NGUYỄN VĂN TUẤN
Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh
Vùng đất Thiên Trường xưa - Nam Định nay nằm ở vị trí trung tâm Nam đồng bằng sông Hồng. Đứng ở thế giao hòa giữa đất trời và biển cả, đây là vùng đất phì nhiêu, dân cư đông đúc, lại có thế Long Ngọa, phát tích đế vương nên khi đi tìm đất lập nghiệp tổ tiên dòng họ Trần đã lấy khu Khang Kiện (hương Tức Mặc xưa - phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định ngày nay) để định cư lập nghiệp. Sau khi Trần Cảnh lên ngôi vua lấy hiệu là Trần Thái Tông (1225), năm Kỷ Hợi (1239), nhà vua đã cho quan, quân về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện "kiểu cách như kinh đô Thăng Long". Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1262), Thái Thượng hoàng cùng với quan gia ngự về hương Tức Mặc, cho mở tiệc lớn chiêu đãi dân chúng và xuống chiếu: đổi hương Tức Mặc thành Phủ Thiên Trường, Thiên Trường trở thành đơn vị hành chính quan trọng, bao gồm cả vùng hữu ngạn hạ lưu sông Hồng (nay thuộc tỉnh Nam Định) và một phần tả ngạn huyện Thư Trì - phủ Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Thái Bình), lấy hai cung Trùng Quang và Trùng Hoa (nay là khu vực Đền Trần - phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định) làm trung tâm, đặt dấu ấn đầu tiên cho đô thị Nam Định sau này. Thiên Trường được coi như kinh đô thứ hai của nước Đại Việt thời Trần, sau kinh thành Thăng Long.
Trong suốt thời kỳ lịch sử, từ Thiên Trường đến Nam Định ngày nay, trải qua các triều đại phong kiến và các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, vùng đất này đã nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau. Năm 1831, dưới triều Nguyễn, vua Minh Mạng đổi trấn lập tỉnh Nam Định gồm 4 phủ, 18 huyện. Thiên Trường - Nam Định không chỉ là quê hương nơi phát tích của vương triều Trần, vương triều thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, mà còn có vị trí trọng yếu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nơi hội tụ, hình thành và tỏa sáng các giá trị văn hóa, tư tưởng, chính trị, quân sự, xứng danh là vùng đất địa linh nhân kiệt. Với vị trí chiến lược của Phủ Thiên Trường, nhà Trần không chỉ coi đây là quê hương, có cung điện, đền miếu thờ phụng dòng họ, tổ tiên mà còn coi đây là kinh đô thứ hai - nơi các Thái Thượng hoàng về ngự, bàn định kế sách giúp Vua con trị vì đất nước; nhà Trần đã cho xây dựng vùng hậu cứ an toàn tại đây. Sau chiến thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258), nhà Trần đã xây dựng các đồn binh, tập trung quân chủ lực, xây dựng các điền trang, thái ấp, các kho lương chứa thóc gạo, các đội thuyền chiến tải lương… Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, Vua tôi nhà Trần đã sử dụng Thiên Trường làm căn cứ địa chiến lược để lui quân, củng cố, tổ chức phản công chiến lược với ý chí "Sát Thát" làm nên những chiến thắng lẫy lừng Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng… quét sạch bóng quân thù, giữ vững non sông gấm vóc, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông hung bạo.
Thời Trần, Phủ Thiên Trường sớm hình thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Năm 1281, nhà Trần lập nhà học ở Phủ Thiên Trường. Đây là mốc khởi đầu cho đất học Thiên Trường. Theo Lịch triều hiến chương loại chí: nhà Trần "Định rõ 7 năm một khóa, đặt ra Tam Khôi, điều lệ mỗi ngày một nghiêm ngặt, ân điển mỗi ngày một long trọng, công danh do đó mà ra, có rất nhiều nhân tài, so với nhà Lý thịnh hơn nhiều". Trường học Văn Hưng ở Thiên Trường là nơi cho sĩ tử của cả một vùng rộng lớn để đua sức tranh tài. Nơi đây Thượng hoàng đã từng ra đề thi để chọn hiền tài cho quốc gia. Những vị trạng nguyên nổi tiếng như: Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Đào Toàn Phú, Lê Hiến Phủ, Lê Hiến Tứ, Trần Đạo Tái… đã từng học và thi đỗ tại đây.
