Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi đầu tiên của Chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa

08:08, 21/08/2012

Mùa thu năm 1945, trong lịch sử của nước ta được gọi là Mùa Thu Cách mạng! Một cuộc cách mạng đã đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ bước vào kỷ nguyên Độc lập - Tự do, thành lập Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Một nhà báo nước ngoài đã viết: “Cách mạng Tháng Tám có quyền đi vào lịch sử của phong trào cách mạng thế giới, như một trong những mẫu mực tuyệt vời về nghệ thuật cách mạng và sáng tạo cách mạng của quần chúng nhân dân…”.

Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì viết: “Chẳng những người lao động, nhân dân Việt Nam mà cả những người lao động ở các nước bị áp bức khác, cũng có thể tự hào rằng: Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa”.

Nhân dân Hà Nội chiếm Bắc Bộ phủ 19-8-1945. Ảnh: TL
Nhân dân Hà Nội chiếm Bắc Bộ phủ 19-8-1945. Ảnh: TL

“Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa”. Có lẽ, chỉ một câu ngắn đó, cũng đủ nói lên vị trí to lớn của Cách mạng Tháng Tám Việt Nam.

Song, có nhớ lại những ngày Tháng Tám đầy sôi động và khẩn trương ấy, có được sống lại những giờ phút đầy thử thách, khó khăn và nghiêm trọng ấy của lịch sử, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

*

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể:

Những ngày trước cuộc khởi nghĩa, trăm công nghìn việc gấp gáp, vì làm việc nhiều, Bác Hồ bị mệt nặng. Tuy vậy, Bác vẫn phải gượng làm việc… Bác yếu nhiều, Người hốc hác hẳn đi. Thuốc men không có, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký ninh, Bác đã uống nhưng không thấy đỡ. Thấy Bác sốt nóng, lại mê sảng luôn, tôi rất lo.

Hồi ấy, để giữ bí mật, các đồng chí ở địa phương đã làm cho Bác một cái lán nhỏ, náu kín trong khu rừng nứa ở sườn đồi. Bác làm việc suốt ngày. Mọi giấy tờ, chỉ thị, Bác đều tự tay đánh máy.

Đêm ấy, tôi ở lại với Bác trong cái lán giữa rừng. Lúc nào tỉnh, Bác lại nói đến công việc. Bác dặn: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã đến, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được Độc lập”. Thỉnh thoảng, nhớ ra điều gì, Bác lại dặn: “Phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, phải xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, đề phòng lúc khó khăn…”.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, trong hồi ký của mình cũng đã viết: “Chúng tôi đến Tân Trào, anh Giáp cho biết Ông Cụ đang chờ, nhưng ốm lắm. Mấy hôm trước có vẻ nguy kịch, tưởng chết. Ông Cụ đã một lần cho gọi anh Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp vào bàn công tác, như có ý giối giăng.

Bước vào cái lán Bác ở, tôi rất cảm động. Nhà trống huơ, trống hoác, bốn phía không có phên che. Ngoài chiếc máy chữ và một ít giấy tờ, không có một thứ gì khác. Bấy giờ đã vào thu, lại sau những trận mưa liên miên, khí trời lành lạnh. Ông Cụ ngồi xổm một mình trên sàn. Tôi nhận ra ngay Ông Cụ, nhưng Ông Cụ hom hem quá, khác hẳn đồng chí Vương hồi ở Trung Quốc. Ông Cụ đã để râu, tóc lốm đốm bạc, hai má hóp lại, mình mặc áo cộc chàm, hai chân gầy làm cho hai ống quần soóc càng rộng. Chỉ có đôi mắt là vẫn sáng, và giọng nói vẫn đầm ấm, từ tốn như xưa”.

Nhớ lại bức thư: “Gửi đồng bào toàn quốc” trước đây, Bác viết: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh...”. Còn bây giờ, Bác nói với chúng tôi: “Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút. Không thể để lỡ cơ hội”. Ngày ấy Nhật chưa đầu hàng đồng minh, nhưng với tầm nhìn chiến lược, Bác đã nói: “Chỉ vài ngày nữa là Nhật hàng và hàng không điều kiện”.

*

Tình hình cách mạng khẩn trương như thế và thời cơ đối với cách mạng là vô cùng quan trọng. Nhớ lại bài thơ “Học đánh cờ” Bác đã viết ở trong tù:

“Lạc nước, hai xe đành bỏ phí
Gặp thời, một tốt cũng thành công”

Trong lúc Trung ương đã có Chỉ thị triệu tập gấp Hội nghị toàn quốc của Đảng, thì ngày 13 tháng 8 năm 1945 có tin Nhật đầu hàng đồng minh.

11 giờ đêm ngày 13 tháng 8 năm 1945: Uỷ ban Chỉ huy lâm thời khu giải phóng hạ mệnh lệnh khởi nghĩa cho nhân dân và bộ đội.

Ngày 14 tháng 8 năm 1945: Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc. Bác Hồ vừa dứt cơn sốt, vẫn đến họp. Bác nói: “Cơ hội rất tốt cho ta giành chính quyền Độc lập đã tới!”. Giữa lúc hội nghị đang họp, thì được tin Chính phủ Nhật đã đầu hàng vô điều kiện, đúng như nhận định của Bác. Hội nghị quyết định thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào nước ta giải giáp quân Nhật. Và lập Bộ Tư lệnh quân giải phóng.

