“Uống nước nhớ nguồn” - Tình cảm và đạo lý của dân tộc toả sáng trong con người Hồ Chí Minh

07:07, 27/07/2012

Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của hàng nghìn năm đánh giặc, giữ nước. Biết bao thế hệ anh hùng đã hy sinh, chiến đấu để giữ gìn giang sơn gấm vóc, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Và, truyền thống biết ơn những người có công với nước, đặc biệt là những người đã hy sinh thân mình vì sự sống còn của dân tộc, đã trở thành tình cảm và đạo lý lâu đời của nhân dân ta.

Nối tiếp truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha, với tinh thần "Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do", mấy chục năm qua, hàng triệu những người con yêu quý của dân tộc ta đã ngã xuống. Máu đào của các liệt sĩ ấy đã viết nên những trang sử vẻ vang và đem lại cuộc sống hòa bình, no ấm hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên (29-1-1957). Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên (29-1-1957).

Ngày nay, dọc đường đất nước, từ Bắc vô Nam, hàng vạn những Nghĩa trang liệt sĩ đã được nhân dân dựng lên, với tượng đài "Tổ quốc ghi công". Đó chính là những biểu tượng về ý chí quật cường, về lòng yêu nước vô hạn, về sự hy sinh dũng cảm của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Và, đó cũng chính là những lời nhắc nhở chúng ta - những người đang sống - một nghĩa vụ thiêng liêng, một đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", một tấm lòng và hành động "Đền ơn đáp nghĩa" đối với các liệt sĩ, thương binh.

Năm 1947 Hội đồng Chính phủ họp tại một khu rừng ở Đại Từ, Thái Nguyên, thuộc chiến khu Việt Bắc. Theo lời đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27 tháng 7 hằng năm là ngày Thương binh. Và năm 1955 được đổi tên là Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ngày nay, ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ đã có tấm bia đá ghi lại sự kiện lịch sử này. Và nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

"Uống nước nhớ nguồn" mãi mãi là tình cảm và đạo lý cao đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Và đạo lý ấy càng được toả sáng trong tình cảm và lòng biết ơn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho những liệt sĩ, thương binh và những người có công với nước.

Tháng 12 năm 1945, trong Thư gửi các chiến sĩ Nam Bộ và nam phần Trung Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

"Các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc… Với một đất nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không bị mất".

Tháng giêng năm 1947, trong Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô, Bác Hồ đã viết:

"Các em là Đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu của tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau.

Các em hăng hái tiến lên, lòng già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào, luôn luôn ở bên cạnh các em".

Trong cuộc kháng chiến vĩ đại giữ nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao những cống hiến của các liệt sĩ, thương binh, những gia đình quân nhân và những người có công với nước. Bác nói: "Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh".

Nhận được thư của các thương binh, Bác Hồ viết:

"Tôi tiếp được nhiều thư của các nam nữ chiến sĩ bị thương hăng hái hứa với tôi rằng: hễ vết thương khỏi thì lại xin ra mặt trận.

Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sĩ thật là đáng quý. Các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước, nay đã bị thương mà còn mong mỏi đi đánh giặc. Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý".

Thấm nhuần đạo đức của dân tộc "ăn quả nhớ người trồng cây", Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của các đoàn thể, chính quyền phải học tập, noi gương, phải thương yêu, chăm sóc và có những hành động thiết thực để giúp đỡ thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình bộ đội và những người có công với nước.

Tư tưởng, tình cảm vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trên những lời kêu gọi chân thành, giản dị, xúc động lòng người, mà còn thể hiện bằng cả những cử chỉ, hành động cụ thể hằng ngày đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Năm nào cũng vậy, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ Bác đều gửi Thư và gửi một tháng lương của mình biếu thương binh. Nhiều khi kèm theo số tiền lương ấy, còn có cả những món tiền, món quà của đồng bào, chiến sĩ trong nước và kiều bào ở nước ngoài kính biếu Người. Dù bận việc nước, Bác vẫn dành thời gian đến thăm anh chị em thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Những cử chỉ, hành động đó của Bác, tình thương yêu bao la của Bác đã cuốn hút đồng bào cả nước ta hăng hái tham gia phong trào Đền ơn đáp nghĩa, đã tạo nên phong trào cách mạng rộng lớn của toàn dân.