Thời Lê sơ, vị trí Thiên Trường càng trở nên đặc biệt quan trọng với các hoạt động quân sự để tiến công Chiêm Thành cũng như việc phòng vệ phía Nam cho vùng Trung châu Bắc Bộ, cho kinh thành Đông Kinh (Hà Nội). Nhà nước thời Lê sơ rất quan tâm đến việc nông tang, ban hành những chính sách tích cực, nhất là đắp đê, khai hoang lấn biển. Thế kỷ XV, vùng ven biển Nam Định chứng kiến một công trình kết tinh thành quả lao động to lớn của nhân dân, hoàn thành đắp con đê Hồng Đức, một con đê ngăn nước mặn có quy mô lớn đầu tiên ở vùng châu thổ. Đê Hồng Đức không chỉ là công trình ngăn sóng, gió, bão biển bảo vệ đời sống và sản xuất của nhân dân mà thực sự là thành lũy vững chắc bảo vệ vùng cửa biển và cung đường huyết mạch Bắc Nam, nơi có sông Đáy, sông Hồng, sông Ninh Cơ… hợp thành hệ thống giao thông thủy bộ quan trọng vùng ven biển. Nhà Lê cũng đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức khẩn hoang dưới hình thức đồn điền ở phía Nam khu vực sông Hồng, trong đó có Thiên Trường. Với chính sách đó, vùng đất Thiên Trường hình thành khá nhiều đồn điền, chỉ tính riêng huyện Nam Chân, xứ Sơn Nam (vùng Nam Trực, Trực Ninh) có 25 sở đồn điền trong tổng số 43 sở đồn điền trong cả nước. Sự trù mật của các đồn điền ở ven cửa biển vùng Giao Thủy, bên sông Hồng, sông Đáy đã làm nổi bật vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của vùng đất Phủ Thiên Trường. Năm 1428, nhà Lê đã cho mở các trường học ở phủ, lộ. Sự phát triển của nho học ở Nam Định không chỉ diễn ra trên các vùng đất cổ như Ý Yên, Vụ Bản hay xung quanh các trang ấp của nhà Trần như Lộc Vượng, mà còn ở cả địa bàn ven biển, nơi các làng mạc mới được hình thành. Trong vòng 100 năm thời Lê sơ, Nam Định đã có 22 tiến sĩ (chiếm gần 1/4 tổng số đại khoa của Nam Định trong lịch sử thi cử Nho học 1075-1919).
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Tập đoàn Youngone (Hàn Quốc) gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định Khu Liên hợp dệt tại KCN Hòa Xá. Ảnh: Xuân Thu |
Thời Nguyễn đánh dấu bước phát triển mới của vùng đất Thiên Trường - Nam Định. Công cuộc khai phá các vùng đất mới tiếp tục được phát triển mở rộng gắn liền với sự nghiệp, tên tuổi của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Nhiều làng xã mới được hình thành như tổng Hoành Thu - nay thuộc huyện Giao Thủy, tổng Ninh Nhất - huyện Hải Hậu, tổng Sỹ Lâm - huyện Nghĩa Hưng… Cùng với khai hoang, mở đất vào năm 1804, xác định vị trí đặc biệt quan trọng của Nam Định, nhà Nguyễn đã cho đắp thành Nam Định bằng đất, đến năm 1833 thì xây thành bằng gạch, thúc đẩy việc hình thành các giáo, phường, khu dân cư, đưa Nam Định sớm trở thành một trong những đô thị phát triển sầm uất. Năm 1843 nhà Nguyễn cho xây dựng Cột cờ ở Nam Định, là một trong ba cột cờ của cả nước. Khẳng định hơn nữa vị trí của Thành Nam trong bản đồ chính trị đất nước. Về giáo dục, sau thời Nguyễn, Nam Định càng nổi tiếng là đất học, với trường thi hương duy nhất của cả Bắc Kỳ "trường Nam thi lẫn trường Hà".
Trải qua 750 năm kể từ khi địa danh Thiên Trường xuất hiện, Thiên Trường - Nam Định đã hòa quyện trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Thời đại nào Nam Định cũng được xác định là vị trí chiến lược, quan trọng. Đầu thế kỷ XX khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp cho rằng "chiếm được Hà Nội, Nam Định là chiếm được Bắc Kỳ". Do đó sau khi chiếm được Bắc Kỳ chúng cho xây dựng Nam Định thành trung tâm kinh tế - văn hóa phía Nam đồng bằng Bắc Bộ. Có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, Nam Định là một trong những địa phương có phong trào đấu tranh mạnh mẽ chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai, nơi có tổ chức Đảng Cộng sản ra đời sớm trong cả nước. Nam Định cũng là cái nôi của phong trào công nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX, tiêu biểu là phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy Sợi Nam Định; nơi sinh thành, nuôi dưỡng, đào tạo, cung cấp cho Đảng những chiến sĩ cách mạng xuất sắc như các đồng chí: Nguyễn Hới, Trần Văn Lan, Trường Chinh, Trần Quang Tặng, Trần Huy Liệu, Lê Đức Thọ, Tống Văn Trân… cùng nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp, các vị tướng lĩnh, những nhà khoa học, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng…
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Đảng bộ Nam Định đã lãnh đạo nhân dân phát triển chiến tranh du kích, phá tề, trừ gian, chống địch càn quét, lập nên những chiến công vẻ vang, Nam Định đã tiễn 18.757 thanh niên và góp hơn 4 vạn tấn lương thực cho kháng chiến, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi vẻ vang.
Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân Nam Định bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển văn hoá, chung sức xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn XHCN chi viện cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước và giáng trả đích đáng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhân dân Nam Định đã dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi. Với tinh thần “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tay búa tay súng, tay liềm tay súng” quân dân Nam Định đã bắn rơi nhiều máy bay, bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ, đã có 14.650 thanh niên Nam Định lên đường tòng quân giết giặc, mỗi năm Nam Định đóng góp từ 50-60 nghìn tấn lương thực, hàng chục nghìn tấn thực phẩm, hàng trăm nghìn mét vải… góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, quân và dân Nam Định vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, 122 tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 1.240 bà mẹ được tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”.
Thành Nam hôm nay. |
Kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, thế hệ người Nam Định hôm nay đã và đang không ngừng phấn đấu, vươn lên. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, đoàn thể, quân và dân Nam Định đồng lòng, hợp sức vượt qua khó khăn từng bước tự khẳng định vị thế của mình. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 54-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 109/2006/QĐ-TTg xác định và phê duyệt quy hoạch “Xây dựng Thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”. Kinh tế của tỉnh tiếp tục có bước phát triển mới về quy mô, hiệu quả. Tổng sản phẩm xã hội (GDP) từ năm 2000 đến năm 2011 tăng hơn 8 lần; sản lượng lương thực năm 2011 xấp xỉ 1 triệu tấn bằng cả tỉnh Hà Nam Ninh trước đây; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, chiếm tỷ trọng hơn 70% trong cơ cấu nền kinh tế. Vốn đầu tư tăng nhanh, đã xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình lớn trong lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, dịch vụ thương mại và hạ tầng Thành phố Nam Định… có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển bền vững và cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị và nông thôn. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm chăm lo và tiếp tục đạt được nhiều thành tích: An sinh xã hội được đảm bảo nhất là chính sách người có công; Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát huy vùng đất văn chương, khoa bảng và đạt thành tích cao mới, 18 năm liên tục là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc. Hệ thống cơ sở và chất lượng khám chữa bệnh từng bước được mở rộng, nâng cao; công tác y tế dự phòng được tăng cường, chủ động phòng, chống thành công các dịch bệnh nguy hiểm. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được mở rộng và nâng cao chất lượng, điển hình là huyện Hải Hậu 33 năm liên tục là đơn vị điển hình văn hoá toàn quốc. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Khẳng định và vinh danh những đóng góp to lớn với những thành tựu và lịch sử vẻ vang của nhân dân Thiên Trường - Nam Định đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Nam Định rất vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Thành phố Nam Định là thành phố loại I trực thuộc tỉnh. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là niềm tự hào, phấn khởi, nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Đảng bộ, quân và dân Nam Định vượt qua khó khăn, thử thách mới, vững bước trên con đường hội nhập, xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với mảnh đất địa linh nhân kiệt, quê hương, nơi phát tích của vương triều Trần với Hào khí Đông A rực rỡ, xứng đáng là quê hương của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh thời kỳ đổi mới.
Phát huy truyền thống 750 năm Thiên Trường - Nam Định, Đảng bộ, quân và dân Nam Định đoàn kết, quyết tâm đổi mới, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015 với phương hướng, mục tiêu cốt lõi là: “Tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng phát huy nội lực văn hoá, giáo dục và lợi thế về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biển để tạo bước phát triển mới, nhanh, mạnh và vững chắc về kinh tế - xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân, chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ, phấn đấu rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế so với tốc độ, trình độ chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”. Để đạt được mục tiêu trên, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, quân và dân trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Toàn Đảng bộ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị, trong đó trọng tâm là xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.
Hai là: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; phát triển toàn diện ngành nông nghiệp sản xuất hàng hoá và xây dựng nông thôn mới. Trước tiên tập trung hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng giao thông và thuỷ lợi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất vụ đông tập trung trên đất hai lúa, phát triển trang trại tập trung, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản xuất giống thuỷ sản và giống lúa lai…
Ba là: Tập trung xây dựng cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính có hiệu quả, nhất là thủ tục hành chính và tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới hình thức và nội dung kêu gọi đầu tư; hướng mạnh vào các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực về vốn và công nghệ cao để đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu thu ngân sách. Tiếp tục phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ, thương mại văn minh hiện đại. Xây dựng thành phố trung tâm vùng.
Bốn là: Coi trọng, phát huy thế mạnh về văn hoá, giáo dục, giữ vững thành tích, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, ngành học; phát huy quy chế dân chủ, đẩy mạnh cuộc vận động “xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” xây dựng xã hội đồng thuận.
Năm là: Tăng cường và xây dựng nền quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc và chế độ XHCN./.