37 năm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đón khách thăm viếng

07:09, 02/09/2012

Ngày 29-8 năm nay tròn 37 năm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức lễ khánh thành và mở cửa đón khách vào viếng Bác. Từ đấy, công việc bảo vệ thi hài Bác đặt ra những yêu cầu mới. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Hồ Chí Minh luôn chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm và vinh dự nặng nề, phát huy truyền thống "Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua" của Bộ đội Cụ Hồ.

Bảo đảm môi trường tiếp cận với thi hài Bác luôn luôn tinh khiết trong điều kiện mỗi ngày có hàng nghìn lượt người vào viếng là công việc có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong toàn bộ công tác kỹ thuật. Những cán bộ, nhân viên tổ y tế đặc biệt ở đây đã sớm xây dựng quy trình kỹ thuật để bảo đảm tinh khiết môi trường, như xây dựng chế độ kiểm tra môi trường, kiểm tra nấm mốc, vi khuẩn ở những phòng, vị trí quan trọng trước và sau khi nhân dân vào viếng Bác.

Một vấn đề không kém phần quan trọng trong giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác là bảo đảm chiếu sáng. Khi tổ chức viếng Bác, trong quan tài kính có chiếu sáng, với điều kiện đó da ở mặt và hai bàn tay của Người chịu ảnh hưởng trực tiếp của các tia bức xạ. Nếu kéo dài thời gian chiếu sáng sẽ ảnh hưởng tới việc giữ gìn và bảo vệ thi hài Người. Do vậy, cần tổ chức cho nhân dân viếng đúng giờ, vừa bảo đảm yêu cầu của khoa học, vừa bảo đảm cho nhân dân đến với Bác.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Để bảo đảm cho đồng bào vào Lăng viếng Bác an toàn, phương án bảo vệ sức khỏe nhân dân sớm được đặt ra. Đối với đồng bào ở xa, việc tổ chức nhà nghỉ trọ được thực hiện chu đáo, tận tình. Việc ăn phụ, giải khát, chống rét, phục vụ thương binh nặng và người già yếu đến viếng Bác đều được nghiên cứu tổ chức ngày càng chu đáo. Có lần, một phụ nữ bồng con nhỏ chừng sáu tháng tuổi tới xếp hàng vào viếng Bác. Chiến sĩ bảo vệ yêu cầu chị không mang theo cháu bé còn quá nhỏ. Lúng túng trong giây lát, rồi chị gửi đứa con cho chiến sĩ ấy và nói: "Nhờ anh bế cháu hộ một lúc, tôi vào viếng Bác rồi ra ngay". Anh chiến sĩ trẻ ngớ người, nhưng không thể từ chối, đành làm người giữ trẻ trong vài giờ. Biết câu chuyện đó, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức thêm dịch vụ trông trẻ bên cạnh dịch vụ coi túi xách, gói đồ cho khách vào Lăng viếng Bác. Đồng thời cải tiến công tác đón tiếp khách, như cải tạo các nhà chờ thành hai khu vực khang trang, để trước khi vào viếng Bác, khách có thể tạm dừng chân, ngắm những cây hoa, cây cảnh, xem những bộ phim tư liệu về Bác. Đối với các đoàn thương binh nặng, những chiến sĩ tiêu binh đã chuẩn bị sẵn xe đẩy đặc biệt để phục vụ. Họ thận trọng, nhẹ nhàng nâng thương binh lên từng bậc cầu thang. Có những thương binh hỏng cả hai mắt, chỉ hình dung thấy Bác qua lời miêu tả của chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây; nghe xong, nhiều thương binh bật khóc.

Trong đội ngũ công nhân vận hành thiết bị bên trong thuộc Bộ Tư lệnh quản lý còn có những công nhân đứng máy phải chịu tiếng ồn do động cơ của các loại thiết bị máy móc đang vận hành phát ra không giây phút nào ngừng nghỉ. Nhưng nhiệm vụ đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của họ, bởi đã góp phần tạo ra sự an toàn và mát dịu cho giấc ngủ của Bác, cho khách đến viếng Người. Họ có tới 12 ngành nghề khác nhau, 23 chuyên ngành. Nào thợ vận hành lạnh nước; thợ vận hành điều hòa; thợ sửa lạnh; thợ sửa chữa điện; thợ sửa chữa vô tuyến điện…

Lăng Bác là nơi thiêng liêng thành kính nhất để các thế hệ con cháu tri ân. Từ năm 1978 đến nay, ở Lăng Bác, ngoài việc tổ chức lễ viếng hằng ngày, các sinh hoạt chính trị, văn hóa khác diễn ra thường xuyên. Lúc đầu là một buổi kết nạp đội viên mới của Đội thiếu niên Tiền phong của một trường phổ thông tại Hà Nội, đến nay có nhiều hình thức sinh hoạt chính trị, văn hóa được tổ chức trước Lăng Bác như: lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh; lễ trao bằng tốt nghiệp; lễ tuyên thệ của thanh niên lên đường nhập ngũ; lễ rước đuốc truyền thống; đặt vòng hoa trước ngày cưới... Ngày 19-5-2001, Đảng và Nhà nước tổ chức lễ kéo Quốc kỳ lên đỉnh cột cờ trước Lăng Bác một cách uy nghiêm, long trọng, thiêng liêng. Từ đó, hoạt động này thành nền nếp, gây ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người dân đất Việt và khách quốc tế. Nhiều cựu chiến binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, cựu thanh niên xung phong ở nhiều địa phương đã không quản đường xa vất vả, ra Hà Nội, đến xếp hàng để được vào Lăng viếng Bác.  Nhiều doanh nghiệp, nhà máy, công ty, tập đoàn kinh tế cử nhiều cán bộ, công nhân đến xếp hàng chỉnh tề trước Lăng Bác làm lễ báo công, giao ước thi đua và hứa với Bác suốt đời phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Người...

Để những buổi lễ viếng Bác diễn ra tốt đẹp, các lực lượng trong Ban quản lý Lăng đã đoàn kết phối hợp chặt chẽ, khắc phục mọi sự cố, không để ảnh hưởng đến lễ viếng và các sinh hoạt chính trị, văn hóa diễn ra trong khu vực. Trước những đợt hoạt động lớn như kỷ niệm Ngày sinh của Bác (19-5), ngày Quốc khánh (2-9), Tết Nguyên đán, Ban quản lý Lăng đều phối hợp Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Công an quận Ba Đình và các phường Đội Cấn, Ngọc Hà, Điện Biên để thống nhất các hoạt động phục vụ nhân dân vào Lăng viếng Người.

37 năm qua, đồng bào cả nước và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác ngày một nhiều hơn, có ngày lên tới 40 nghìn người. Đến nay có gần 50 triệu lượt người vào Lăng viếng Bác, trong đó hơn tám triệu khách quốc tế. Trong mọi điều kiện, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bộ Tư lệnh Lăng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác./.

Theo: nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com