Thế nhưng, không phải chỉ nặng lòng với sự nghiệp chung, Bác Hồ kính yêu của chúng ta còn đau cả những nỗi đau riêng của từng người, từng gia đình. Ngày nay, vào thăm Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng ta còn đọc được bút tích bức thư của Bác Hồ gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, một người theo đạo Thiên chúa, lúc đó là Giám đốc Y tế Bắc Bộ:

Thưa Ngài,

Tôi được báo cáo rằng: Con giai của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột!

... Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và vui sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài, và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng.

Ngày 7 tháng 1 năm 1947
Hồ Chí Minh

Hôm ấy, cùng vào thăm Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh với chúng tôi là một đoàn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tận phía Nam. Nghe giới thiệu bức thư này của Bác, nhiều bà mẹ đã không ngăn được nước mắt. Thì ra nỗi đau của mỗi người, của mỗi gia đình Việt Nam, Bác Hồ đều thấu hiểu và cảm thông.

Ngày nay, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã tôn vinh các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng từ năm 1952, trong lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, Bác Hồ cũng đã viết:

"Nhân dịp 8-3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ".

Bác cảm ơn và ca ngợi những bà mẹ Việt Nam đã hòa lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ, thành một mối yêu thương không bờ bến mà giúp đỡ chiến sĩ, săn sóc thương binh...

*

Đêm giao thừa năm 1956, anh chị em ở Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội đang tập trung đón Tết và chờ nghe thơ Chúc Tết của Bác, thì có ai đó vui mừng kêu lên:

- Bác Hồ! Bác Hồ đến anh em ơi!

Cả hội trường đang ồn ào, bỗng lặng đi một phút. Rồi tất cả hò reo vỗ tay vang dội: "Hồ Chủ tịch muôn năm", "Bác Hồ muôn năm!".

Tiếng hô kéo dài không dứt. Bỗng có tiếng Bác:

- Thôi, thôi, các chú đừng hoan hô nữa cho mệt. Các chú ngồi xuống cả đi.

Nghe lời Bác, mọi người yên lặng. Thế là Bác bắt đầu nói chuyện và hỏi thăm sức khoẻ của anh chị em. Bác hỏi:

- Tết này các chú có bánh chưng, có mứt kẹo không?

- Tất cả: Thưa Bác có ạ!

- Thế các chú đã nhận được con cá trắm của Bác biếu chưa?

Đồng chí lãnh đạo nhà trường nói:

- Thưa Bác có ạ. Chiều nay chúng cháu đã được ăn cá của Bác rồi ạ. Chúng cháu cảm ơn Bác.

Hôm trước, có một đơn vị nuôi cá đánh bắt được một con cá trắm to, nặng tới 23kg. Mọi người bàn nhau rồi quyết định mang lên biếu Bác để ăn Tết. Bác cảm ơn, rồi bảo văn phòng chuyển con cá to ấy đến biếu các chú Trường thương binh hỏng mắt.

Bỗng một đồng chí thương binh đứng dậy nói:

- Thưa Bác, Bác có khoẻ không ạ?

- Các chú có muốn Bác khoẻ không? Muốn Bác khoẻ thì các chú phải vui vẻ, đoàn kết và học tập tốt. Các chú tàn nhưng không phế!

Nghe Bác nói câu ấy, nhiều anh em thương binh không ngăn được nước mắt!.

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy của dân tộc đã qua đi, nhưng trên đất nước yêu quý của chúng ta, từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng có những tấm gương, những tấm lòng và những hành động thể hiện tình cảm và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn "Ngôi nhà tình nghĩa" đã được xây dựng để phụng dưỡng những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình liệt sĩ, thương binh. Hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn, cũng như biết bao nghĩa trang liệt sĩ khác trên toàn quốc, được nhân dân thường xuyên chăm sóc, trồng hoa, hương khói. Các liệt sĩ vẫn đêm ngày sống trong lòng tưởng nhớ của tất cả đồng bào. Và, những anh chị em thương binh cũng đã vượt qua mọi khó khăn, hòa mình vào cuộc sống của đất nước, trở nên những người công dân kiểu mẫu.

Trong lịch sử của dân tộc mình, nhân dân ta luôn phải đương đầu với những kẻ thù mạnh hơn mình, vì thế đòi hỏi chúng ta phải có những con người gang thép, với quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, với tinh thần "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

Và "Uống nước nhớ nguồn" mãi mãi là tình cảm và đạo lý cao đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam! Đạo lý ấy càng được tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh, trong thời đại Hồ Chí Minh./.

Bùi Công Bính
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com