Đồng hành với những hành vi ngang trái trên thực địa như thiết lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” bao gồm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngang nhiên tuyên bố mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí nằm sâu trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đưa tàu hải giám xuống quấy rối ở khu vực Trường Sa…, ở Trung Quốc, đồng loạt dấy lên cả một dàn “đồng ca” ồn ã đầy rẫy những câu chữ hằn học, những luận điệu ngông cuồng.
Hàng loạt bài viết về tình hình Biển Đông mà Việt Nam được coi là “mũi nhọn” chống phá, đăng trên báo viết, báo mạng, báo hình ở Trung Quốc. Nhưng bình tâm mà đọc rồi cũng lần ra được những dòng chủ lưu, trong đó nổi lên là thuật đánh tráo thật, giả.
Trong dàn đồng ca hỗn độn ấy, bỗng nhiên nước ta bị gọi tên bằng những từ thô lỗ chẳng phù hợp chút nào với cách hành xử của những người tử tế, văn minh hoặc chí ít là tỉnh táo. Có điều chưa hiểu được là không biết cách ăn nói ấy phản ánh quan điểm chính thống (cho dù được sử dụng trên cả những phương tiện thông tin đại chúng chính thống) hay chỉ thể hiện trình độ “văn hoá” của một số nhóm, một số người nào đó? Đâu là thật: “16 chữ và 4 tốt” là thật, hay cách réo tên Việt Nam thô lỗ trên mặt các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc trong những ngày gần đây là thật?
Khối Sĩ quan Hải quân diễu hành trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Đinh Xuân Tuân - TTXVN |
Đi kèm với sự hằn học mù quáng là những lời hăm doạ hung hăng, gươm đao loảng xoảng mà một trong những thí dụ điển hình là bài “Trung Quốc buộc phải ra đòn ở Nam Hải (tức là Biển Đông)” của một tờ báo đầy quyền uy là Nhân Dân nhật báo (bản hải ngoại) ngày 30-6 vừa qua. Giọng điệu của bài báo chẳng khác gì dân mãi võ ngoài chợ hay giang hồ tứ chiếng: nào là “quả đấm thẳng”, nào là “một loạt quả đấm móc”, nào là “Một số đòn thái cực quyền”…
Thật chẳng biết đâu là thật, “cơ hội chiến lược”, “trỗi dậy hoà bình” là thật hay đe doạ chiến tranh là thật?
Đó là chưa kể những lời ăn, tiếng nói kẻ cả, nước lớn, coi thường các dân tộc khác quá lạc lõng trong một thế giới mà mọi dân tộc dù lớn hay nhỏ cũng đều bình đẳng như người Trung Quốc thường nói: “Đại bàng (mà ở đây tiếc rằng lại là diều hâu) hay chim sẻ cũng đều là chim”.
Chẳng lẽ nào người Trung Quốc (hay đúng ra là những người có thái độ ngạo mạn nước lớn ở Trung Quốc) đã quên rồi cái thời bị các cường quốc khác o ép, xúc phạm, khinh rẻ; chẳng lẽ họ không nhớ câu nói nổi tiếng của người xưa “Kỷ sở bất dục, Vật thi ư nhân” (đại ý là không nên áp đặt cái mình không muốn cho người khác) để nay lại áp đặt lên các dân tộc khác điều mà bản thân họ đã từng muốn gỡ bỏ?
Vậy đâu là sự thật những lời lẽ mỹ miều về hợp tác bình đẳng, phương thức “cùng thắng” là thật hay cách hành xử “cá lớn nuốt cá bé” là thật?
Lại nữa những giọng điệu xuyên tạc, những điều đổi trắng thay đen về thực trạng trên Biển Đông. Nào là “Tây Sa” tức Hoàng Sa, “Nam Sa” tức Trường Sa từ xa xưa đã thuộc về Trung Quốc, nào là “đường chín đoạn” là đường lịch sử bị các nước khác, nhất là Việt Nam chiếm đóng bất hợp pháp, khai thác bừa bãi… Bên cạnh các căn cứ lịch sử và pháp lý trắng đen rành rành, trong con mắt người dân thì điều hiển nhiên và đơn giản là trước năm 1974 có bóng dáng người Trung Quốc nào ở Hoàng Sa đâu? Năm đó lợi dụng Việt Nam đang bận tiến hành chiến tranh chống Mỹ, cứu nước họ đã ùa lên chiếm đấy chứ? Trước năm 1988, có ai là người từ Trung Hoa lục địa lai vãng đến Trường Sa đâu, mãi tới năm 1988 và một, hai năm sau, lợi dụng lúc Việt Nam đang bị họ và một số nước khác bao vây cấm vận đã đổ bộ lên mấy bãi đó chứ? Còn cái “đường lưỡi bò” choán hầu hết Biển Đông, ở xa Trung Hoa lục địa hàng nghìn hải lý thì không một nhà khoa học nổi tiếng nào, không một chính khách tôn trọng lẽ phải nào trên thế giới chấp nhận là thuộc Trung Quốc cả, thậm chí một số nhà khoa học có lương tri ở Trung Quốc cũng công khai lên tiếng bác bỏ.
Thế rồi họ còn đổ vấy rằng, Việt Nam muốn tranh thủ Mỹ để làm bừa mà cố tình quên rằng, chính vào các năm 1974 và 1988, ai cũng biết rằng họ đã móc ngoặc với người khác để làm càn ở cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa?
Dù sao đi nữa, lý trí và tình cảm vẫn mong mỏi “16 chữ và 4 tốt” là thật, hận thù là giả; hoà bình là thật, giương oai diễu võ là giả; bình đẳng, “cùng thắng” là thật, kẻ cả, nước lớn là giả; Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển 1982 thuộc Việt Nam là thật, những điều xuyên tạc khác là giả.
Đừng làm gì để tài sản quý giá của mối quan hệ giữa hai nước láng giềng do tạo hoá đặt sống bên nhau phải lao tâm khổ tứ, hao tổn biết bao công sức mới tạo dựng được bị sứt mẻ, đổ vỡ. Điều đó chẳng lợi gì cho tình hữu nghị, nghĩa láng giềng giữa hai dân tộc, chẳng có lợi gì cho khu vực Đông - Nam Á đang khát khao hoà bình và hợp tác, càng chẳng có lợi gì cho chính Trung Quốc đang muốn tạo dựng hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm./.
Theo vnexpress.net