Cuộc cách mạng muôn người như một

06:08, 24/08/2012

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Đảng chịu tổn thất hết sức nặng nề. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị kết án tử hình cùng mấy lãnh đạo chủ chốt nữa của Đảng. Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn đều bị bắt. Đúng vào thời gian Đảng đang thoái trào, Bác Hồ đã về nước đầu tháng 2-1941. Sau khi nắm chắc mọi tình hình, Bác quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 để thành lập Mặt trận Việt Minh, họp tại Pác Pó (Cao Bằng) từ ngày 10-5 đến ngày 19-5-1941. Mặt trận Việt Minh tiếp thu truyền thống đoàn kết muôn người như một của ông cha từ rất lâu đời, tích lũy, đúc kết từ các cuộc kháng chiến chống giặc Tống, giặc Nguyên Mông, giặc Minh, giặc Thanh và cho đến chống giặc Pháp, Nhật, đoàn kết muôn người như một lại càng hết sức phù hợp với dân tộc ta. Trên báo Việt Nam độc lập mà Bác Hồ là Tổng biên tập, có đăng bài “Nên học sử ta”, Bác đã viết:

“Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Hồ Chủ tịch và một số Bộ trưởng, nhân sĩ, trí thức tại Việt Bắc năm 1951. Ảnh tư liệu.
Hồ Chủ tịch và một số Bộ trưởng, nhân sĩ, trí thức tại Việt Bắc năm 1951.
Ảnh tư liệu.

Đoàn kết muôn người như một đã thể hiện thành hành động cụ thể rất sinh động qua các Hội cứu quốc nơi thu hút, hội tụ 25 triệu đồng bào (dân số cả nước ta thời điểm đó). Đây cũng là mặt trận đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng không bỏ sót bất cứ ai có lòng yêu nước. Nhiều người còn đang làm cho địch, từ quan lại triều đình Huế cho đến binh lính đang cầm súng địch, kể cả chức sắc ở thôn, xã đều tham gia các Hội cứu quốc: Hội công chức cứu nước, Hội binh sĩ cứu quốc, Hội hào lý cứu quốc. Gửi thư cho binh lính, Bác Hồ viết “Hỡi đồng bào binh lính” vì hễ là người Việt Nam ai cũng yêu nước, kể cả binh lính, nếu được gần gũi lôi kéo, giác ngộ anh em sẽ mang súng theo cách mạng như vẫn từng có các cuộc khởi nghĩa do chính binh lính nổi dậy. Các địa phương đã xây dựng Mặt trận Việt Minh được Bác Hồ gọi là “xã hoàn toàn, tổng hoàn toàn, huyện hoàn toàn”. Trong cuốn hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giải thích hai chữ “hoàn toàn” như sau: “Nghĩa là toàn thể mọi người dân trong xã, trong tổng, trong huyện đều đã tham gia các Hội cứu quốc và là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam ngày mai trước Tổng khởi nghĩa” (Sách đã dẫn - Trang 423).

Đào tạo cán bộ nắm chắc đường lối đoàn kết muôn người như một để gấp rút chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa, rất cần mỗi cán bộ phải thông thạo lịch sử nước nhà. Bác Hồ đã viết “Lịch sử nước ta” theo thể diễn ca lục bát để làm tài liệu học tập ở các trường, lớp đào tạo cán bộ Việt Minh. Bác viết theo thể diễn ca lục bát để mọi người dễ truyền miệng vì thời đó người mù chữ rất đông, nhiều cán bộ cơ sở cũng chưa biết đọc, biết viết. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, trang 627 đã đánh giá rất cao cuốn “Lịch sử nước ta” của Bác Hồ, xin trích:

“Lịch sử nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào khoảng cuối năm 1941 tại Cao Bằng. Tập diễn ca lịch sử này là tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở chiến khu thời đó và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân ta nhằm giáo dục và động viên mọi người phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Lịch sử nước ta đã in sâu trong tâm trí của nhiều đồng chí và đồng bào ta, có người đến nay vẫn còn thuộc toàn văn hoặc từng đoạn của tập diễn ca này”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc đã thấm nhuần tới từng người Việt Nam, đến mức đã là người Việt Nam dù ở bất cứ đâu cũng thương yêu nhau, đùm bọc nhau, cưu mang nhau. Thành công lớn nhất của Mặt trận Việt Minh là chỉ sau có một, hai năm, trong lòng dân tộc không có hận thù, không còn tầng lớp này chống tầng lớp kia. Báo Việt Nam độc lập, số báo đầu tiên ra mắt, trên đầu trang nhất nổi bật hai câu thơ:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Hai câu thơ dân gian được truyền miệng đã bao nhiêu đời, cũng là lời ru của mẹ, của bà, trở thành một lời tuyên ngôn của tờ báo mặt trận do Đảng lãnh đạo. Cùng chung nỗi đau mất nước, tên nước cũng chẳng còn, lòng thương của người Việt đối với nhau thực bao la. Nhưng đối với bọn đã cố tình hại dân, hại nước, làm giàu trên mồ hôi công sức của đồng bào mà Bác Hồ gọi là “giặc nội xâm” thì phải chống đến cùng vì chúng nguy hiểm như giặc ngoại xâm, không chống thì sớm muộn lại mất nước, lại là nô lệ. Bộ máy thống trị của Pháp Nhật vẫn còn nhưng các nhà văn hóa nổi tiếng đã tham gia Hội văn hóa cứu quốc, Đảng Xã hội là thành viên của Mặt trận Việt Minh tập hợp trí thức, Đảng Dân chủ cũng là thành viên của Mặt trận Việt Minh tập hợp các nhà tư sản, công thương gia. Ông Phan Kế Toại là khâm sai của triều đình Huế, nắm quyền miền Bắc nhưng con trai ông là họa sĩ Phan Kế An là Việt Minh tham gia Hội văn hóa cứu quốc. Ông Đặng Văn Hướng là thượng thư nhưng con trai là Đặng Văn Việt lại là Việt Minh. Mặt trận Việt Minh lặng lẽ thâm nhập vào mọi gia đình, kể cả giới quan lại và mọi người giàu có. Giữa năm 1943, quỹ Đảng cạn kiệt, chỉ còn gần 30 đồng Đông Dương. Nhà đại điền chủ kiêm tư sản Đỗ Đình Thiện có cửa hàng lớn ở phố Hàng Gai đã chuyển cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng, phụ trách quỹ Đảng ba vạn đồng Đông Dương, rồi sau lại chuyển tiếp hai vạn nữa.

