Sáng 23-11, tại hội trường Bộ Quốc phòng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIII đã họp phiên bế mạc, hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình làm việc đề ra.
Tới dự phiên bế mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng nhiều vị lãnh đạo cấp cao khác của Đảng, Nhà nước và các lão thành cách mạng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn bế mạc. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN |
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao tinh thần và hiệu quả làm việc của các đại biểu Quốc hội trong suốt kỳ họp.
Trước đó, với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã thông qua 5 nghị quyết quan trọng và một đạo luật cuối cùng tại kỳ họp. Như vậy, tại kỳ họp thứ tư này, Quốc hội đã thông qua 10 nghị quyết và 9 luật, đồng thời cũng cho ý kiến về 6 dự án luật.
Với việc thông qua Nghị quyết Về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục thực hiện thí điểm chế định này đến hết ngày 31-12-2015. Phạm vi thí điểm được mở rộng ra một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, ngoài Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất thí điểm mô hình thừa phát lại trong thời gian qua. Sau khi kết thúc thí điểm, Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015.
Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Do đa số đại biểu tán thành việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam làm trưởng ban, để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nên không quy định trong Luật. Quy định cụ thể về vấn đề này sẽ được ghi trong các văn kiện của Đảng. Một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng lần này, đã được Quốc hội thông qua, là vấn đề công khai bản kê khai tài sản, góp phần triển khai thực hiện quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà nước ta là thành viên, tiến tới kiểm soát thu nhập để tạo điều kiện giám sát, phát hiện tham nhũng.
Các đại biểu dự phiên bế mạc. |
Thông qua Nghị quyết Về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Toà án nhân dân, công tác thi hành án năm 2013, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan này có những giải pháp để tạo chuyển biến tích cực trong năm tới.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết Về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thông qua các hình thức góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, thảo luận tại hội nghị, hội thảo, toạ đàm, nhân dân có quyền góp ý với toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc lấy ý kiến nhân dân sẽ được bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013.
Nội dung tiếp theo được Quốc hội thông qua là Nghị quyết Về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Theo đó, Quốc hội yêu cầu, trước năm 2015, các cơ quan chức năng phải cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính, trích do địa chính có toạ độ. Ngoài ra, thủ trưởng các cơ quan phải giải quyết kịp thời, dứt điểm và công bố công khai kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương.
Nghị quyết cuối cùng được thông qua tại phiên bế mạc là Nghị quyết Về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIII. Tại Nghị quyết này, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các thành viên Chính phủ có kế hoạch thực hiện các nội dung đã trả lời chất vấn để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới đây. Quốc hội cũng giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét những nội dung cần thiết để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Với việc thông qua 5 nghị quyết và một đạo luật nêu trên, Quốc hội đã kết thúc tốt đẹp 27 ngày làm việc khẩn trương, tích cực, sôi nổi và hiệu quả cao tại kỳ họp thứ tư này./.
Theo Nhân dân