“Tháng 7… tri ân!”

08:07, 27/07/2012

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2012), vừa qua, Đoàn đại biểu người có công (NCC) tiêu biểu của tỉnh gồm 30 đại biểu là thân nhân liệt sỹ và các thương, bệnh binh đã có chuyến hành trình về quê Bác, dâng hương và báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành phố Vinh và Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Cùng với cả nước, công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và NCC với cách mạng ở tỉnh ta đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, thể hiện tấm lòng tri ân đối với những người đã hy sinh xương máu vì nền tự do, độc lập của Tổ quốc.

Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh trước tượng đài Bác Hồ tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh trước tượng đài Bác Hồ tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Khắc ghi lời Bác dạy

Sau nửa ngày hành trình, Đoàn đại biểu NCC tiêu biểu của tỉnh đã đến xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, quê hương của Bác Hồ kính yêu. Trước tượng đài Hồ Chủ tịch, thắp nén hương dâng lên Người, cựu chiến binh Hoàng Xuân Phương, thương binh hạng 4/4, quê xã Hải Tây (Hải Hậu), xúc động kể: “Trong những năm tháng cầm súng đánh giặc tại mặt trận phía Nam, nhất là 4 năm bị địch bắt, giam cầm tại nhà tù Phú Quốc, bị chúng tra tấn nhiều lần “chết đi, sống lại”, những lúc đó, hình ảnh cao đẹp và dung dị của Bác Hồ và những lời dạy của Người là niềm động viên tinh thần giúp tôi vững vàng, kiên định, không chịu khuất phục trước kẻ thù”. Cựu chiến binh Hoàng Xuân Phương là một trong những tấm gương tiêu biểu “Xưa thắng giặc, nay thắng đói nghèo”. Nhập ngũ tháng 3-1967, là chiến sỹ đặc công, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh, Biên Hòa, Bình Dương và lập nhiều chiến công. Ngày 29-2-1967, trong trận đánh kho hậu cần Long Bình (Bình Dương) tổ trinh sát của ông gồm 5 người bị địch phát hiện, chúng xả đạn ác liệt, 2 đồng đội của ông hy sinh tại chỗ; 3 người, trong đó có ông bị thương nặng. Máy bay địch càn qua, chúng phát hiện ông trong tình trạng bất tỉnh và đưa về trại giam Biên Hòa. Từ đó, ông Phương bắt đầu những ngày tháng lưu đày qua các nhà tù của chính quyền Mỹ - ngụy. Từ  trại giam Biên Hòa, chúng chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc. Tại phòng giam có nhiều đồng chí chung hoàn cảnh với ông bị địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, nhưng các chiến sỹ cách mạng không khai nửa lời. Điên cuồng, địch dùng mọi cực hình: quấn dẻ, tẩm xăng lên các đầu ngón tay, châm lửa; dùng dây điện gắn lên cơ thể, quay tít, toàn thân ông co giật, ứa máu. Sau mỗi trận đòn “chết đi, sống lại”, các ông được đồng đội, đồng chí trong khu biệt giam chăm sóc... Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, ông thoát khỏi nhà tù đế quốc. Đến năm 1974, ông trở về địa phương. Từ nghị lực, tinh thần và quyết tâm vượt lên thương tật “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Phương đã cùng với gia đình từng bước vươn lên “thoát nghèo”, có của ăn, của để, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện Hải Hậu.

Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh thăm quê hương Hồ Chủ tịch. Ảnh: Việt Thắng
Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh thăm quê hương Hồ Chủ tịch. Ảnh: Việt Thắng

