Thường thường những ngày kỷ niệm trọng đại, báo chí ta bao giờ cũng in những bài nêu lên những thành tích lớn mà Đảng và nhân dân ta đã thực hiện được. Đó là một điều cần thiết.
Tuy nhiên, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh những bài viết nêu lên những thành tựu lớn, Bác thường có những bài viết nêu lên cả những khuyết điểm còn tồn tại của cán bộ và đảng viên ta.
Ngày 2 tháng 9 năm 1950, cả nước vui mừng kỷ niệm lần thứ 5 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Bác Hồ đã viết bài "Phải tẩy sạch bệnh quan liêu", in trên Báo Sự Thật số 140 với bút danh XYZ (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 6 trang 88).
Sang năm sau, cũng ngày 2 tháng 9 năm 1951, Bác lại viết tiếp bài "Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh" in trên Báo Nhân Dân số 23 (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 6 trang 292). Bài này Bác ghi bút danh CB.
Hai năm liền trong Ngày Quốc khánh, Bác Hồ viết bài "Tẩy sạch bệnh quan liêu". Điều đó chứng tỏ quan liêu là một thứ bệnh nguy hiểm, có hại lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: TL |
Trong hai bài báo này, Bác chỉ rõ: Bệnh quan liêu là thế nào?
"Nguyên nhân của nó vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình… Các cán bộ ấy, người thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì bao giờ "Sấm ra đá kêu" mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà "huấn thoại", nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song, những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết thì không nói đến".
Chứng bệnh ấy thể hiện ra như sau:
Đối với người: Cấp trên đối với cấp dưới, cán bộ đối với nhân dân... chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm cho dân chúng tự giác và tự động.
Đối với việc: Chỉ biết khai hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị. Chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra.
Đối với mình: Việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi, làm cho qua chuyện. Nói một đằng làm một nẻo. Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí… Chỉ biết ăn cho sang, diện cho kẻng, chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình. Tham ô, hủ hoá. Trước mặt dân chúng thì lên mặt "quan cách mạng".
Và Bác Hồ nói: "Đó là mấy vẻ chính của bệnh quan liêu và nếu không lo chữa thì bệnh quan liêu sẽ đưa bệnh nhân đến chỗ hoàn toàn bị đào thải!".
Trong bài "Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh" (2-9-1951) Bác viết:
"Ai cũng biết bệnh quan liêu mệnh lệnh là nguy hiểm. Nhưng trong công tác thực tế, nhiều cán bộ ta còn mắc bệnh ấy. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan " chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng" nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ".
Bác cũng chỉ rõ nguyên nhân của bệnh quan liêu là:
- Xa nhân dân: Do đó không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.
- Khinh nhân dân: Cho là "dân ngu khu đen" bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.
- Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm, thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.
- Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân thì việc khó mấy, to mấy, cũng làm được.
- Không hiểu biết nhân dân: Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy những lợi ích thiết thực. Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông.
- Không yêu thương nhân dân: Do đó họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân. Có nơi bệnh quan liêu mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, doạ nạt dân!
Cuối cùng, Bác nêu ra cách chữa chứng bệnh quan liêu mệnh lệnh, gồm 6 điều:
1 - Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết.
2 - Liên hệ chặt chẽ với nhân dân.
3 - Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ.
4 - Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình.
5 - Sẵn sàng học hỏi nhân dân.
6 - Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo.
*
Bệnh quan liêu là một nguy cơ của Đảng cầm quyền, là nguyên nhân sinh ra nhiều thứ bệnh khác. Quan liêu chính là nguồn gốc sinh ra tham nhũng, lãng phí. Bác Hồ nói:
"Bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu" (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 6 trang 490).
Bác khẳng định: "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân. Kẻ thù này khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta, phá hoại đạo đức cách mạng của ta".
Ngày thành lập Đảng 3 tháng 2 năm 1969, Bác Hồ lại viết bài "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" thể hiện sự quan tâm lo lắng của Người. Bác chỉ rõ: Chính vì chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu mệnh lệnh, tham ô, lãng phí. Chủ nghĩa cá nhân là mẹ đẻ ra mọi tính hư, nết xấu. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng. Bác nhắc nhở và căn dặn phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Và đó cũng chính là yêu cầu của Nghị quyết 4 về những vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay.
Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
"Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam Hoà bình,Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Đó cũng chính là nguyện vọng và mục tiêu cao cả của Cách mạng Việt Nam./.
Bùi Công Bính