Với danh dự và ý chí kiên quyết Cụ Hồ đã bảo vệ quyền thiêng liêng của các dân tộc được sống trong độc lập tự do

07:09, 02/09/2012

Con người sống phải có mục tiêu, có lý tưởng và thời nào cũng vậy, những con người chân chính bao giờ cũng có một lý tưởng sống. Lý tưởng cao đẹp ấy, có lẽ nằm trong 4 chữ: "Vì Nước vì Dân".

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là con người suốt đời vì Nước vì Dân.

Ngay từ nhỏ, Nguyễn Tất Thành đã được nghe những người bạn của bố mình như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý… nói về nỗi nhục mất nước. Tuổi trẻ của Nguyễn Tất Thành đã từng biết đến sự kiện Phan Đình Phùng chống Pháp, rồi mất ở trên núi khi mới 49 tuổi và Vua Thành Thái vì yêu nước đã bị Pháp đưa vào Ô Cấp, Vũng Tàu để mấy năm sau đưa đi đày ở nước ngoài.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc người cha rất yêu quý của Nguyễn Tất Thành, khi đỗ phó bảng, vua cho vinh quy về làng, đã nhất định không chịu nằm lên cái võng mà dân làng nô nức kéo nhau ra đón. Cụ chắp tay nói: Tôi đã làm được việc gì có ích cho dân làng đâu, mà dám nằm lên cái võng này! Rồi sau đó cùng bà con đi bộ về làng. Khi nhân dân làm cho ngôi nhà để ở, cụ Sắc đã viết lên xà nhà dòng chữ "Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng" nghĩa là đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình!

Quê hương, gia đình, đất nước… đã giúp Nguyễn Tất Thành nảy nở tấm lòng yêu nước thương dân và sớm nhận ra con đường cứu nước.

Năm 1923, khi ở Pháp, một hôm được Anbe Xarô bộ trưởng thuộc địa mời đến. Mời đến để doạ nạt, nhưng khi thấy không thể doạ nạt được, hắn đã khéo léo phỉnh phờ: "Tôi rất thích những người như anh. Cần gì anh cứ nói với tôi…". Và Nguyễn Ái Quốc đã nói: "Cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập".

Bác Hồ về nước.  Tranh sơn dầu của Trịnh Phòng.
Bác Hồ về nước. Tranh sơn dầu của Trịnh Phòng.

Có lẽ vì thế, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, sau tên Nước Bác Hồ đã ghi hai chữ Dân chủ: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tiếp theo đó là những tiêu chí cao cả: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Suốt cuộc đời của Bác, những chữ Nhân dân, Tổ quốc, Độc lập, Dân chủ, Tự do, Hạnh phúc luôn luôn xuất hiện trong ngôn ngữ Hồ Chí Minh. Những ngôn ngữ ấy xuất hiện trong Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa, trong Tuyên ngôn Độc lập… Nhưng cảm động hơn, khiến ta phải suy ngẫm sâu sắc hơn, đó là câu nói này của Bác:

"Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước Độc lập, mà dân không được hưởng Hạnh phúc Tự do thì Độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".

Câu nói ấy Bác viết trong: "Thư gửi Uỷ ban nhân dân các Kỳ, Tỉnh, Huyện và Làng" ngay từ những ngày 17 tháng 10 năm 1945.

Ngày 16 tháng 7 năm 1947, trả lời một nhà báo nước ngoài, Bác nói:

"Cảm ơn ngài. Tôi vẫn mạnh khoẻ, mặc dầu tin Pháp mấy lần đồn rằng tôi đã chết rồi.

Ngài đã hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà. Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được Độc lập, Thống nhất, Dân chủ.

Bao giờ đạt được mục đích đó, tôi sẽ trở về làm một người công dân, du sơn ngoạn thuỷ, đọc sách làm vườn".

Nghiên cứu về cuộc đời của Bác, Staley Karnow, giáo viên lịch sử Trường Đại học Haverst Mỹ đã viết: "Trong suốt cuộc đời mình, ông Hồ chỉ ám ảnh một mục đích duy nhất, đó là nền độc lập cho đất nước".

