Tự phê bình và phê bình thật sâu sắc, cụ thể

07:08, 27/08/2012

Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Tinh thần gương mẫu, nghiêm túc, kỹ lưỡng trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, được dư luận hoan nghênh. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xác định rõ những việc cần làm tiếp sau khi kiểm điểm, trong đó đáng chú ý là, tháng 9-2012, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp lại để thông qua Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Bản tiếp thu giải trình, đánh giá chính thức về kết quả kiểm điểm và xem xét kỷ luật (có hay không, đến mức nào đối với tập thể và cá nhân) để báo cáo với Trung ương.

Tháng 9/2012, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp lại để thông qua báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.

Trong tháng 9, các đảng bộ cấp tỉnh và tương đương sẽ tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Quá trình chuẩn bị ở các nơi nổi lên một vấn đề nổi bật là, ý kiến đóng góp của các tổ chức Đảng, của các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo đều đề nghị phải hết sức rõ ràng, thẳng thắn, liên hệ một cách cụ thể, sâu sắc vào từng nội dung, từng giải pháp, tránh tình trạng phê bình, góp ý chung chung.

Một điểm chung chung thường thấy là khi phê bình, góp ý, nhiều đồng chí thường nói công tác xây dựng Đảng còn có nhiều mặt hạn chế, thiếu sót; công tác chính trị tư tưởng chưa được quan tâm. Nhưng nội dung của những công tác đó là gì thì hiểu không đầy đủ và không dẫn chứng được những việc cụ thể, nguyên nhân do đâu. Nói xây dựng Đảng là nói tới xây dựng tổ chức và xây dựng con người. Vậy thì khi liên hệ tình hình đảng bộ phải có những ý kiến cụ thể, đối chiếu với Điều lệ Đảng, với Nghị quyết để kiểm điểm. Xây dựng tổ chức chưa được quan tâm đúng mức, cụ thể là gì? Chẳng hạn không chăm lo kiện toàn các chi bộ; năng lực cấp ủy còn hạn chế, còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; nhiều năm không phát triển đảng viên, nhiều tháng không sinh hoạt chi bộ... Nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm thuộc về ai, biện pháp khắc phục như thế nào? Rồi nói về xây dựng con người: đảng viên trong chi bộ có thật sự gương mẫu, tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực của tập thể đơn vị không; gia đình vợ con có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực hay không. Liên hệ một cách cụ thể như vậy thì sẽ tránh được lối nhận xét chung chung, đúng mà không trúng, phê bình theo kiểu "ném cát bụi tre", không chỉ ra được căn bệnh để bốc thuốc.

Tương tự như vậy, bây giờ đi đến đâu cũng thấy nhiều người nói về tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống. Nhưng hỏi một số đồng chí thì thấy chưa hiểu đúng về suy thoái tư tưởng chính trị. Có trường hợp nhầm lẫn với suy thoái về chính trị. Có trường hợp nhầm lẫn với suy thoái về tư tưởng văn hóa, tư tưởng pháp luật... Nói một cách nôm na rằng, tư tưởng chính trị thể hiện rõ nhất lợi ích dân tộc được đặt lên trên hết. Yêu nước, thương dân đặt lên trên hết. Vì vậy, trong tự phê bình mình và phê bình đồng chí, khi nói suy thoái tư tưởng chính trị chúng ta có thể nêu những biểu hiện cụ thể, không hề trừu tượng. Ai đó xa rời quyền lợi dân tộc, quyền lợi của cộng đồng, sa vào lợi ích nhóm. Ai đó bàng quan trước những sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống xã hội, chỉ cốt lo cho riêng mình, gia đình mình, thờ ơ trước đời sống khó khăn, hoạn nạn của đồng bào, của bà con lối xóm, của những người chung quanh, chính là họ đã suy thoái về tư tưởng chính trị. Và điều này gần với suy thoái về đạo đức, lối sống.

