Đảng bộ Hải Hậu có 13 nghìn đảng viên hiện đang sinh hoạt ở 96 tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng trực thuộc. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, Huyện uỷ Hải Hậu xác định phải tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, trong đó phải bắt đầu từ việc đổi mới công tác quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của địa phương bởi đó là những định hướng lớn, là cơ sở để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc triển khai, thực hiện.
Một góc Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). Ảnh: Xuân Thu |
Theo đồng chí Vũ Ngọc Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Hải Hậu, vấn đề đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết luôn được các cấp uỷ Đảng quan tâm thực hiện nhưng phải đến năm 2008, khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 169- KL/BCT về phát huy vai trò của cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ trong việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, công tác này của Đảng bộ mới thực sự có bước chuyển mới. Theo Kết luận 169, mục tiêu của việc quán triệt nghị quyết là phải thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, do đó bí thư cấp uỷ phải là người trực tiếp quán triệt, triển khai nghị quyết đến cán bộ, đảng viên. Sự thay đổi này ban đầu cũng tạo ra nhiều lúng túng bởi từ nhiều năm nay, hầu hết việc quán triệt nghị quyết ở Đảng bộ Hải Hậu do đội ngũ báo cáo viên cấp trên đảm nhiệm. Từ khi đồng chí bí thư cấp uỷ là người trực tiếp quán triệt nghị quyết đã khắc phục được hạn chế về thiếu tính thực tiễn gắn với địa phương của các bài giảng do đội ngũ báo cáo viên cấp trên đảm nhiệm. Để giúp các đồng chí bí thư cấp uỷ nâng cao khả năng truyền đạt, hằng năm, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đều tổ chức tập huấn về phương pháp truyền giảng nghị quyết cho các đồng chí bí thư, phó bí thư cấp uỷ. Trước mỗi đợt quán triệt nghị quyết, căn cứ vào tình hình của huyện, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ soạn thảo đề cương tuyên truyền nghị quyết theo nguyên tắc bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của tỉnh, đồng thời vận dụng để xây dựng những mục tiêu, giải pháp phù hợp với thực tiễn ở địa phương, chỉ rõ những việc cấp uỷ các cấp cần phải làm để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Đề cương được các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ duyệt và chuyển trước từ 10 đến 15 ngày để cơ sở nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp. Trong quá trình các đơn vị triển khai nghị quyết, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đều phân công cán bộ theo dõi cùng đồng chí huyện uỷ viên phụ trách xã kịp thời rút kinh nghiệm cho các kỳ quán triệt lần sau. Với cách làm này, đến nay toàn huyện đã có khoảng 70% bí thư cấp uỷ đảm trách tốt việc truyền đạt nghị quyết. Việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết ở các TCCS Đảng trên địa bàn huyện đã dần đi vào nền nếp; việc triển khai nghị quyết được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả, do đó nhiều nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nổi bật trong thời gian gần đây là việc triển khai chủ trương dồn điền, đổi thửa. Xác định đây là công việc phức tạp, liên quan đến quyền lợi của nhiều hộ nông dân nên phải làm tốt công tác quán triệt các chủ trương có liên quan, trước hết là quán triệt tới từng TCCS Đảng, từng cán bộ, đảng viên nhằm tạo sự thông suốt về tư tưởng, sau đó thường trực cấp uỷ trực tiếp họp với từng thôn, xóm, triển khai phương án đến từng hộ dân để nhân dân bàn bạc, thảo luận, thống nhất phương án thực hiện. Nhờ có sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nên chỉ sau gần một năm triển khai, cả 35 xã, thị trấn của huyện đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, sớm 4 năm so với kế hoạch. Huyện Hải Hậu đã trở thành đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về công tác dồn điền, đổi thửa và xây dựng NTM. Một thành công khác là thời gian qua, huyện đã triển khai tốt công tác tuyên truyền giải phóng mặt bằng thi công quốc lộ 21 và nâng cấp tỉnh lộ 486B. Do một bộ phận nhân dân nhận thức còn hạn chế, chưa hiểu rõ chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng của Nhà nước; hơn nữa nhiều chính sách liên quan đến việc hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng của Nhà nước cũng có sự thay đổi hoặc chưa đồng nhất dẫn đến tình trạng người dân thắc mắc, khiếu kiện nên công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đã tham mưu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xuống họp với các tổ dân để tuyên truyền, giải thích, từ đó người dân đã thông suốt chủ trương. Cũng với cách làm này, đối với dự án nâng cấp tỉnh lộ 486B, chủ trương của tỉnh là vận động nhân dân hiến đất làm đường, tự giác tháo dỡ công trình không có đền bù, sau một thời gian ngắn, đa phần người dân đã đồng tình, ủng hộ, có gia đình đã hiến hàng chục m2 đất mặt đường giá trị hàng trăm triệu đồng để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Trên cơ sở đề án xây dựng NTM cũng như tình hình thực tế của huyện, Ban chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XXV đã ban hành 3 nghị quyết và 6 đề án phát triển KT-XH giai đoạn 2010-2015. Mặc dù thời gian chưa dài, song đến nay 100% các xã, thị trấn đã nghiêm túc triển khai các nghị quyết, đề án của Huyện uỷ, bước đầu đạt kết quả tốt như: Nghị quyết về nâng cao chất lượng các TCCS Đảng; Đề án về phát triển làng nghề, giải quyết việc làm, phát triển TTCN; Đề án dồn điền, đổi thửa; Đề án nâng cao chất lượng nhà văn hoá xóm. Đến nay, toàn huyện có 510/546 xóm có nhà văn hoá, đạt tỷ lệ 93,4%, riêng trong năm 2011 có 22 nhà văn hoá được xây dựng mới, 426 đơn vị đạt tiêu chuẩn đơn vị có nếp sống văn hoá...
Từ thực tiễn ở Hải Hậu cho thấy, khi triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng hoặc một chủ trương mới có liên quan đến quyền lợi của người dân, trước hết cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt rõ mục đích, ý nghĩa, tạo sự đồng thuận của người dân thì công việc dù khó khăn đến đâu cũng sẽ thành công./.
Phương Mai