Ngày 13-8, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp tỉnh và tương đương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; các đồng chí lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương; Bí thư Ban cán sự Đảng, Đảng Đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương…
Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng, sau bước nghiên cứu, quán triệt triển khai thực hiện đã đạt được kết quả bước đầu, hiện nay các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy và tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương đang chuẩn bị triển khai kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Đây là công việc đặc biệt quan trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Tổ chức tốt việc tự phê bình và phê bình sẽ tạo cơ sở, niềm tin để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4. Để xây dựng thêm quyết tâm, niềm tin và có thêm kinh nghiệm tiến hành tốt công tác tự phê bình và phê bình, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc nhằm phổ biến những kinh nghiệm, cách làm mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã và đang tiến hành.
Sau lời khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã phổ biến, trao đổi những kinh nghiệm chính trong công tác chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập trung vào 3 nội dung chính: Công tác chuẩn bị; Tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân; Một số kinh nghiệm và những việc cần làm tiếp sau kiểm điểm.
Ngay sau khi có Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 24-2-2012 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Bộ phận thường trực giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện Nghị quyết gồm đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm UBKT Trung ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Đồng thời ban hành quy chế làm việc của bộ phận thường trực, quy định rõ quyền hạn, chế độ làm việc, trách nhiệm của các thành viên; tổ giúp việc và các cơ quan chức năng… Xác định rõ nhiệm vụ của năm 2012, trọng tâm là chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bộ Chính trị xác định rõ yêu cầu, nội dung cần góp ý là bám sát vào 3 nội dung cấp bách đã nêu trong Nghị quyết đối với tập thể và cá nhân; cách thức và thời hạn góp ý và quy định rõ văn bản góp ý cho cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư gửi trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư; góp ý cho tập thể gửi về Bộ phận thường trực.
Đầu tháng 5-2012, Bộ Chính trị có công văn yêu cầu các cấp, ngành, địa phương nơi cư trú có liên quan góp ý chuẩn bị kiểm điểm tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đến 21-6-2012 đã có 89 cấp ủy, tổ chức Đảng tập thể lãnh đạo cơ quan Trung ương; 25 cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương và 36 chi bộ nơi công tác và nơi cư trú gửi văn bản góp ý cho tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đã nghiêm túc và trân trọng tổ chức lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hội nghị được tổ chức ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các ý kiến phát biểu được tập hợp và gửi nguyên văn đến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư… Đến ngày 21-6-2012, đã có 103 đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp ý cho tập thể; 72 ý kiến cho cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Các ý kiến đóng góp tập thể đã được tổng hợp lại đầy đủ (hơn 60 trang A4); ý kiến đóng góp cá nhân tập hợp nguyên văn (không ghi tên người gửi) để gửi đến các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Báo cáo của tập thể tập trung đánh giá khách quan cả ưu điểm và khuyết điểm, làm rõ các mặt hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục, làm cơ sở cho tự phê bình và phê bình cá nhân. Báo cáo cá nhân được chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm chu đáo, chặt chẽ, khoa học; tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, kết quả thực chất, không làm lướt, làm hình thức, chiếu lệ; với phương châm “trị bệnh cứu người”, giúp nhau tiến bộ vì sự trong sạch của Đảng; kiểm điểm đúng tinh thần chỉ đạo: Trên trước, dưới sau; tập thể trước, cá nhân sau…
Sau kiểm điểm của tập thể các cá nhân đối chiếu hoàn thiện lại bản kiểm điểm và gửi cho đồng chí Tổng Bí thư trước khi tiến hành kiểm điểm đồng chí đó. Nhìn chung, các bản kiểm điểm cá nhân được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, nội dung bám sát hướng dẫn, giải trình chi tiết các góp ý của tập thể và tổ chức.
Trên cơ sở tổng hợp góp ý kiến của tập thể và cá nhân, Bộ Chính trị đã xác định 25 vấn đề cần được xem xét, giải trình và đã giao cho các cơ quan có liên quan chuẩn bị các bản dự thảo giải trình để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến. Các tài liệu phục vụ cho kiểm điểm cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng với khối lượng lớn.
Kiểm điểm theo trình tự tập thể trước, cá nhân sau; trong kiểm điểm cá nhân, đồng chí Tổng Bí thư kiểm điểm trước, sau đó lần lượt đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Thường trực Ban Bí thư…
Tập thể Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình với thời gian 4 ngày. Kết luận phần kiểm điểm tập thể đã giao UBKT Trung ương báo cáo Bộ Chính trị một số vấn đề về việc thực hiện các quy định của Đảng, của UBKT Trung ương khóa X khi đề nghị xử lý kỷ luật các tập thể và cá nhân có liên quan đến trách nhiệm đối với vụ Vinashin; giao Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị (trong tháng 8) về tình hình thực hiện chủ trương tái cơ cấu Vinashin và về vụ việc ở Vinalines mới đây…
Đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân 12 ngày. Kết luận phần kiểm điểm cá nhân, đồng chí Tổng Bí thư giao UBKT Trung ương thẩm tra, xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và Báo cáo Bộ Chính trị (trong tháng 9-2012) để có kết luận cụ thể.
Theo kế hoạch, tháng 9-2012, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ thông qua Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể; Bản tiếp thu giải trình, đánh giá chính thức về kết quả kiểm điểm và xem xét việc kỷ luật (có hay không với tập thể, cá nhân) để báo cáo với Trung ương; Chuẩn bị thông báo cho cơ quan và cá nhân góp ý cho tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.
Như vậy, quá trình kiểm điểm tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư vẫn còn tiếp tục và sẽ hoàn thành sau khi Ban Chấp hành Trung ương xem xét, đánh giá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.
Sau trình bày của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, các đại biểu dự hội nghị đã phát biểu kiến nghị, đề xuất và đề nghị giải thích thêm những vấn đề chưa rõ. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương đã trả lời và phân tích làm rõ thêm những nội dung phát biểu của các đại biểu trong hội nghị.
Kết luận hội nghị, sau khi nhấn mạnh các nội dung quan trọng trong quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 9 vấn đề rất có ý nghĩa, cho thấy đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư được tiến hành rất nghiêm túc và có nhiều điểm mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư mong muốn và tin tưởng rằng, từ cách làm, kinh nghiệm chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, nghiên cứu kỹ lưỡng để vận dụng, làm tốt việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở đơn vị và địa phương mình, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết, đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” như lời Bác Hồ dạy./.
Theo nhandan.com.vn