Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá cao tác dụng của sự nêu gương. Trong sự nghiệp trồng người, trong rèn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên, Bác luôn luôn nhắc nhở đến vai trò của sự gương mẫu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
"Nhân dân ta sẵn có truyền thống tốt đẹp là lao động cần cù, sinh hoạt giản dị, lại có tinh thần yêu nước nồng nàn. Chúng ta cần phát huy truyền thống và tinh thần ấy. Cán bộ phải ra sức tuyên truyền, giải thích và làm gương mẫu…".
Có thể nói, nhiều lần, rất nhiều lần, Bác Hồ đã nhắc nhở chúng ta về sự gương mẫu.
Bác Hồ đến thăm hội nghị phổ biến máy cấy công cụ cải tiến ở Từ Liêm, Hà Nội, tháng 7/1960. Ảnh tư liệu. |
Đọc các bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy Bác thường hay dùng hai từ: Gương mẫu và Kiểu mẫu. Gương mẫu và kiểu mẫu cũng là những tấm gương mẫu mực, tốt đẹp để mọi người noi theo. Và theo Bác Hồ thì ai cũng phải cố gắng làm gương mẫu. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi làng, mỗi cơ quan, mỗi tỉnh… đều phải phấn đấu trở thành gương mẫu. Và gương mẫu phải từ việc nhỏ đến việc lớn. Gương mẫu trong tư tưởng, trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong cách ứng xử…
Đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên các đoàn thể thì không những tự mình phải gương mẫu thực hiện đúng Điều lệ Đảng, nghị quyết của các đoàn thể, pháp luật của Nhà nước, hăng hái tham gia các phong trào thi đua, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, mà còn phải vận động, giáo dục cho gia đình mình, con cái mình cũng phải trở thành gương mẫu.
Phải giáo dục mọi người bằng chính tấm gương sống của mình trước đã, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Nói đến sự gương mẫu là nói đến trách nhiệm, nói đến sự hy sinh. Như Bác Hồ đã nói:
"Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào".
Bác Hồ cũng thường nói với chúng ta, muốn làm cách mạng trước hết phải cách mạng tấm lòng, muốn cải tạo xã hội trước hết phải cải tạo bản thân mình trước đã. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu tấm gương sáng cho nhân dân noi theo, "đảng viên đi trước làng nước theo sau".
Trong việc nêu gương, Bác Hồ luôn luôn nhấn mạnh đến viêc nêu gương về đạo đức, lối sống, vì Bác cho rằng đạo đức là cái gốc của một con người. Một người dù tài giỏi đến đâu mà không có đạo đức thì cũng không thể lãnh đạo được nhân dân.
Bác cũng đặc biệt nói đến sự nêu gương của những cán bộ lãnh đạo. Nhân dân chỉ quý mến, tin cậy ở những người có đạo đức cách mạng, chứ không phải vì mình là lãnh đạo mà người ta phải yêu quý. Muốn lãnh đạo nhân dân trước hết phải lãnh đạo chính mình, lãnh đạo gia đình mình, tu thân, tề gia rồi mới trị quốc được. Cán bộ càng cao càng cần phải gương mẫu, vì sự gương mẫu của cấp cao sẽ là tấm gương cho cán bộ lãnh đạo cấp dưới.
Nhiều người trên thế giới, thường đánh đồng sự lãnh đạo với quyền lực, coi chính trị là quyền lực. Nhưng Bác Hồ thì tác động vào xã hội, vào nhân dân bằng chính tấm gương đạo đức và sự nêu gương của chính mình.
*
Có thể nói, suốt đời Bác là sự nêu gương!
Trong tác phẩm "Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp", cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết:
"Trong mọi trường hợp, Hồ Chí Minh đã làm gương mẫu để xây dựng Đảng. Tấm gương của lãnh tụ được sự hưởng ứng tự nguyện và nhiệt tình của toàn Đảng, đã tạo nên khuôn phép chặt chẽ và thiêng liêng, để lại truyền thống tốt đẹp về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng".
