Chùa Tự Lạc ở làng Tự Lạc, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) được xây dựng từ năm 1843 trên một khu đất cao, rộng gần 9 sào, phía trước có hồ bán nguyệt, cây cổ thụ sum suê tạo nên khung cảnh đẹp, cổ kính. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Tự Lạc là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng và in ấn tài liệu, đồng thời là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của 3 huyện phía nam tỉnh là Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu.
Ban quản lý chùa Tự Lạc bên văn bia ghi dấu ấn lịch sử. |
Ban đầu, chùa chỉ được xây dựng bằng tường đất, mái tranh. Qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo, đến năm Ất Sửu (năm 1925), chùa hoàn thành theo kiểu “tiền Nhất hậu Đinh” gồm 3 tòa: tiền đường, trung đường và cung cấm được lợp ngói nam, tường trụ xây gạch, rường hoành bằng gỗ lim. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Tự Lạc đã trở thành địa điểm ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử quan trọng tại địa phương. Năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta, nhiều người dân làng Tự Lạc đã tình nguyện tham gia đội quân nghĩa dũng của cụ đốc học Phạm Văn Nghị vào Nam đánh Pháp. Sau này, các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục cũng được thanh niên nơi đây tham gia nhiệt tình. Tháng 9-1927, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (VNTNCMĐCH) được thành lập ở Nam Định là điều kiện thuận lợi phát triển phong trào về vùng nông thôn. Tháng 9-1927, ở Thọ Nghiệp, Hương sư làng Lạc Nghiệp là thầy giáo Nguyễn Trường Thúy, quê Nghệ An là người yêu nước, có tinh thần cách mạng đã tham gia tổ chức VNTNCMĐCH được tổ chức phân công về xã Tự Lạc dạy học. Khi về xã, thầy giáo Thúy đã liên lạc với cụ Nguyễn Xuân Lâm, người được chỉ định làm liên lạc viên giữa tỉnh và các huyện phía nam tỉnh. Hai cụ đã vận động thêm những người có tinh thần yêu nước thành lập tổ chức VNTNCMĐCH ở địa phương (cuối năm 1927) với 6 người, gồm: ông Nguyễn Xuân Lâm (tức Trọng), cụ Trịnh Thế Rĩnh (tức Cựu Rĩnh), thầy giáo Trịnh Thế Cửu (tức Tứ); thầy giáo Nguyễn Trường Thúy (tức Kiếm); Vũ Quý Huỳnh (tức Trà) và Hồ Gia Tưởng (tức Hoa). Việc thành lập tổ chức VNTNCMĐCH ở Tự Lạc có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương. Từ đây theo bước chân các hội viên ở Tự Lạc, nhiều hội viên ở các nơi khác đã tìm đến Chủ nghĩa Mác - Lênin và được tuyên truyền rộng khắp các vùng trong huyện bằng các hình thức như tổ chức đọc các loại sách báo tiến bộ; tổ chức kỷ niệm các ngày truyền thống của dân tộc nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái; tuyên truyền và kết nạp thêm hội viên mới, mở rộng địa bàn hoạt động ra các vùng lân cận. Tổ chức VNTNCMĐCH đã lấy chùa Tự Lạc làm nơi sinh hoạt. Nhà sư Thích Thanh Điến, quê làng Tả Giáng (Mỹ Lộc) đã tích cực vận động tín đồ phật tử ủng hộ phong trào cách mạng, bảo vệ, che giấu cán bộ về chỉ đạo phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp. Tổ chức VNTNCMĐCH ở Tự Lạc được xem là nòng cốt của hai huyện Xuân Trường, Giao Thủy và một phần của huyện Hải Hậu. Ngày 19-6-1929, tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Định; Tỉnh ủy lâm thời lúc đó do đồng chí Nguyễn Hới làm Bí thư Tỉnh ủy đã đề ra chủ trương thành lập các tổ chức Cộng sản dựa trên tổ chức VNTNCMĐCH. Cũng thời điểm này, tổ chức VNTNCMĐCH tại Tự Lạc đã bám sát chủ trương của Tỉnh ủy và tuyển chọn hội viên chuyển sang tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng với 3 người là cụ Nguyễn Xuân Lâm, cụ Nguyễn Trường Thúy và cụ Phạm Ry (thành viên VNTNCMĐCH được kết nạp đầu năm 1929) do cụ Nguyễn Trường Thúy làm Bí thư. Ngày 3-2-1930, sau khi Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối đúng đắn, tại Tự Lạc, các đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng được chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành động lực tập hợp, thu hút lực lượng quần chúng tạo nên bước chuyển biến mới và quan trọng trong phong trào cách mạng. Từ đây, chùa Tự Lạc trở thành trung tâm hoạt động của Đảng trên mặt trận của các huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu. Các đồng chí: Đặng Xuân Thiều, Đặng Quốc Bảo, Đinh Thị Vân, Phan Đình Khải (tức Lê Đức Thọ)… thường xuyên qua lại chùa Tự Lạc để chỉ đạo phong trào cách mạng tại địa phương. Tối 20-8-1945, tại chùa Tự Lạc, các đồng chí: Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Xuân Kỷ (ở Tự Lạc), Bùi Gia Sơ, Trần Gia Lũy, Bùi Đắc Biên (ở Lạc Nghiệp), Phạm Cương (ở Hà Cát), Tô Quang Giáp (ở Hoành Nhị), Vũ Quý Huỳnh (ở Ngô Đồng), Đinh Thúc Dư (ở Đông An), Lê Thành (ở Hội Khê), Hoàng Thọ Tiễu (ở Xuân Bảng), Vũ Xứng, Vũ Đức Phương (ở Hoành Nha) đã họp bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở hai huyện Xuân Trường, Giao Thủy. Suốt đêm 20-8-1945, tổ Việt Minh ở Tự Lạc và Lạc Nghiệp phân công nhau may cờ đỏ sao vàng, chuẩn bị vũ khí, huy động lực lượng quần chúng để ngày hôm sau đứng lên giành chính quyền về tay cách mạng, về tay nhân dân. Ngày 21-8-1945, trước khi đoàn khởi nghĩa xuất phát đã tổ chức làm lễ thượng cờ tại sân chùa với 51 đồng chí, rồi chia thành hai mũi đi cướp chính quyền tại Xuân Trường và Lạc Quần, sau đó hợp quân xuống chiếm đồn địch tại huyện lỵ Giao Thủy. Chính quyền ở hai huyện đã hoàn toàn về tay nhân dân.
Với những giá trị lịch sử, ngày 26-2-2003, UBND tỉnh đã quyết định công nhận di tích đền chùa Tự Lạc là Di tích lịch sử văn hóa. Để nhắc nhở nhân dân về truyền thống vẻ vang của quê hương, đền chùa Tự Lạc đã tổ chức lễ hội vào ngày 13-8 (âm lịch) hằng năm. Di tích lịch sử văn hoá đền chùa Tự Lạc trở thành ngôi nhà chung của nhân dân trong thôn, xã, tạo nên một nét đẹp văn hoá truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương./.
Bài và ảnh: Văn Thứ