Trần Tất Tiệp
Giám đốc Sở Nội vụ
Cách đây 67 năm, ngày 28-8-1945 theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong bộ máy của Chính phủ lâm thời có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng, thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy Nhà nước bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngày 28-8-1945 đã đánh dấu sự ra đời của Bộ Nội vụ và trở thành ngày truyền thống của ngành Tổ chức Nhà nước.
Suốt chặng đường 67 năm qua, ngành Tổ chức Nhà nước nói chung và ngành Tổ chức Nhà nước tỉnh Nam Định nói riêng được hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của bộ máy Nhà nước cách mạng, với quá trình giải phóng dân tộc và công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước qua các giai đoạn lịch sử. Công tác tổ chức Nhà nước ở tỉnh ta qua các thời kỳ phát triển với nhiều tên gọi khác nhau như: Phòng tổ chức, Ban Tổ chức và Dân chính tỉnh, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh… Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới và thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23-12-2003 UBND tỉnh Nam Định đã ra quyết định đổi tên Ban Tổ chức chính quyền tỉnh thành Sở Nội vụ tỉnh Nam Định. Theo đó, Sở Nội vụ tỉnh Nam Định là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nội vụ ở địa phương, bao gồm các lĩnh vực: Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước, sự nghiệp; tổ chức chính quyền địa phương, địa giới hành chính, cán bộ công chức, viên chức Nhà nước; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, thanh tra công vụ; cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn, tổ chức hội và tổ chức phi chính phủ.
Từ năm 2008, Ban Thi đua Khen thưởng, Ban Tôn giáo chính quyền, Trung tâm Lưu trữ tỉnh từ Văn phòng UBND tỉnh được sáp nhập vào Sở Nội vụ và từ khi sáp nhập, trở thành một sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, ngành Tổ chức Nhà nước tỉnh ta luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tích quan trọng đó là:
Cán bộ Trung tâm Lữu trữ (thuộc Sở Nội vụ) tăng cường kiểm tra, giữ gìn, bảo quản các tài liệu lưu trữ của tỉnh để phục vụ tốt hoạt động của UBND và các ngành của tỉnh. Ảnh: Quốc Tuấn |
Trong công tác xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy chính quyền các cấp thực hiện tốt các cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp đảm bảo dân chủ, công khai, đúng luật và có tỷ lệ cử tri đi bầu cao; tham mưu với UBND tỉnh trong công tác xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND để HĐND thực hiện tốt chức năng giám sát và quyết định, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của UBND trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng… ở địa phương. Nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh ta đạt danh hiệu chính quyền cơ sở vững mạnh. Điểm nổi bật trong năm 2011 là Sở Nội vụ đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và đã bầu đủ 09/09 đại biểu Quốc hội khóa XIII, bầu đủ 67/67 đại biểu HĐND tỉnh, bầu đủ 40/40 đại biểu HĐND Thành phố Nam Định và bầu được 5.480 đại biểu HĐND xã, thị trấn. Trong 6 tháng đầu năm 2012, Sở Nội vụ đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, Thành phố Nam Định tiến hành tổng kết, đồng thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về kết quả bước 2 thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường của tỉnh theo Quyết định số 1682 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành Tổ chức Nhà nước cũng đã giúp cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn, cơ quan hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước, góp phần làm ổn định tình hình an ninh nông thôn và đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng… củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, tạo động lực thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị - kinh tế xã hội ở các địa phương, cơ quan và doanh nghiệp.
Cùng với việc xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, ngành Tổ chức Nhà nước đã chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, sự nghiệp gọn về tổ chức, rõ về chức năng, nhiệm vụ và có biên chế, cơ cấu công chức, viên chức hợp lý. Bộ máy hành chính sự nghiệp của tỉnh đã từng bước được sắp xếp lại theo hướng gọn về đầu mối, đúng quy định Nhà nước và thực hiện quản lý theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực. Đến nay, các cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến huyện đã được sắp xếp lại gọn hơn: Cấp tỉnh còn 17 sở, ngành và 2 cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó các sở, ngành có 122 phòng, ban, 10 chi cục và 143 đơn vị sự nghiệp thuộc sở, giảm 6 sở, ban, ngành và giảm 15 phòng cấp tỉnh. Các tổ chức sự nghiệp cũng được sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh, đồng thời từng bước thực hiện xã hội hoá trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, thông tin, thể thao…
Công tác cải cách hành chính ở tỉnh được tăng cường, nổi bật là thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết công việc của tổ chức, công dân. Đến nay, đã có 100% số huyện, thành phố, 16/17 sở, ban, ngành và 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bước đầu tạo ra sự chuyển biến cơ bản trong quan hệ giải quyết công việc giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, công dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thực hiện Luật Cán bộ, công chức, ngành Tổ chức Nhà nước đã tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo đúng quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh đảm bảo cả về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Ngoài ra, ngành Tổ chức Nhà nước rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước và cả công chức cấp xã để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ và kỹ năng làm việc, quản lý. Hằng năm ngành Tổ chức Nhà nước đã trình UBND tỉnh cử nhiều cán bộ, công chức đi học sau đại học. Trong các lĩnh vực công tác khác như công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, công tác thi đua khen thưởng, công tác thanh tra, công tác quản lý Nhà nước về thanh niên cũng đã có những chuyển biến tích cực, từng bước được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả và chất lượng hơn.
Với những thành tích đã đạt được, nhiều đơn vị tập thể và cá nhân trong ngành Tổ chức Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, UBND tỉnh tặng Bằng khen và Cờ Thi đua xuất sắc, nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, chiến sĩ thi đua cấp bộ và cấp tỉnh. Sở Nội vụ liên tục nhiều năm được Bộ Nội vụ và UBND tỉnh tặng Bằng khen và cờ thi đua xuất sắc. Năm 2003 được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2008, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2008 và năm 2009 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc…
Phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được cũng như từ những bài học kinh nghiệm được rút ra qua 67 năm xây dựng và trưởng thành, thời gian tới, ngành Tổ chức Nhà nước tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ Đảng và chính quyền về công tác tổ chức và cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nhất là tinh thần Nghị quyết TW4 (khoá XI) về xây dựng Đảng… để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đảm bảo hợp lý về số lượng và cơ cấu, có phẩm chất đạo đức, có năng lực thực tiễn để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Tiếp tục sắp xếp bộ máy hành chính Nhà nước từ tỉnh đến huyện theo hướng gọn về đầu mối bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề trọng tâm là: “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền thật sự vững mạnh”. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai doạn 2011-2015. Tăng cường công tác xây dựng chính quyền vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và hiệu lực quản lý điều hành của UBND. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn…
Bước vào giai đoạn cách mạng mới đang đặt ra cho ngành Tổ chức Nhà nước những thử thách mới những yêu cầu nhiệm vụ mới nặng nề nhưng với truyền thống 67 năm của ngành và với tinh thần quyết tâm phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tổ chức Nhà nước tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh./.