Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên

05:08, 11/08/2012

Trong sự nghiệp của mình, Đảng ta không có mục tiêu, lý tưởng nào khác ngoài mục tiêu, lý tưởng phục vụ, chăm lo cho lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Lịch sử vẻ vang của Đảng cho thấy lớp lớp cán bộ, đảng viên của Đảng đã không quản hy sinh, gian khổ, lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập, tự do; chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược, đạt nhiều thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, như Nghị quyết Trung ương 4 nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Nguyên nhân chủ quan của thực trạng trên được Trung ương chỉ rõ, là do: “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ”. Đẩy lùi sự suy thoái, tiêu cực trong bộ phận cán bộ, đảng viên này được Trung ương xác định là một trong những nhiệm vụ, vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, yêu cầu trên cần nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó tăng cường sự giám sát cán bộ, đảng viên của quần chúng nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Trên thực tế từ trước đến nay Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quy định về vấn đề này, Nhà nước cũng đã cụ thể hóa thành các quy định pháp luật, cơ chế thực hiện cụ thể. Điều đó có thể thấy rõ, trước các kỳ đại hội các cấp, Đảng đều tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo các văn kiện quan trọng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhân dân được thực hiện quyền giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, giám sát cán bộ thông qua đại biểu của mình tại Quốc hội, HĐND các cấp; có quyền khiếu nại, tố cáo. Hiện, 2 năm một lần MTTQ cấp cơ sở tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ đảm nhiệm các chức danh chủ chốt trong cấp uỷ, chính quyền địa phương theo quy định của Pháp lệnh thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đây được xem là cơ chế, công cụ quan trọng để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình, trực tiếp nhận xét, đánh giá cán bộ thông qua lá phiếu tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Năm 2006, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp xây dựng, ban hành Quy chế "MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”, quy định hoạt động giám sát của Mặt trận đối với cán bộ, công chức, đảng viên cư trú, làm việc ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư; những cán bộ, đảng viên ở nơi khác nhưng công tác trên địa bàn; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn cấp xã, tập trung vào những tổ chức thường xuyên tiếp xúc với dân, phụ trách những việc liên quan đến quyền lợi của dân. Mục tiêu của quy chế này nhằm thông qua hoạt động giám sát của MTTQ giúp cho cán bộ, công chức, đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như những quy định của khu dân cư… Như vậy, có thể thấy, chủ trương, quy định, cơ chế để nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên không thiếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những chủ trương, quy định trên chưa thực sự phát huy tác dụng; hiệu quả của việc nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên do vậy còn rất hạn chế. Điều này thể hiện rõ nhất là việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trước các kỳ đại hội Đảng còn nặng tính hình thức. Hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp chưa được như mong muốn. Nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân chậm được giải quyết hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cán bộ ở cơ sở chưa phản ánh đúng thực chất. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn còn nặng tính hình thức, chưa thực sự phát huy được vai trò... Hạn chế trên, cùng với những hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng dẫn đến thực trạng thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã không được ngăn chặn kịp thời, diễn biến ngày càng trầm trọng. Không ít trường hợp cán bộ, đảng viên mắc sai phạm, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; vi phạm đạo đức, lối sống nhưng không có sự giám sát, phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời cả từ phía cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra Nhà nước và từ nhân dân. Việc mới đây cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) khởi tố, bắt tạm giam 3 người nguyên là cán bộ xã Lộc An (TP Nam Định) vì những sai phạm trong quản lý đất đai gợi lên nhiều suy nghĩ. Vụ việc một mặt cho thấy công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra của Nhà nước ở đây chưa tốt; mặt khác bộc lộ công tác giám sát cán bộ, đảng viên của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân nơi đây không hiệu quả. Trong khi đó, tình trạng cán bộ, đảng viên quan liêu, xa rời, ngại tiếp xúc với nhân dân ngày càng phổ biến. Không ít cán bộ lãnh đạo khi đi công tác tại cơ sở thường chỉ nghe lãnh đạo cơ sở báo cáo mà không trực tiếp đi xuống dân, thấy dân làm, nghe dân nói, do vậy không nắm rõ thực tiễn. Nhiều cán bộ, đảng viên khi tiếp dân vẫn có thái độ hách dịch, gây khó dễ trong giải quyết công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ phải làm. Xa dân, không hiểu được dân, không nghe được dân nói nên không thể thực hiện việc lãnh đạo, quản lý của mình một cách có hiệu quả. Mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân vốn là mối quan hệ máu thịt vì vậy đang trở nên xa cách…

Với tinh thần quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lần này Trung ương đề ra 4 nhóm giải pháp quan trọng, trong đó phát huy vai trò quần chúng nhân dân tham gia xây dựng Đảng được Trung ương đặc biệt coi trọng. Vấn đề này được Trung ương đề cập nhiều lần trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong nhóm giải pháp thứ 2 về tổ chức, cán bộ, sinh hoạt Đảng, Nghị quyết nêu: “Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp”. Trong nhóm giải pháp thứ 3 về cơ chế, chính sách, Nghị quyết nêu rõ: “Trong năm 2012 ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp; trong đó cơ chế giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội; việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; cơ chế để MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Trong nhóm giải pháp thứ 4 về công tác chính trị, tư tưởng, Nghị quyết nêu: “Cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời”. Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) cũng nêu: “Định kỳ hằng năm, cấp uỷ, tổ chức Đảng có hình thức thích hợp thông báo kết quả kiểm điểm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, đóng góp ý kiến. Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp”.

Chủ trương, đường hướng đã có, vấn đề còn lại là hành động với quyết tâm cao nhất để những mong muốn tốt đẹp này được hiện thực hóa trong cuộc sống./.

 Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com