Ngày 27-8-2012, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc đẩy mạnh thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Nội dung Chỉ thị như sau:
Luật BHYT được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 9, thông qua ngày 14-11-2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27-7-2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Sau 3 năm thực hiện, tỉnh Nam Định đã đạt được một số kết quả nhất định: Tỷ lệ các đối tượng phải tham gia BHYT bắt buộc đạt khá; những người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, người cao tuổi đang hưởng trợ cấp hằng tháng, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng đang hưởng chế độ hưu trí và hộ gia đình nghèo đều được mua BHYT.
Tuy nhiên, hết năm 2011 toàn tỉnh mới có gần 800 nghìn đối tượng tham gia ở tất cả các diện, đạt 43,5% dân số, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (63,7%), trong đó có nhiều diện đối tượng tham gia thấp như: học sinh, sinh viên đạt 28,9% (bình quân chung cả nước là 71,2%); người thuộc hộ gia đình cận nghèo đạt 1,3% (bình quân chung cả nước là 25%); số người tham gia BHYT tự nguyện đạt trên 3% (bình quân chung cả nước là 10%).
Nguyên nhân chính là do: Sở Y tế chưa tích cực tham mưu và phối hợp với các ngành triển khai pháp luật về BHYT; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc mở rộng đối tượng tham gia theo Luật BHYT, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT còn hạn chế; một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện chính sách BHYT cho người lao động.
Để nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, đảm bảo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân giúp người bị bệnh bớt gánh nặng về kinh tế khi bị ốm đau, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Sở Y tế: Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BHYT theo Quyết định số 06/2010/QĐ-UBND ngày 18-3-2010 của UBND tỉnh về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, tập trung vào một số việc sau:
- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, các sở, ngành liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ chính sách BHYT, đặc biệt là quyền lợi và mức hỗ trợ của Nhà nước về BHYT cho học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, người lao động đang tham gia BHXH và người thuộc gia đình cận nghèo để họ tự giác, tích cực tham gia BHYT. Hướng dẫn các đơn vị và người tham gia BHYT triển khai thực hiện chế độ BHYT theo đúng quy định của Nhà nước.
- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc khám chữa bệnh đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, đồng thời ngăn ngừa việc lạm dụng khám chữa bệnh bằng BHYT; phối hợp với ngành BHXH cải cách thủ tục hành chính trong việc khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý, nhưng phải thuận tiện cho người bệnh.
- Chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh, các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh, việc quản lý Quỹ BHYT tại địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp trốn tránh việc đóng BHYT cho người lao động.
2. Bảo hiểm xã hội tỉnh:
- Chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố tổ chức các đại lý BHYT để cấp, bán thẻ BHYT cho các đối tượng kịp thời, thuận lợi, không gây phiền hà cho người tham gia BHYT, nhất là học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người tham gia BHYT tự nguyện.
- Tạo điều kiện thuận tiện cho người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi theo Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phối hợp với ngành Y tế, ngành BHXH triển khai tốt BHYT học sinh, sinh viên. Từ năm học 2012-2013, xác định việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ, là chỉ tiêu xét thi đua đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Đôn đốc các huyện, thành phố chủ động mua thẻ BHYT cho các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí, đảm bảo kịp thời, tránh sai sót.
5. Sở Tài chính: Đảm bảo kịp thời kinh phí hỗ trợ đóng BHYT của Nhà nước cho các đối tượng theo quy định của pháp luật; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về chế độ tài chính đối với công tác BHYT.
6. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định.
Tăng cường các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền về Luật BHYT, các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là quyền và lợi ích của người tham gia BHYT.
7. UBND các huyện, thành phố:
- Chỉ đạo Phòng Y tế, các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành BHXH tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thấy rõ lợi ích và trách nhiệm trong việc thực hiện Luật BHYT, nhất là đối với hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, học sinh, sinh viên; đồng thời thực hiện tốt việc mua BHYT cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi.
- Đưa chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT vào nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, là chỉ tiêu trong việc xây dựng nông thôn mới.
Việc tổ chức thực hiện tốt Luật BHYT, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT là nhiệm vụ rất cần thiết, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ trên.
Giao Sở Y tế đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh./.