Trong những ngày kháng chiến đầy hy sinh và gian khổ, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng là sự vươn lên của cả dân tộc và của từng người để vượt qua những nguy cơ mất còn, giành lấy thắng lợi. Và khi Đảng với dân tộc là một, lãnh tụ với nhân dân là một, thì cách mạng không chỉ là những nỗ lực phi thường, mà còn là niềm vui, là "Tiếng hát át tiếng bom", là "Đường ra trận mùa này đẹp lắm!". Và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Phạm Văn Đồng viết: "Ở gần Bác, tôi thấy một nét nổi bật của Bác là rất coi trọng phẩm chất con người, suốt đời chăm lo bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ và nhân dân".
Xã hội Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là xã hội đề cao các giá trị tinh thần, các quan hệ đẹp giữa người với người. Trong xã hội ấy, những con người tiêu biểu là những chiến sĩ dũng cảm bảo vệ Tổ quốc, những người lao động nhiệt tình xây dựng đất nước, những con người biết chăm lo cuộc sống và lợi ích chung của nhân dân... những con người có đức tính vị tha, thương yêu đồng bào, đồng chí.
Suốt đời gương mẫu, đồng cam cộng khổ với nhân dân, hoà mình vào đời sống của nhân dân - Đó là con người Hồ Chí Minh!
Trong lịch sử nước nhà, cũng đã có biết bao tấm gương lớn của những người lãnh đạo đất nước đã được ghi lại trong sử sách, những Lý Nhân Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông…
Và Trần Thủ Độ người dựng nghiệp nhà Trần, trong chiến tranh chống Nguyên Mông đã từng có câu nói nổi tiếng: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". Cũng là người đã từng nói: "… Để lời nói suông mà bảo đời sau thì sao bằng lấy chính thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ".
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì gương mẫu là một biểu hiện của đạo đức. Gương mẫu mạnh hơn lời nói. Và chính vì thế, Người suốt đời nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời giản dị, khiêm tốn, gần gũi nhân dân, suốt đời vì nước, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng như pha lê. Và chính vì thế, Người được cả thế giới yêu mến và kính trọng.
*
Hiện nay, việc thực hiện Nghị quyết 4 về xây dựng Đảng đang được tiến hành, đã tạo ra niềm tin và sự chờ đợi của toàn thể nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Việc thực hiện Nghị quyết 4 đang được nhân dân hy vọng rất nhiều, nên nếu không làm được tốt thì dân sẽ mất lòng tin. Giống như ra trận, chúng ta phải quyết thắng, nếu không thắng ngay thì thắng từng bước, dù phải làm lâu dài, làm đi làm lại. Phải phát huy, giữ vững bản chất cách mạng của Đảng, khắc phục cho được những hạn chế, tiêu cực, đặc biệt là tham nhũng, hư hỏng trong Đảng và trong bộ máy.
Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh đến sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo. Đồng chí nói một cách thẳng thắn: "Cán bộ phải thực sự gương mẫu, chưa có quyền trong tay mà đã nghĩ đến chuyện chấm mút, đến lợi ích của mình, không đặt lợi ích của Đảng của dân lên trước thì sẽ không nói được ai, vì tay đã nhúng chàm. Tự mỗi người phải thấy khuyết điểm của mình để mà điều chỉnh, mà tự sửa, nếu không sửa thì sẽ có tổ chức, có pháp luật".
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, muốn lãnh đạo nhân dân phải lãnh đạo chính mình, lãnh đạo gia đình mình, con cái mình. Cán bộ càng cao, càng cần phải gương mẫu, vì sự gương mẫu của cấp trên sẽ là tấm gương cho cán bộ cấp dưới và cho toàn thể cán bộ, đảng viên.
Bác Hồ đã nói: "Nhân dân chỉ quý mến, tin cậy ở những người có đạo đức cách mạng, chứ không phải vì mình là lãnh đạo mà người ta phải yêu quý"./.
Bùi Công Bính