Sáng ngời tấm gương người cộng sản

07:07, 10/07/2012
Cố Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-9/7/2012)
Cố Tổng Bí thư Đảng CSVN
Nguyễn Văn Cừ
(9/7/1912-9/7/2012)

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ thuộc lớp người cộng sản đầu tiên của Đảng ta. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng năm 1928 khi mới 16 tuổi. Sau một năm đi “vô sản hoá” ở khu mỏ Quảng Ninh và tự học tập lý luận cách mạng, đồng chí được kết nạp vào Đảng. Đồng chí là người sớm tìm hiểu và giác ngộ lý luận cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhất là vai trò của công nông là chủ, là gốc cách mạng và muốn cách mạng thành công thì phải có đảng cách mạng dẫn đường, tổ chức lực lượng toàn dân làm cách mạng để đem lại lợi ích cho dân. Chính vì vậy mà Nguyễn Văn Cừ đã ra sức truyền bá những tư tưởng cách mạng vào những người thợ mỏ, giác ngộ và kết nạp họ vào Đảng. Đồng chí là một trong những người đầu tiên xây dựng các chi bộ Đảng ở vùng mỏ, làm nòng cốt và lãnh đạo phong trào công nhân mỏ.

Năm 1931 đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt, giam ở nhà tù Hoả Lò rồi đày ra Côn Đảo. Trong lao tù, đồng chí tỏ rõ là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, dù bị tra tấn dã man nhưng luôn giữ vững chí khí cách mạng, kiên cường đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc. Đồng chí đã biến nhà tù thành trường học, tự rèn luyện, đào tạo và giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho bạn tù. Cùng với một số đồng chí, Nguyễn Văn Cừ ra báo ngay trong nhà lao, chép các tài liệu lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Nguyễn Ái Quốc, cất giấu để truyền bá cách mạng.

Năm 1936, do có sự phối hợp của phong trào dân chủ ở Pháp và cuộc đấu tranh của nhân dân ta, thực dân Pháp phải trả tự do cho nhiều người cộng sản, trong đó có Nguyễn Văn Cừ. Ra tù, đồng chí lại xông pha vào cuộc đấu tranh, lãnh đạo quần chúng nhân dân trong phong trào cách mạng mới. Đồng chí mở nhiều lớp huấn luyện cho cán bộ công vận trẻ, truyền bá và giác ngộ lý luận cách mạng cho họ, khẳng định Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân, Đảng có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 3 năm 1938, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương cử Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư khi đồng chí vừa tròn 26 tuổi.

Là Tổng Bí thư những năm 1938-1941, Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến quan trọng trong lãnh đạo phong trào cách mạng. Nổi bật nhất là tổ chức Hội nghị Trung ương 6 tháng 11 năm 1939 mở ra phương hướng mới trong chỉ đạo chiến lược, đưa vấn đề giải phóng dân tộc lên trên hết và cống hiến về tư tưởng, lý luận đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tác phẩm nổi tiếng TỰ CHỈ TRÍCH.

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ có sáng tạo lớn và rất nhạy bén trước những biến động của tình hình thế giới và phong trào cách mạng Việt Nam. Chủ trì và khởi thảo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: Hiện nay tình hình có đổi mới. Đế quốc chiến tranh, khủng hoảng cùng với ách thống trị phát xít thuộc địa đã đưa vấn đề dân tộc thành một vấn đề khẩn cấp rất quan trọng… Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết. Nghị quyết Trung ương 6 nêu rõ: Mở rộng và nâng cao tinh thần dân tộc…, đặt quyền lợi dân tộc lên trên các quyền lợi khác, thống nhất lực lượng dân tộc, đó là điều kiện cốt yếu để đánh đổ đế quốc.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ

Chúng ta biết rằng đến Hội nghị Trung ương 8 tháng 5-1941 do Bác Hồ chủ trì đã đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên trên hết, càng cho thấy tư duy sắc sảo và tầm nhìn xa trông rộng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có cống hiến lớn bằng tác phẩm TỰ CHỈ TRÍCH. Đồng chí viết tác phẩm này với tinh thần tự phê bình của người đảng viên cộng sản, phải kiên định con đường cách mạng của Đảng, chống chia rẽ, bè phái trong Đảng và “bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích bôn-sơ-vích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện…”. Đồng chí nói rõ về nguyên tắc đối với người đảng viên cộng sản trong phê bình và tự phê bình: Phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển. Muốn vậy trong phê bình phải nắm vững mục đích xây dựng Đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm khuyết điểm của đồng chí mình.

Có thể nói, nguyên tắc tự phê bình và phê bình mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ nêu trong tác phẩm TỰ CHỈ TRÍCH là nguyên tắc phê bình và tự phê bình của Đảng ta, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng vững mạnh.

Trong khi cách mạng đang phải vượt lên những khó khăn và chuyển vào giai đoạn mới thì Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị bắt và quân thù đã xử bắn đồng chí vào ngày 28-8-1941. Năm ấy đồng chí mới 29 tuổi. Với 13 năm hoạt động cách mạng, trong đó 3 năm là Tổng Bí thư, với những cống hiến xuất sắc cho Đảng và cách mạng, đồng chí là một tấm gương sáng ngời của người cộng sản cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân.

Hiện nay, toàn Đảng đang thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng, trong đó giải pháp hàng đầu là thực hiện tự phê bình và phê bình và cấp trên làm trước và làm gương để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để tạo bước chuyển biến thật sự đối với công tác xây dựng Đảng, góp phần thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, sử dụng vũ khí sắc bén và hiệu quả là tự phê bình và phê bình, mỗi người đảng viên dù ở cương vị nào, các tổ chức Đảng từ chi bộ lên đến cấp cao, nên ôn lại và quán triệt sâu sắc tác phẩm TỰ CHỈ TRÍCH, ra sức làm tròn trách nhiệm của người đảng viên mà tổ chức đảng giao phó, thật thà tự phê bình và phê bình, tự giác phấn đấu và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để tiến bộ không ngừng, giữ vững và xứng đáng với danh hiệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam./.

TS Phạm Văn Khánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com