Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân

07:08, 07/08/2012

“… Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được.

Ai cũng thấy siêng năng, trong sạch là tốt. Điều đó không ai chối cãi được. Thế mà vì sao vẫn không làm, hay không làm được? Chẳng những không làm được mà còn làm trái lại. Đó là vì cái tâm mình không chính”.

Lời  Hồ Chủ tịch

Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong “Đường kách mệnh” - Một cuốn sách để huấn luyện cho những cán bộ cách mạng, viết năm 1927, phần tư cách một người cách mệnh Bác Hồ viết: “Người cách mệnh tự mình phải “vị công vong tư”, ít lòng tham muốn về vật chất”.

Ngày 17 tháng 10 năm 1945, ngay từ những ngày đầu cách mạng vừa thành công, trong “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Bác Hồ đã cảnh báo một tình trạng quan liêu, tham nhũng của một số cán bộ trong các cơ quan nhà nước như sau:

“Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?... Lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông uỷ viên đi xe hơi, rồi bà uỷ viên, cho đến các cô, các cậu uỷ viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí ấy ai phải chịu?... Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài… Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, hại đến uy tín của Chính phủ”.

Ngày 20-2-1947, nói chuyện với đồng bào Thanh Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tóm lại chính trị là: 1. Đoàn kết, 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”. Ý Bác nói điều quan trọng nhất của chính trị là đoàn kết và cán bộ từ to đến nhỏ phải trong sạch.

Trong suốt những năm dài lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua những ghềnh thác hiểm nghèo, bảo vệ và xây dựng đất nước, có một câu mà Bác Hồ đi thăm nơi nào cũng nói, và nói rất nhiều lần, đó là: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải trau dồi đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần kiệm liêm chính mà Bác gọi đó là 4 đức cách mạng.

Tham nhũng là một tội ác, là một quốc nạn, đang làm nghèo đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trước kia, trong những bài viết, Bác chỉ nói: Có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức và phẩm chất còn yếu kém… thì nay số đó đã tăng lên. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ:

“Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc”.

Nạn tham nhũng không chỉ ở các ngành nghề kinh tế, mà nay có ở cả các ngành Y tế, Giáo dục, thậm chí có ở cả những cơ quan bảo vệ pháp luật. Nạn tham nhũng trong một bộ phận cán bộ nắm quyền, nắm tiền và tài sản công, nắm đề bạt cán bộ, thuyên chuyển cán bộ… Trong xã hội diễn ra những hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy lợi, chạy tội, chạy bằng cấp…  Hiện tượng bằng giả, học giả, khai bớt tuổi để chưa về hưu, tệ báo cáo láo chạy theo thành tích… Người dân có công việc cần, muốn nhanh chóng là phải có phong bì, sinh viên ra trường muốn có việc làm, cán bộ cấp trên về công tác, cũng phải phong bì… “Phong bì” đã trở thành một tệ nạn! Có người nói địa phương có việc lên các bộ, ngành… nếu đi không thì dễ về không lắm!

Có thể nói, trong mọi tệ nạn hiện nay thì tệ tham nhũng, hối lộ là bức xúc nhất. Ở đâu, người dân cũng nói, cũng bàn tán, cũng căm phẫn, cũng lên án!

Từ năm 1949, trên Báo Sự Thật số 109, Bác Hồ đã viết bài báo: “Thuốc đắng dã tật…”:

“Có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại, vì kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền; giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền; làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm, chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.

Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình.

Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền, thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm, và sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết. Phải nhớ câu tục ngữ: “Sừng có vạch, vách có tai”.

Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ thì uy tín chẳng những không giảm bớt mà lại thêm cao…” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 trang 584, NXBCTQG Hà Nội 2002).

Bác Hồ nói:

“Bệnh quan liêu, nạn tham ô, lãng phí, nguồn gốc ở trong xã hội cũ mà ra, chúng ta không lấy làm lạ. Nhưng sau cách mạng mà tham ô, lãng phí còn khá phổ biến trong cán bộ ta là vì giáo dục thiếu sót…” (Lời phát biểu trong phiên họp Chính phủ tháng 7-1952, hiện lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Với cán bộ lãnh đạo, Bác nói:

“Nếu chính mình tham ô, bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được.

Ai cũng thấy siêng năng, trong sạch là tốt. Điều đó không ai chối cãi được. Thế mà vì sao vẫn không làm, hay không làm được? Chẳng những không làm được mà còn làm trái lại. Đó là vì cái tâm mình không chính!” (Bài nói tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khoá 2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 59 NXBCTQG 2002).

*

Đọc những bài của Bác Hồ viết về nạn tham nhũng, thấy Bác rất căm ghét và lên án mạnh mẽ tệ nạn này. Bác nói: "Phải tẩy sạch bệnh quan liêu, tham nhũng", "Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng"… Những từ ngữ ấy của Bác, tự nó đã nói lên một thái độ quyết liệt, một quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước ta, đúng với nguyện vọng của nhân dân ta.

Bác Hồ còn nói: "Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội…", "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân", "Quan liêu, tham ô, lãng phí là một tội ác" (trích trong Hồ Chí Minh toàn tập).

Các vị lãnh đạo cách mạng chân chính, hết lòng vì nước, vì dân, bao giờ cũng căm ghét bệnh tham ô. Ngày 2-5-1918, Toà án nhân dân Mạc Tư Khoa xử nhẹ một vụ án hối lộ. Lênin không bằng lòng, ông viết:

"Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy - Đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải đưa những kẻ đã ăn hối lộ ra, để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng".

Cách vài hôm sau, Lênin lại viết thư cho cán bộ tư pháp: "Phải lập tức có một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ và những cách hối lộ khác). Ít nhất cũng phải phạt tù 10 năm tù giam, và 10 năm khổ sai" (Nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết - V.I Lênin toàn tập - Nhà Xuất bản Tiến Bộ, Matxơva 1977).

*

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời quan tâm đến việc xây dựng Đảng. Người đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Và cuộc đời của Người là một tấm gương tuyệt vời trong sáng, tiêu biểu cho khí phách, đạo đức và phẩm chất cao đẹp của dân tộc ta. Suốt cuộc đời Bác là sự nêu gương, nêu gương để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của nhân dân ta. Bác nói:

Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được 4 chữ “Chí công vô tư” cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh kéo bè kéo cánh…” (Sửa đổi lối làm việc - Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 255).

Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang được nhân dân chờ đợi, hy vọng và tin tưởng. Song đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói:

“Đây là công việc không đơn giản, dễ dàng, trái lại vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ diễn ra ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Nó đòi hỏi toàn Đảng phải có nỗ lực rất cao, mỗi cá nhân và tập thể phải quyết tâm rất lớn, phấn đấu bền bỉ, kiên trì với những biện pháp thật kiên quyết, tích cực”./.

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com