Chất lượng lá phiếu

07:11, 30/11/2012

Tháng 6 năm sau, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các nhân sự cấp cao của Chính phủ và Quốc hội. Với HĐND cũng sẽ có động thái tương tự. Phiếu tín nhiệm dành cho những nhân vật quan trọng là một bước đi dân chủ mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Đảng làm trong sạch đội ngũ cán bộ, là một đòn mạnh dành cho những ai do một sự “ngẫu nhiên” nào đó có được những vị trí quan trọng, trong khi cả tài năng lẫn phẩm hạnh đều không đáp ứng được đòi hỏi của công việc. Họ đã ngồi nhầm ghế, hay nói cách khác là chiếm đoạt chiếc ghế chức quyền một cách bất hợp lý thì nay - dựa vào sự bất tín nhiệm thông qua lá phiếu của các vị ĐBQH, HĐND - sẽ phải dời đi, trả lại ghế cho những người xứng đáng.

Ngày 26-11, trong buổi tiếp xúc cử tri Q.1 Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đón nhận không ít băn khoăn của cử tri. Trong 3 mức độ để đánh giá cán bộ là “tín nhiệm”, “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm thấp” thì liệu người bỏ phiếu có thực sự hành động theo đúng lương tâm, trách nhiệm của mình không. Từng có những người cầm lá phiếu với tư tưởng “dĩ hoà vi quý”, ngại trách nhiệm, ngại va chạm, đôi khi lại lo sợ một cách vu vơ nên sẽ bỏ phiếu ở mức độ “tín nhiệm” cốt an thân do không ảnh hưởng đến ai. Ở một góc khác, có cử tri nêu băn khoăn: thực tế bỏ phiếu có sự vận động, từ đó xuất hiện chuyện mua chuộc, tiêu cực, mua phiếu. Nếu như thế thì việc bỏ phiếu tín nhiệm với cán bộ cấp cao sẽ không đạt yêu cầu đề ra.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các cử tri quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các cử tri quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

Trước những băn khoăn chính đáng của cử tri. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các nhân sự cấp cao là một việc làm cụ thể trong tổng thể những giải pháp chống tham nhũng. Chính vì thế, Chủ tịch nước nhấn mạnh, mỗi người cầm lá phiếu phải rất có trách nhiệm, phải khách quan, công tâm, vì sự nghiệp của đất nước chứ không phải vì lợi ích cá nhân hay vì cái ghế của mình đang ngồi. “Nếu vì cái ghế mình đang ngồi thì chế độ sẽ suy vong. Muốn chế độ vững bền thì người cầm lá phiếu phải đầy trọng trách” - Chủ tịch nước nhấn mạnh. Đồng chí phân tích, chất lượng lá phiếu phụ thuộc vào từng ĐBQH, đồng thời lưu ý, cử tri là những người bầu ra ĐBQH nên cử tri cũng phải có trách nhiệm đòi hỏi đại biểu làm đúng ý chí của mình. Còn nếu không thực hiện ý chí đó là không còn tư cách đại biểu nữa. “Tôi hy vọng rằng, các vị ĐBQH, HĐND trên cả nước đừng để mất lòng tin của dân khi họ đã bỏ phiếu cho mình” - Chủ tịch nước nói.

Như vậy, cùng với chủ trương lấy phiếu tín nhiệm thì còn là chất lượng lá phiếu. Đã rất lâu rồi chúng ta mong đến ngày ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm (hay nói đúng hơn là bỏ phiếu bất tín nhiệm) đối với một nhân sự cao cấp nào đó do Quốc hội phê chuẩn. Nhưng trên thực tế, điều đó hầu như không diễn ra. Vì thế, nhiều vị khi đã vào ghế thì nghiễm nhiên tại vị cho đến hết nhiệm kỳ hoặc là hết tuổi công tác mới chịu thôi, cho dù ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách bê bối, tham nhũng rất trầm trọng, thua lỗ triền miên làm tổn hại không biết bao nhiêu tiền bạc của dân, của nước. Do “không làm được gì”, nên các ĐBQH lẫn Quốc hội vì thế cũng bị giảm quyền lực. Trong nhiều phiên chất vấn - trả lời chất vấn, người dân cả nước đã từng được nghe rất nhiều lời hứa của Bộ trưởng này, Bộ trưởng kia. Nhưng rất nhiều lời hứa rồi để đấy, hứa suông cho qua chuyện, còn lĩnh vực mình phụ trách vẫn ngày một tệ hơn. Họ cứ hứa, nhưng không khắc phục khuyết điểm là bởi tin rằng không ai làm gì được mình, các vị ĐBQH không thể bứng được họ ra khỏi cái ghế ấy. Nay, các vị ĐBQH đã không chỉ có sức mạnh lời nói của chất vấn và truy vấn, mà đã có “vũ khí” trong tay là lá phiếu tín nhiệm để chiến đấu với những gì đang kéo lùi đất nước. Không ai còn giữ được vị thế “bất khả xâm phạm”, vị thế “miễn trừ” nữa, mà sẽ phải đối mặt với sự thực: nếu năng lực lãnh đạo, điều hành kém; nếu tham nhũng, lãng phí; nếu gây thiệt hại cho công quỹ; nếu kéo bè, kéo cánh vun đắp cho lợi ích nhóm thì sẽ phải trả giá.

Tuy nhiên, “vũ khí” là lá phiếu tín nhiệm ấy có hiệu nghiệm hay không lại phải trông chờ vào thái độ của người bỏ phiếu. Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã trao “vũ khí” vào tay các vị ĐBQH thì cũng là đặt trọng trách vào họ, đặt niềm tin vào họ. Không ai được vì lợi ích cá nhân, vì ý muốn an toàn cho bản thân mà bỏ phiếu một cách thiếu trách nhiệm. Nếu vậy, họ đã phụ niềm tin của người dân khi bầu chọn họ làm đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội. Họ cũng phụ niềm tin của Đảng, của Nhà nước, của Quốc hội đối với mình. Vận động trước khi bỏ phiếu cũng là lẽ thường, nhưng là để xác định đúng hơn, rõ hơn về người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm có còn ngồi ghế đó nữa hay không. Đó hoàn toàn không phải là vận động để liên kết “giữ ghế” cho một nhân vật nào đó mà lẽ ra đã phải ra đi từ lâu vì vận động theo nghĩa này thì niềm tin của nhân dân lại càng suy giảm. Nhân dân rất tinh tường, một động thái nào đó dù là nhỏ cũng không qua được mắt nhân dân. Vậy thì, những người được dân tin bầu vào Quốc hội, HĐND phải thực hiện nghiêm chỉnh ý nguyện của nhân dân, phải dũng cảm đứng về sự thật mà thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cho dù mình có bị thiệt thòi đi chăng nữa. Thiệt cho cá nhân mình, nhưng lại được người dân tin yêu thì cũng không có gì hối tiếc.

Thời gian thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm còn lâu, nhưng ngay từ bây giờ người dân đã trăn trở về chất lượng lá phiếu. Vì sao như thế? Điều đó thật rất đáng suy nghĩ./.

Theo daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com