Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác Tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới

07:08, 02/08/2012

Nhân kỷ niệm 82 năm ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng, Báo Nam Định đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Văn Chung, Uỷ viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về những đóng góp của công tác Tuyên giáo qua các giai đoạn lịch sử cách mạng của Đảng và vấn đề đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác Tuyên giáo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.

PV: Xin đồng chí cho biết đôi nét về truyền thống và những đóng góp của công tác Tuyên giáo của Đảng qua những chặng đường lịch sử cách mạng?

Đồng chí Trần Văn Chung, Uỷ viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
Đồng chí Trần Văn Chung, Uỷ viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

Đồng chí Trần Văn Chung: Cách đây 82 năm, ngày 1-8-1930 Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1-8". Tài liệu vừa phát hành, đã gây được dư luận rộng lớn trong xã hội và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Tài liệu này đánh dấu một sự kiện quan trọng trong công tác Tuyên giáo của Đảng. Từ ý nghĩa đặc biệt đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tư tưởng - Văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

Có thể khẳng định, trong suốt chặng đường 82 năm qua, trong thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam có đóng góp quan trọng của công tác Tuyên giáo với sự tham gia tích cực vào việc hình thành Cương lĩnh chính trị, xây dựng đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đề ra những khẩu hiệu hành động phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, động viên, tập hợp hàng triệu quần chúng công nông đứng lên theo Đảng làm cách mạng.

Ở tỉnh ta, tháng 1-1948, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được thành lập. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, công tác Tuyên giáo đã tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ, động viên quân và dân trong tỉnh hăng hái thi đua vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, xây dựng quê hương, đồng thời chi viện sức người sức của cho chiến trường, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Bước vào giai đoạn đổi mới đất nước, công tác Tuyên giáo tiếp tục phát huy vai trò xung kích trong việc định hướng tư tưởng, tuyên truyền đường lối đổi mới của Đảng, tuyên truyền những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh với các biểu hiện sai trái, các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước nhằm củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của địa phương.

PV: Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo, những năm qua công tác Tuyên giáo đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển chung của tỉnh, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Văn Chung: Cùng với sự trưởng thành lớn mạnh của hệ thống Tuyên giáo cả nước, ngành Tuyên giáo tỉnh đã từng bước đổi mới nội dung và phương thức công tác nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Với chủ trương “tập trung cho cơ sở” và phương châm “thiết thực, phù hợp, hiệu quả”, cùng việc quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo vừa đảm bảo có phẩm chất chính trị tốt, vừa nâng cao tính chuyên nghiệp, tác phong làm việc khoa học, hiện đại, những năm qua, ngành Tuyên giáo tỉnh đã triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, Ban Tuyên giáo các cấp đã chủ động tham mưu giúp ban thường vụ cấp uỷ từng bước đổi mới việc triển khai học tập quán triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Bên cạnh đó, hệ thống Tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở cũng tập trung tuyên truyền các sự kiện chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và cả nước, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm như: vấn đề biển đảo, công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh nông thôn... Hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Sở TT và TT tổ chức hội nghị giao ban với các cơ quan báo chí của tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn; thực hiện tốt quy chế phối hợp với các ngành trong khối An ninh, Tư tưởng, Văn hoá, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong hoạt động tuyên truyền và định hướng tư tưởng cho cán bộ và nhân dân. Hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng đã được quan tâm chỉ đạo và đang từng bước hoàn thiện theo hướng tinh gọn, chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin kịp thời, trực tiếp có định hướng của cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Công tác biên tập và phát hành bản tin “Thông báo nội bộ” có sự đổi mới với nội dung phong phú, sát thực tiễn cơ sở đã góp phần phục vụ tốt hơn cho việc sinh hoạt chi bộ, nhất là trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Công tác giáo dục lý luận chính trị được cơ quan Tuyên giáo các cấp chủ động phối hợp với các ngành hữu quan tập trung đẩy mạnh, đặc biệt đối với hội viên, đoàn viên của các đoàn thể chính trị - xã hội và bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trao giấy khen cho các giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2011. Ảnh: Hoài Phương
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trao giấy khen cho các giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2011. Ảnh: Hoài Phương

Trên lĩnh vực khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tập trung tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổng kết việc thực hiện một số chỉ thị, nghị quyết quan trọng có tác động trực tiếp đến địa phương như Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác khuyến học, khuyến tài; Báo cáo đánh giá công tác khoa học và công nghệ của tỉnh từ năm 1996-2011; Thông tri số 09-TT/TU và Kế hoạch số 41-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Công tác biên tập, xuất bản lịch sử các đảng bộ xã, phường, thị trấn, lịch sử truyền thống các ngành được tích cực chỉ đạo. Đến nay đã có 191/229 xã, phường, thị trấn (chiếm 83,4%) xuất bản được lịch sử đảng bộ, đồng thời đã chú trọng việc giáo dục lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ.

PV: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tuyên giáo trong thời gian tới?

Đồng chí Trần Văn Chung: Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, chúng ta cũng đứng trước nhiều khó khăn thách thức như: kinh tế thiếu ổn định, sức cạnh tranh thấp, một số vấn đề văn hoá xã hội còn bất cập gây bức xúc trong nhân dân, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là các gia đình chính sách còn khó khăn, những biểu hiện tiêu cực, thoái hoá của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng chống phá cách mạng nước ta dưới nhiều hình thức, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá. Điều này có tác động không nhỏ tới tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân đân và đó cũng là những thách thức đặt ra cho công tác Tuyên giáo. Để làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thời gian tới ngành Tuyên giáo tỉnh tiếp tục hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn cơ sở để triển khai các hoạt động; kiên trì phương châm “Thiết thực, phù hợp, hiệu quả” trong tất cả các mặt công tác. Tăng cường nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để tham mưu với cấp uỷ có giải pháp kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận xã hội. Chủ động phối hợp với các ngành trong khối tạo ra sức mạnh tổng hợp góp phần giải quyết những vấn đề mới phát sinh từ cơ sở, không để kẻ xấu lợi dụng. Tiếp tục tham mưu với cấp uỷ đổi mới việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng theo Kết luận 169 của Bộ Chính trị, trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và một số chỉ thị, nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nhiệm vụ kinh tế xã hội trọng tâm của tỉnh như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình an sinh xã hội, công tác quốc phòng, an ninh; các hoạt động kỷ niệm 750 Thiên Trường - Nam Định; đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh... Quan tâm chăm lo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo, báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Chú trọng nâng cao kiến thức tổng hợp, kỹ năng viết, kỹ năng thuyết phục, coi đây là yêu cầu hàng đầu đối với mỗi cán bộ trong ngành.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên, mỗi cán bộ làm công tác Tuyên giáo cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, rèn luyện tác phong làm việc khoa học, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí.

Hoài Phương (thực hiện)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com