Trong nhịp sống hôm nay, với bản chất của người lính Cụ Hồ từng được tôi luyện qua những năm tháng chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh, thương, bệnh binh luôn sống và làm theo lời dạy của Bác Hồ, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều CCB, thương, bệnh binh là tấm gương sáng trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên các lĩnh vực. Trong Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh báo công với Bác năm nay, thương binh nặng Mai Đức Xy, xã Nam Thanh (Nam Trực), thương tật 87%, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội, ông còn là người đi tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế gia đình. Với mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và dịch vụ thú y, thức ăn chăn nuôi, mỗi năm ông nuôi trên 100 con lợn, trên 1.000 con gà, thu nhập trên 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn giúp đỡ cho các gia đình hội viên CCB ở địa phương tiền vốn và hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo… Hiện, toàn tỉnh có 297 doanh nghiệp, Cty TNHH; 34 HTX, 340 trang trại, 695 gia trại, hộ sản xuất kinh doanh do CCB, thương, bệnh binh làm chủ. Năm 2011, có 2.996 hộ CCB kinh doanh giỏi cấp xã, phường; 527 hộ giỏi cấp huyện; 99 hộ giỏi cấp tỉnh và 5 hộ giỏi cấp Trung ương.

Đền ơn đáp nghĩa theo gương Bác Hồ

65 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ Tổ quốc, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt công tác giải quyết chính sách đối với người có công, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 36 nghìn liệt sỹ (trong đó trên 14 nghìn thân nhân liệt sỹ đang được hưởng trợ cấp tuất), 1.240 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó có 33 mẹ còn sống), trên 25 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh (trong đó 15 nghìn người còn sống); trên 14 nghìn bệnh binh (trong đó còn sống 10.500 người); hơn 600 lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa (trong đó còn sống 108 người); gần 1.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày (trong đó 700 người còn sống); trên 10 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (trong đó còn sống 9.500 người); ngoài ra còn các đối tượng NCC khác như Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; NCC giúp đỡ cách mạng và trên 170 nghìn người tham gia hoạt động kháng chiến được hưởng trợ cấp một lần. Nhiều phong trào, nghĩa cử được đẩy mạnh, nhân rộng như: xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, nhận chăm sóc, xây đài tượng niệm, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, đi tìm và quy tập hài cốt mộ liệt sỹ… Tiêu biểu là các xã, thị trấn: Hải Phương, Hải Trung, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); Xuân Hồng, Xuân Bắc, Xuân Hùng (Xuân Trường); Yên Đồng, Yên Xá, Yên Tiến (Ý Yên); Nam Hồng, Nam Thanh (Nam Trực); Nghĩa Sơn, Nghĩa Đồng, Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng)… Hằng năm vào dịp tháng 7, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác thương binh, liệt sỹ, NCC với cách mạng và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”. Qua kiểm tra, rà soát đánh giá, 100% các xã, phường, thị trấn của tỉnh đạt tiêu chí làm tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”. Đến nay, có 212 nghĩa trang liệt sỹ cấp xã được tu sửa khang trang; 6 đền thờ liệt sỹ, 3 Đài tưởng niệm liệt sỹ cấp huyện và một Đài tưởng niệm liệt sỹ cấp tỉnh. Các công trình ghi công liệt sỹ của tỉnh đều được cấp ủy, chính quyền các cấp đầu tư tu sửa, tôn tạo, nâng cấp với kinh phí hơn 30 tỷ đồng/năm. 33 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cấp, các ngành quan tâm chăm sóc, khám chữa bệnh, động viên, tặng quà trong các dịp lễ, tết. Năm 2011, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa 91 ngôi nhà cho các gia đình chính sách, NCC với kinh phí gần 2 tỷ đồng. Cùng với các địa phương trong cả nước, trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ngoài các hoạt động thường xuyên hằng năm như tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng NCC, gia đình chính sách; phát động đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” các cấp; tu sửa công trình nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm, tổ chức tiếp nhận quy tập hài cốt liệt sỹ…; năm nay tỉnh còn tổ chức hai đoàn đại biểu NCC đi báo công tại quê Bác và dự hội nghị biểu dương NCC tiêu biểu toàn quốc do Bộ LĐ-TB và XH tổ chức; tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương NCC, các tập thể, cá nhân làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc NCC với cách mạng của tỉnh nhân dịp 27-7; trích 761 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” của tỉnh hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở đã xuống cấp cho các gia đình NCC khó khăn về nhà ở; đồng thời chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực chăm sóc NCC.

Từ các chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự tri ân của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, những thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và NCC với cách mạng đã vượt khó vươn lên trong cuộc sống, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com