* Nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri
Ngày 12-11, ngày làm việc thứ mười tám, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII, các đại biểu làm việc tại hội trường, chất vấn các thành viên Chính phủ. Trước khi tiến hành chất vấn, các đại biểu QH đã nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII; nghe Chính phủ báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai và thứ ba, QH khóa XIII.
Công tác giải quyết kiến nghị của cử tri có chuyển biến tích cực
Đầu giờ sáng, các đại biểu nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII. Theo báo cáo, tại kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII, Ủy ban Thường vụ QH đã nhận được 1.732 kiến nghị của cử tri cả nước. Nội dung kiến nghị của cử tri đề cập tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Đại biểu Quốc hội Vũ Xuân Trường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu tại hội trường. |
Trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai và thứ ba, QH khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay sau mỗi kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành các Nghị quyết của QH, nhanh chóng nghiên cứu, cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và khẩn trương tổ chức thực hiện gắn với triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước giải quyết những vấn đề mà QH, đại biểu QH và cử tri cả nước quan tâm. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tập trung khắc phục những hạn chế, phấn đấu giảm hơn nữa tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và chính sách tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn; vận động các nguồn vốn khác và áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nông thôn mới. Tăng cường quản lý đầu tư, cơ cấu lại đầu tư công, đặc biệt là từ vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ; gắn kết chặt chẽ việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay. Chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại theo lộ trình, xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém; khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xử lý nợ xấu, minh bạch hóa và triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng...
Theo chương trình, tại kỳ họp này, QH tiến hành chất vấn năm thành viên Chính phủ gồm: Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Y tế và Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường tính dự báo và quản lý chặt chẽ thị trường
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Một số đại biểu hỏi về nguyên nhân và biện pháp giải quyết lượng hàng tồn kho lớn và tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả trên thị trường, trách nhiệm của Bộ Công thương đối với vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tồn kho lớn do quy hoạch còn nhiều bất cập, không cân đối giữa sản xuất và nhu cầu tiêu dùng. Đây là điểm yếu trong công tác quản lý nhà nước và trong quy hoạch các ngành sản xuất. Bên cạnh đó, công tác dự báo còn hạn chế, yếu kém, chưa đưa ra định hướng chính xác cho doanh nghiệp về thị trường để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Thời gian qua, Bộ Công thương và các ngành liên quan đã nỗ lực thực hiện các giải pháp giải quyết hàng tồn kho và đã có bước chuyển biến, lượng hàng tồn kho giảm dần. So với thời điểm đầu tháng 6-2012, lượng hàng tồn kho tính đến đầu tháng 10-2012 tại khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm từ 26% xuống 20%. Thời gian tới, Bộ Công thương và các ngành chức năng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, như giảm giá bán, áp dụng các chính sách kích cầu tiêu dùng để giải quyết hàng tồn kho, nhất là đối với các mặt hàng than đá, vật liệu xây dựng, phân bón.
Về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, công tác quản lý thị trường thời gian qua chưa được thực hiện tốt, để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích và sức khỏe người dân. Phần nhiều hàng giả, kém chất lượng vào Việt Nam là hàng lậu, do công tác kiểm soát tại cửa khẩu còn hạn chế…
Đề cập những yếu kém trong điều hành thị trường xăng, dầu, Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua, công tác điều hành thị trường xăng, dầu còn nhiều bất cập. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương xem xét sửa Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu để khắc phục những hạn chế trong điều hành xăng, dầu hiện nay. Thời gian tới, ngành Công thương sẽ phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ thị trường và xử lý nghiêm những hành vi sai phạm trong kinh doanh xăng, dầu. Về thị trường xăng, dầu cạnh tranh, theo Nghị định 84, tất cả các doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện đều có thể xem xét cho phép trở thành đầu mối cung cấp xăng, dầu. Từ khi có Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ, đã có thêm bốn doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia thị trường xăng, dầu. Như vậy, chúng ta đã có thị trường xăng, dầu cạnh tranh. Thời gian qua, tại một số địa phương đã thử nghiệm việc sử dụng xăng sinh học, tuy nhiên chưa có kết luận cụ thể của các cơ quan chức năng…
