Nâng cao chất lượng đối thoại, chất vấn trong sinh hoạt Đảng

07:08, 02/08/2012

Nhóm giải pháp công tác tổ chức, cán bộ được xác định tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhấn mạnh: “Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp”. Làm tốt giải pháp quan trọng này sẽ khắc phục được điểm hạn chế lớn về tình trạng đảng viên ở cơ sở thiếu thông tin, không phát huy được dân chủ trong xây dựng Đảng.

Điều lệ Đảng ta từ ngày ra đời cho đến nay đều ghi nhận và quy định đảng viên có quyền được thông tin. Thông tin đầy đủ, kịp thời sẽ có tác dụng nâng cao kiến thức, sự hiểu biết cho đảng viên, làm cho họ có quan điểm, lập trường và hành động đúng. Cung cấp thông tin đầy đủ là biện pháp để đảng viên ở cơ sở nhận biết, tự lý giải, tự liên hệ, vận dụng; đồng thời góp phần nâng cao dân trí. Lâu nay, hình thức thông tin cho đảng viên được tiến hành bằng nhiều kênh, qua hệ thống báo chí, qua các cơ quan tuyên truyền, qua hệ thống báo cáo viên nhưng nhìn chung, khoảng cách thông tin từ Trung ương đến cơ sở vẫn còn rất xa, nhiều lĩnh vực bị cho là nhạy cảm, thậm chí là “bí mật quốc gia” nên đảng viên ở cơ sở không được thông tin. Trong khi đó, các cơ quan truyền thông ở nước ngoài lại đưa khá nhiều thông tin không có kiểm chứng về vấn đề nội bộ của Đảng ta; các thế lực thù địch tiến hành “Diễn biến hòa bình” cũng tung tin đồn thổi, xuyên tạc, bịa đặt khiến đảng viên ở cơ sở khi tiếp nhận thông tin không biết phải nghe ai, bàn bạc với ai.

 Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Vì vậy, Đảng cần phải thông tin qua nhiều kênh, bằng nhiều hình thức, với nhiều loại nội dung, nhiều chiều nhưng có định hướng rõ ràng. Cần nâng cao tính định hướng của các cơ quan báo chí, nhất là khi thông tin về các vấn đề nhạy cảm, những vấn đề “nóng” trong xã hội. Nhiều vấn đề, nếu chậm cung cấp thông tin sẽ khiến dư luận bức xúc, đảng viên, quần chúng dễ bị kích động, lôi kéo vào những việc làm sai trái. Đảng cần phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, coi trọng tuyên truyền miệng, đặc biệt là hoạt động báo cáo viên, để thông tin đúng, đủ đến mọi đảng viên những vấn đề thời sự trong Đảng, lại không làm lộ bí mật.

Việc đối thoại và chất vấn cũng là những điều kiện quan trọng và cần thiết đối với cán bộ, đảng viên, vừa là nhu cầu, vừa là một quyền. Cấp ủy, bí thư cấp ủy phải có kế hoạch định kỳ dành thời gian tiếp xúc, đối thoại với đảng viên ở cơ sở. Tổ chức đối thoại có tác dụng lớn, qua đó nhiều vướng mắc được giải đáp trực tiếp và kịp thời, bức xúc trong tư tưởng cán bộ, đảng viên được giải tỏa. Đây cũng là dịp tốt để cấp trên và cấp dưới hiểu nhau, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, thuận lợi. Cấp trên nghe cấp dưới; cấp dưới được thông tin, giải thích, hiểu được bản chất của vấn đề. Trong thực tế ở nhiều nơi, nhiều địa phương, cơ sở sau những cuộc đối thoại đã có không khí phấn khởi, nhiều bức xúc được giải tỏa; tình hình ổn định và phong trào có chuyển biến mạnh mẽ hơn.

Có thể thấy, việc đối thoại và chất vấn ở một số kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã tạo hiệu ứng xã hội rất tốt, niềm tin trong nhân dân được nâng lên, không khí dân chủ thêm phần cởi mở. Tuy việc đối thoại, chất vấn trong sinh hoạt Đảng có khác, nhưng cần nghiên cứu kinh nghiệm từ đối thoại, chất vấn của các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Thực tế, một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt sợ đối thoại, ngại chất vấn và khi buộc phải trả lời chất vấn thì đọc bài chuẩn bị sẵn. Đối thoại và chất vấn như thế thì chưa thể có dân chủ trong Đảng. Phát huy dân chủ trong Đảng thì chất lượng xây dựng Đảng sẽ ngày càng được nâng lên./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com