*

Ông Lê Hữu Lập, một trong những người đã có 12 năm giúp việc Bác Hồ từ 1958 đến 1969. Ông là người được vinh dự đứng tên trong sổ tiết kiệm của Bác gửi ở quầy tiết kiệm phố Hàng Gai, Hà Nội. Tiền tiết kiệm của Bác được dành dụm từ tiền lương hằng tháng còn lại ít ỏi, sau khi đã trừ mọi chi tiêu sinh hoạt, và nhiều hơn là tiền nhuận bút mà các báo trong và ngoài nước gửi cho Bác.

Dịp đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, là đại biểu mời, Bác được Đảng bạn tặng một số tiền. Nhưng khi về, Bác không nhập số tiền này vào sổ tiết kiệm của mình, mà nhập vào quỹ Đảng. Bác coi số tiền đó là của chung, nên không dùng riêng cho mình.

Bến Nhà Rồng ngày nay. Ảnh: Internet
Bến Nhà Rồng ngày nay. Ảnh: Internet

Tiến sĩ A.Sacơrabôrôty, người Ấn Độ viết:

"Bác Hồ mặc bộ quần áo giản dị, nói giản dị, cách cư xử và tính nết giản dị, viết bằng thứ ngôn ngữ giản dị, xuất hiện một cách giản dị, với vẻ mặt tươi cười làm toả ra sự trong sáng của một tâm hồn giản dị…".

Phải dùng đến 6 chữ giản dị để nói về Bác, trong một câu ngắn gọn, mà vẫn thấy như chưa đầy đủ.

Có thể nói, suốt đời Bác là sự nêu gương, nêu gương để xây dựng Đảng, xây dựng nước. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một người học trò xuất sắc, một người cộng sự gần gũi lâu năm bên cạnh Bác đã viết: "Đời sống của Hồ Chủ tịch là một đời sống khắc khổ, cần lao và tranh đấu. Người lãnh tụ của một dân tộc mất nước không thể có một đời sống khác…".

Những ngày sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ làm việc suốt ngày đêm, nhưng vẫn ăn chung với những người giúp việc. Một hôm Bác bận họp, anh em phải để phần cơm cho Bác. Bác về, đang ăn thì lại có người báo cố vấn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại) muốn được gặp Bác. Bác đã đứng dậy, nhưng sau lại bảo chú cứ mời ông cố vấn xuống đây cũng được. Ông Vĩnh Thuỵ xuống, thấy Bác đang ngồi trước cặp lồng cơm, một đĩa rau muống luộc, một bát nước mắm và quả trứng luộc… Ông cố vấn cảm động nói:

- Thưa cụ, từ mai xin cụ cho phép tôi được cho người mang cơm đến hầu cụ.

Bác Hồ cảm ơn, rồi nói: Thôi, cứ để tôi ăn cơm với anh em cũng được. Tôi đã quen rồi.

Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam đều nói, Việt Nam và Hồ Chí Minh là hai cái tên không thể tách rời nhau: Tên của một đất nước anh hùng và tên của người con vĩ đại nhất của đất nước đó. Người tượng trưng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và chính tấm gương đó của Việt Nam, của Cách mạng Tháng Tám đã cổ vũ các dân tộc thuộc địa vùng lên giành lại quyền sống Độc lập Tự do.

Khi tuổi đã cao, đã nghỉ những công việc của Đảng và Nhà nước, nhiều người nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là ông nên viết một cuốn hồi ký về cuộc đời mình. Nhưng ông nói, tôi muốn dành những ngày còn lại, để nếu có thể viết được gì, thì đó là viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong tác phẩm nổi tiếng "Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp" những trang về Cách mạng Tháng Tám, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết:

"Sau ngày 2 tháng 9 năm 1945 và cả năm 1946, Cách mạng Việt Nam đã trải qua một thời kỳ đầy sóng gió. Vận mệnh của Tổ quốc mong manh như "ngàn cân treo sợi tóc". Trong những năm tháng gian lao chồng chất đó, Hồ Chí Minh là hiện thân của lòng dũng cảm, trí thông minh và tài năng sáng tạo, rất nhạy bén với tình thế, ứng phó rất kịp thời, vận dụng nhiều biện pháp khôn khéo để phân hoá kẻ thù. Lúc thì nhân nhượng với quân đội Quốc dân đảng Trung Hoa để tập trung sức đối phó với thực dân Pháp. Lúc thì tạm hoà với Pháp để đẩy nhanh quân Tưởng về nước và quét sạch bọn lâu la tay sai của Tưởng.