Nhật bắt nông dân phải trồng đay, cói và thu vét lúa gạo, hàng triệu người cùng khổ, thiếu ăn quanh năm đã theo Việt Minh và người giàu có nhất khu buôn bán Hàng Đào cũng là Việt Minh. Hai đảng viên Khuất Duy Tiến, Hoàng Hữu Nhân thường xuyên đi lại nhà ông bà Trịnh Văn Bô. Nhà đại điền chủ Huỳnh Thiên Lộc vào Đảng Dân chủ, ông có hai vạn héc-ta đất ở Tây Nam Bộ, sẵn sàng hiến cả số đất này cho Việt Minh, chỉ mong được theo Việt Minh làm cách mạng. Mặt trận Việt Minh chuẩn bị ráo riết cho cuộc cách mạng toàn dân. Nhật đảo chính Pháp xong, Nhật thành lập đoàn thanh niên mang tên Tiên Phong để làm tay sai cho chúng. Chúng giao việc này cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, chúng không ngờ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một đảng viên cộng sản. Bác sĩ nhận lời ngay, gấp rút thành lập đoàn thanh niên bề ngoài thân Nhật nhưng bên trong là lực lượng thanh niên chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa, có cả đơn vị thanh niên võ trang bằng vũ khí của Nhật. Cách mạng chưa nổ ra, hàng chục triệu người đã dần dần vào hàng ngũ để chờ lệnh. Hiểu như vậy mới thấy tại sao khi lệnh Tổng khởi nghĩa nổ ra, ta lại làm chủ tình hình nhanh như vậy. Ngày 17-8-1945, cả Hà Nội đã đỏ rực cờ Việt Minh và ngày 19-8 mới chính thức là cuộc mít tinh toàn thành phố. Bộ máy cảnh sát của địch ở Hà Nội đã ủng hộ Việt Minh, cuộc biểu tình của hàng chục vạn dân Thủ đô có cờ đỏ sao vàng đến đâu cảnh sát ở đó đều giữ trật tự. Không một cảnh sát nào chống lại vì từ hàng năm trước vẫn có cờ Việt Minh xuất hiện vào ban đêm mà anh em đều biết là cờ của những người yêu nước. Một số tỉnh lặng lẽ theo Việt Minh từ trước ngày 19-8, riêng Sài Gòn - Chợ Lớn chậm một số ngày.

Cách mạng Pháp năm 1791 giết vua, Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 giết vua, chỉ có Cách mạng Tháng Tám không những không giết vua mà còn đưa vua Bảo Đại về Trung ương làm Cố vấn tối cao của Nhà nước cách mạng. Nhiều thượng thư, quan lại cũ trở thành những công chức của chính quyền nhân dân. Cụ Bùi Bằng Đoàn là một vị quan nổi tiếng thanh liêm được cử giữ chức Tổng thanh tra Chính phủ. Luật sư Phan Anh, giáo sư Tạ Quang Bửu là bộ, thứ trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim, nay hai ông được cử giữ chức Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ cách mạng lâm thời. Nhà đại điền chủ Huỳnh Thiên Lộc được cử làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp vì ông từng học lâu năm ở Pháp, tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp ở Pháp. Những trí thức nhân sĩ có tiếng tăm được mời giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước, một nửa số bộ trưởng trong chính phủ là người ngoài Đảng. Bác Hồ cử cán bộ vào miền Trung mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ ngoài Đảng, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Mặt trận Việt Minh không của giai cấp nào, mà là của toàn dân. 25 triệu người Việt Nam là một trong Mặt trận Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám đã thành công rực rỡ nhờ dựa hẳn vào Mặt trận, vào sức mạnh của 25 triệu người. Mọi người Việt Nam đã sống thời chống Pháp, chống Nhật, thời có trận đói Ất Dậu chết hai triệu người, đều rất tự hào đã được đứng dưới ngọn cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Mặt trận Việt Minh mãi mãi đúng đắn như Hồ Chí Minh đã nêu cao khẩu hiệu khi Bác mới về nước: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” . Mặt trận Việt Minh mãi mãi phù hợp với dân tộc ta, đã là mặt trận dù mang tên gì cũng chỉ là mãi mãi muôn người như một, từ chế độ dân chủ cộng hòa lên xã hội chủ nghĩa, cách mạng càng tiến lên chỉ càng củng cố vững chắc cái nền “muôn người như một, không bỏ sót ai”./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com