt hơn trong giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công và đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, giúp châu Á duy trì tăng trưởng, bảo tồn sự năng động và liên kết kinh tế đang ngày càng chặt chẽ.

Việc đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà của Hội nghị Cấp cao ASEM 9 đã nêu cao vai trò và uy tín của Lào trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời đó chính là thành tựu của chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác của đất nước Triệu Voi. Là nước láng giềng anh em, sâu nặng nghĩa tình đoàn kết đặc biệt, Việt Nam đã nỗ lực hết sức có thể để giúp bạn Lào tổ chức tốt Hội nghị Cấp cao
ASEM 9, nhất là sự kiện này lại diễn ra trong Năm Đoàn kết hữu nghị Việt - Lào, Lào - Việt 2012. Sự hỗ trợ nhiều mặt này có thể được nhận thấy ngay ở Trung tâm báo chí hội nghị khi hoạt động ở nơi làm việc hiện đại và thuận tiện của phóng viên này có sự giúp sức nhiệt tình, vô tư của các kỹ thuật viên của VNPT và Đài Truyền hình Việt Nam. Nhưng có lẽ góp sức quan trọng nhất là sự tham gia tích cực của Đoàn đại biểu Việt Nam, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, vào tất cả các phiên họp của hội nghị. Tại phiên họp toàn thể thứ nhất với chủ đề “Các vấn đề kinh tế - tài chính”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng trong quá trình hợp tác, ASEM cần quan tâm thỏa đáng các vấn đề phát triển, các chương trình kết nối khu vực và liên khu vực, thu hẹp khoảng cách và bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các thành viên phát triển và đang phát triển. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đã nêu rõ quan điểm đầy trách nhiệm của Việt Nam trước các thách thức đang nổi lên tại phiên họp “Các vấn đề toàn cầu” cũng như phiên họp “Các vấn đề khu vực”.

Trong chuyến đi dự Hội nghị Cấp cao ASEM 9, Đoàn đại biểu Việt Nam càng chứng tỏ tinh thần chủ động, tích cực khi dù thời gian hạn hẹp song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo các nước bên lề hội nghị, thể hiện sinh động đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam.

Hội nghị Cấp cao ASEM 9 tại Viêng Chăn đánh dấu những bước tiến quan trọng trong tiến trình hợp tác Á - Âu. Có thể nói, sau 16 năm hình thành và phát triển của ASEM đã khẳng định “con đường tơ lụa” vốn tồn tại từ hàng nghìn năm giữa châu Á và châu Âu đã được nâng lên một tầng nấc phát triển mới. Sự lớn mạnh của ASEM là minh chứng khẳng định rõ ràng rằng, quan hệ đối thoại và đối tác là xu hướng hợp tác bao trùm và xuyên suốt trong tiến trình hợp tác Á-Âu, phù hợp với nguyện vọng và mong mỏi của nhân dân hai châu lục./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com