Dưới tay lái của Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm thất bại mọi mưu đồ độc ác của giặc ngoài thù trong, giữ vững chính quyền cách mạng, tranh thủ thời gian chuẩn bị cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Mỗi khi nhớ lại những năm tháng đó, một ý nghĩ luôn luôn đến với tôi: Nếu bấy giờ không có Hồ Chí Minh thì khó lường hết cái gì có thể xảy ra".

*

Được nhân dân yêu kính, được thế giới tôn vinh, nhưng có lần Bác Hồ đã nói: "Nếu không có nhân dân thì cũng không có Hồ Chí Minh". Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và cách mạng gắn liền với quần chúng, được nhân dân ủng hộ, được nhân dân đoàn kết, hy sinh, chiến đấu và đã làm nên thời đại Hồ Chí Minh.

Là người sáng lập và xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng". Người luôn luôn nhắc nhở Đảng và các cấp chính quyền nhiệm vụ chăm lo đời sống nhân dân. Và Bác thường nhắc đến 4 chữ có: “Làm cho Dân có ăn, làm cho Dân có mặc, làm cho Dân có chỗ ở, có học hành".

Đến dự hội nghị chỉnh huấn cán bộ trung cao cấp ngày 26 tháng 1 năm 1965, Bác nói:

"Có Đảng lãnh đạo, dân tộc ta đã trở thành một dân tộc anh hùng, được bè bạn khắp năm châu yêu mến và kính trọng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thắng lợi của cách mạng là do sự phấn đấu hy sinh và trí thông minh sáng tạo của hàng triệu nhân dân. Mỗi chúng ta phải biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, phải biết quên mình vì nghĩa lớn". Bác còn nhấn mạnh muốn đánh thắng kẻ thù bên ngoài thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta, đó là chủ nghĩa cá nhân.

Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Bác Hồ từ biệt chúng ta! 22.000 bức điện chia buồn trên toàn thế giới đã gửi đến Việt Nam. Báo Tin Tức, Cộng hoà Ả Rập thống nhất viết:

"Sau 79 năm đấu tranh lâu dài và liên tục, trái tim vĩ đại, trái tim cụ Hồ Chí Minh đã ngừng đập. Nếu ta nói rằng lịch sử loài người trước đây chưa từng biết đến một kiểu mẫu chiến sĩ nào như thế, thì chỉ riêng cuộc đời của cụ cũng đã để xác nhận chân lý đó. Còn khi ta nói cụ Hồ đã qua đời, thọ 79 tuổi, chính là ta muốn nói rằng suốt cả cuộc đời lâu dài đó, ngay từ khi còn trẻ cho đến những giờ phút cuối cùng, cụ đã nắm chắc vũ khí trong tay, bảo vệ với danh dự và ý chí kiên quyết, quyền thiêng liêng của dân tộc mình cũng như các dân tộc khác trên thế giới, được sống trong Độc lập, Tự do".

Còn ông Xanh-tơ-ni trưởng phái đoàn nước Cộng hoà Pháp sang Hà Nội dự lễ tang Bác Hồ đã viết: "Chúng tôi đi ngang qua trước quan tài bằng kính, ở đó thi hài mảnh khảnh của người chiến sĩ già đang yên nghỉ. Chúng tôi đã đưa thêm vào cả một biển hoa tràn ngập phòng lớn của Hội trường Ba Đình một vòng hoa đồ sộ, để chứng tỏ lòng ngưỡng mộ của nước Pháp đối với Người!"./.

Bùi Công Bính
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com