Nói về kiểm điểm, liên hệ cụ thể, sâu sắc cũng cần chỉ rõ trách nhiệm của các đồng chí cấp ủy viên, lãnh đạo chính quyền, nhất là người đứng đầu, mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu rõ về mối quan hệ này. Rằng đồng chí bí thư, đồng chí chủ tịch đã "vào vai" đúng chưa, hay còn bao biện, lấn sân, hoặc vừa đá bóng vừa thổi còi, ngược lại là khoán trắng cho cấp dưới? Rằng đồng chí phó bí thư, lãnh đạo các ban của cấp ủy đã nắm vững chức trách, nhiệm vụ chưa, hay lại sa vào công tác của chính quyền, của chuyên môn.

Trong quá trình kiểm điểm, một vấn đề đang có những ý kiến khác nhau, đó là những thiếu sót, khuyết điểm nào thì công bố trong nội bộ và công khai tới đâu. Có đồng chí cho rằng, phê bình là phải nghiêm túc, thẳng thắn, phân tích, mổ xẻ đến cùng, có cả những bí mật về đời tư của cán bộ, vì vậy cũng nên "đóng cửa bảo nhau", không phải cái gì cũng "phơi" ra cả. "Phơi" ra thì dễ bị kẻ xấu, kẻ cơ hội chính trị lợi dụng. Chúng ta đều biết, dân chủ, công khai thể hiện trí tuệ và văn minh của Đảng. Nếu ở nơi nào thiếu dân chủ, dân chủ hình thức, sẽ dẫn đến cấp dưới xa cấp trên, quần chúng xa cán bộ, nội bộ Đảng thiếu đoàn kết thống nhất. Đương nhiên, công khai đòi hỏi phải theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật hiện hành và phù hợp nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhằm phát huy vai trò của tổ chức dân cử, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên.

Có hai loại ý kiến khác nhau là, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này rất khó đạt yêu cầu như mong muốn, vì đây là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, liên quan sinh mạng chính trị của mỗi đảng viên và tổ chức Đảng; vì chúng ta đã từng có nhiều lần tiến hành chỉnh đốn Đảng, nhưng kết quả không vững chắc, những thiếu sót chậm được khắc phục, có khi ngày càng nghiêm trọng hơn. Ý kiến thứ hai là, sau khi kiểm điểm, tình hình sẽ chuyển biến mau lẹ và cuộc chỉnh đốn Đảng lần này sẽ kết thúc tốt đẹp vào tháng 12-2012 (!). Tuy nhiên, ý kiến thứ hai này đòi hỏi phải xử lý thật nghiêm túc, phải có hình thức kỷ luật nghiêm khắc, phải kiên quyết đưa những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy, bất kể người đó là ai, giữ cương vị gì, không có "vùng cấm", "vùng tránh" trong Đảng. Cả hai loại ý kiến trên đều thể hiện sự quan tâm, mong muốn, ý thức trách nhiệm cao. Chỉ thị 15-CT/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã nêu rõ: "Xây dựng Đảng là công việc hệ trọng, khi thực hiện phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ; đồng thời không được để rơi vào trì trệ, hình thức, không làm chuyển biến được tình hình". Phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế, chuyển biến từng bước, tiến bộ từng bước, nhưng phải bảo đảm vững chắc - đó là hướng đi và cách làm cả trước mắt và lâu dài.

Trong quá trình chuẩn bị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nhiều cấp ủy đã chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, coi đây là bước đột phá trong công tác chuẩn bị. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm tạo nên sự thống nhất cao về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong thực hiện Nghị quyết. Trong lúc này càng cần phải đấu tranh mạnh mẽ trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, phê phán những biểu hiện sai trái, cực đoan, lợi dụng phê bình để kích động, gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện Nghị quyết phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị; gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Không làm tốt công tác tư tưởng sẽ dẫn đến việc kiểm điểm một cách hình thức, chiếu lệ, không liên hệ sâu sắc tình hình tập thể và đối chiếu với bản thân. Nếu ở đâu đó còn có biểu hiện coi đây là vấn đề đã làm thường xuyên, thậm chí đã "yên tâm" rồi thì dễ chủ quan, dễ người dễ ta, bắt tay thỏa hiệp với nhau, nương nhẹ, bỏ qua cho nhau; ngược lại là phê bình theo kiểu "cháy nhà", bới lông tìm vết, mạt sát, xúc phạm nhau, không có tình đồng chí thương yêu nhau, như Bác Hồ đã căn dặn./.

Theo nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com