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu sẽ được sửa đổi cùng với sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm góp phần để thị trường xăng, dầu vận hành tốt hơn. Về việc lợi dụng tạm nhập tái xuất xăng, dầu trong mấy năm qua có một lượng xăng, dầu tạm nhập, nhưng không tái xuất mà để lại sử dụng trong nước. Cụ thể, hiện nay có 15% tổng lượng xăng, dầu tiêu thụ trong nước là xăng, dầu tạm nhập tái xuất. Lượng xăng, dầu này được để lại sử dụng trong nước theo quyết định của các ngành chức năng trong những thời điểm, trường hợp cụ thể. Điều này là hợp pháp. Tuy nhiên, thời gian qua có tình trạng lợi dụng nhập lượng lớn xăng, dầu, nhưng không tái xuất nhằm trốn thuế. Thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tiếp tục kiểm soát, xử lý tình trạng này…
Giải quyết tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý và đầu tư xây dựng
Các đại biểu QH tiến hành chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Các câu hỏi tập trung vào vấn đề tổ chức lại thị trường bất động sản đang trong tình trạng "đóng băng"; tình trạng tồn đọng vốn của các ngân hàng liên quan thị trường bất động sản và trở thành khoản nợ xấu đối với các ngân hàng. Nhiều đại biểu chất vấn về chất lượng công trình xây dựng, trong đó có các công trình đập thủy điện, các công trình giao thông, thủy lợi gây tốn kém, lãng phí, thất thoát và mất an toàn; vấn đề quy hoạch quản lý đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp, khu dân cư và trách nhiệm giải quyết những tiêu cực trong ngành Xây dựng thời gian tới. Nhiều ý kiến chất vấn liên quan chất lượng công trình xây dựng, như công trình nhà ở, tái định cư, thủy điện, điện hạt nhân đang là vấn đề bức xúc và được cử tri nhiều nơi rất quan tâm. Một số đại biểu chất vấn về thực trạng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về kinh doanh thị trường bất động sản ở Việt Nam thời gian qua kém hiệu quả, xảy ra tình trạng "nhà nhà đầu tư bất động sản". Theo đó, người dân và các tập đoàn kinh tế đều tham gia, các tổng công ty Nhà nước "những quả đấm thép" của nền kinh tế trong khi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính của mình cũng tham gia đầu tư bất động sản. Hệ lụy của tình trạng lộn xộn này đã đẩy giá bất động sản lên cao bất hợp lý, tình trạng tham nhũng và khiếu kiện có nguyên nhân không nhỏ từ việc thu hồi đất để phát triển các dự án kinh doanh bất động sản. Các ý kiến cho rằng, trong khi người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi và Nhà nước bị thiệt thòi, các nhà đầu tư lại thu lợi rất lớn. Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, vấn đề lãng phí, thất thoát trong các công trình xây dựng như nhiều đại biểu đề cập đã có từ lâu, rất khó khắc phục triệt để. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề thể chế chưa được hoàn thiện, như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực xây dựng khác. Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về một số vụ việc sai phạm của các công trình xây dựng cụ thể tại địa phương, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, thời gian qua, công tác kiểm soát chất lượng, hiệu quả các công trình xây dựng còn nhiều thiếu sót, do năng lực ở nhiều đơn vị, cá nhân còn hạn chế. Công tác quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, quá trình thanh tra, kiểm tra, quy trình kiểm soát chất lượng nhiều dự án chưa chặt chẽ. Hơn nữa, nhiều địa phương, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành còn hạn chế. Theo Bộ trưởng, những hạn chế, thiếu sót và các vụ việc liên quan công trình xây dựng, thực tế cho thấy còn thiếu cơ chế giám sát xã hội hiệu quả và thiếu cơ chế khuyến khích người dân tham gia giám sát, phát hiện kịp thời; đồng thời chưa có chế tài đủ mạnh xử lý quyết liệt, triệt để những sai phạm xảy ra. Để khắc phục những tồn tại nói trên, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục cố gắng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tăng cường hơn nữa công tác quản lý chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng, khắc phục các "lỗ hổng" trong quản lý, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng như trước đây…
Trả lời một số nội dung nhiều đại biểu quan tâm về giải quyết tình trạng phát triển, quy hoạch đô thị thiếu đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, Bộ trưởng Xây dựng đã thừa nhận có tình trạng vừa qua, và sắp tới Bộ chủ quản sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện những văn bản pháp luật, qua đó xác định rõ hơn nữa tiêu chuẩn, yêu cầu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị, xây dựng lộ trình thực hiện bài bản, đồng bộ, hợp lý, tránh để xảy ra trình trạng vừa qua. Trả lời các câu hỏi của các đại biểu liên quan tính khả thi, tính hiệu quả của các giải pháp tháo gỡ, vướng mắc đối với các nhà đầu tư, người dân có thu nhập thấp, người nghèo trong tổ chức, thực hiện nhà ở xã hội, vấn đề đầu tư quỹ nhà xã hội. Theo Bộ trưởng, bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, cần có tầm nhìn chiến lược lâu dài, hỗ trợ các nhà đầu tư vượt khó khăn, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nghèo mua nhà, thông qua tái cơ cấu sản phẩm bất động sản, khuyến khích người dân tham gia đầu tư nhà xã hội.
Hôm qua, 13-11-2012, ngày làm việc thứ mười chín của kỳ họp, QH họp phiên toàn thể ở hội trường, tiếp tục chất vấn và nghe trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi./.