Ngày 16 tháng 8 năm 1945: Đại hội đại biểu quốc dân khai mạc ở đình Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, do Tổng bộ Việt Minh triệu tập. Đại hội có 60 đại biểu của cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và kiều bào ở nước ngoài.

Đại hội họp ở một gian rộng trong đình Tân Trào. Gian chính giữa triển lãm những vũ khí ta vừa thu được của Nhật. Gian bên kia là chỗ ăn uống của các đại biểu. Hôm ấy, Ban Tổ chức giới thiệu Bác là Cụ Hồ Chí Minh - Một nhà lão thành cách mạng. Nhưng một số đại biểu đã kháo nhau, đó chính là Cụ Nguyễn Ái Quốc.

Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945: Uỷ ban Giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân ở trước đình Tân Trào. Bác Hồ, người được đại hội bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Giải phóng dân tộc, đứng giữa các vị đại biểu, cùng mọi người hướng lên lá cờ đỏ sao vàng, đọc lời tuyên thệ.

Ngay sau đại hội lịch sử này, Bác Hồ ra lời kêu gọi nhân dân Tổng khởi nghĩa:

“… Hỡi đồng bào yêu quý!

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

*

Hà Nội - Những ngày này, sục sôi khí thế cách mạng!

Suốt ngày 17 rồi 18 tháng 8 năm 1945, các cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra trong thành phố với những khẩu hiệu của Việt Minh.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945: Một cuộc mít tinh khổng lồ đã diễn ra tại Quảng trường Nhà hát thành phố. Từng đoàn người nối nhau kéo về Quảng trường mỗi lúc một đông. Cờ đỏ sao vàng rợp trời! Theo lời kêu gọi của Uỷ ban Quân sự cách mạng, hàng vạn người kéo vào chiếm trụ sở Uỷ ban của Chính phủ thân Nhật. Đội cảnh vệ ở đây bị tước vũ khí và các thành viên của Uỷ ban này bỏ trốn. Một cánh quân khởi nghĩa khác đánh vào trại Bảo An, chiếm kho vũ khí. Cả Hà Nội về tay nhân dân!

Huế - 23 tháng 8 năm 1945: Biểu tình lớn. Quân khởi nghĩa chiếm Trụ sở của Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim. Trước khí thế của cách mạng, Bảo Đại phải thoái vị.

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, trước cổng chính của Hoàng Cung, Vua Bảo Đại mặc hoàng bào thêu rồng, đọc một bài văn đã được chuẩn bị trước: “Tôi muốn làm công dân một nước tự do hơn là làm vua một nước nô lệ”. Và trao cho Đoàn đại diện của Chính phủ Cách mạng chiếc ấn vàng nặng 10kg, thanh kiếm chuôi nạm ngọc bích, tượng trưng cho quyền lực của nhà vua. Lá cờ 3 sọc bị hạ xuống và lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam mới được kéo lên tung bay trước gió, trên kinh thành của chế độ quân chủ đã kéo dài hàng trăm năm.

Sài Gòn - Ngày 18 tháng 8 năm 1945. 50 nghìn đoàn viên thanh niên Tiền phong giương cao cờ đỏ sao vàng kéo về vườn Ông Thượng, với bài ca hùng tráng: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng. Ta người Việt Nam…”.

Ngày 24 tháng 8 năm 1945, hồi 18 giờ theo lệnh của Xứ uỷ, Uỷ ban Khởi nghĩa phát lệnh khởi nghĩa. Chỉ sau 4 tiếng đồng hồ, trong làn sóng sôi sục của quần chúng cách mạng, kho bạc, nhà máy điện, nhà máy nước, Sở Bưu điện, các bốt cảnh sát… đã về tay nhân dân. Dinh Thống đốc cũng đã bị một đơn vị thanh niên chiếm giữ và Nguyễn Văn Sâm đã bị bắt.

Ngày 25 tháng 8 năm 1945, một cuộc tuần hành vũ trang vĩ đại chưa từng thấy của hơn một triệu đồng bào nội ngoại thành, biểu dương sức mạnh của quần chúng cách mạng và sự ủng hộ chính quyền mới.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trưởng đoàn đại biểu của Tổng bộ Việt Minh được phái vào Nam Bộ, kể lại: “Sài Gòn. Trong ánh đèn sáng rực của thành phố, màu đỏ của những lá cờ cách mạng càng lộng lẫy. Uy tín lớn lao của Bác Hồ, đã làm cho nhân tâm quay về một mối. Khối đoàn kết dân tộc lớn rộng hơn bao giờ hết là nền tảng sắt đá của chính quyền cách mạng sơ sinh”.

Trong bức điện ngắn gửi ra Hà Nội, đồng chí Hoàng Quốc Việt viết: “21 tỉnh mà tôi đi qua đều đã giành được chính quyền. Các tỉnh Nam Bộ cũng đã xong!”. Và Hà Nội, trả lời ngắn gọn hơn: “Ngày 2 tháng 9 năm 1945 - Tuyên bố độc lập!”.

Như vậy là chỉ trong 12 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám trong cả nước đã thành công. Hơn 80 năm nô lệ dưới ách thực dân và chế độ quân chủ kéo dài hàng nghìn năm đã bị một cơn bão táp cách mạng quét sạch!.

Trong bài thơ “Ngọn quốc kỳ”, nhà thơ Xuân Diệu đã viết:

“Ôi lịch sử! Cùng mấy ngày Tháng Tám
Khắp Việt Nam cờ mọc với lòng dân
… Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!
Những ngực nén hít thở ngày độc lập…”.

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com