Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc hội nước ta đã được bầu cử qua cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 và đã thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 9-11-1946, đạo luật cao nhất về mặt pháp lý. Ngay từ lời nói đầu, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định "Đảm bảo các quyền tự do, dân chủ”; Điều 1 nêu rõ: "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Tinh thần này đã xuyên suốt trong quy định của pháp luật, từ Hiến pháp, các bộ luật cho đến các văn bản dưới luật từ trước đến nay.
Một trong những hoạt động thể hiện quyền giám sát của đại biểu QH, của dân là chất vấn. Ảnh: Internet |
Có thể nói, giám sát là một nội dung trong những quyền quan trọng của dân. Pháp luật từ những văn bản chung cho đến những văn bản riêng, từ gián tiếp cho đến trực tiếp đã quy định về vấn đề này. Từ những quy định về quyền của đại biểu Quốc hội cho đến những quy định trong Quy chế dân chủ ở cơ sở, hay trong Nghị quyết liên tịch về giám sát cán bộ, đảng viên ở cơ sở…
Với đại biểu Quốc hội, luật pháp đã quy định khá nhiều trong các văn bản, để khẳng định quyền của cơ quan quyền lực cao nhất, của những người đại biểu đại diện cho dân. Điều 97 Hiến pháp 1992 quy định: "Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước”. Một trong những hoạt động thể hiện quyền giám sát của đại biểu Quốc hội, của dân là chất vấn. Điều 2, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 nêu: "Chất vấn là một hoạt động giám sát, trong đó đại biểu Quốc hội nêu những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao và yêu cầu những người này trả lời”. Như vậy có thể nói, pháp luật đã có quy định về quyền giám sát - một quyền rất lớn của dân thông qua đại biểu Quốc hội. Chất vấn là một trong những công cụ quan trọng của đại biểu Quốc hội thực hiện quyền của dân trao cho. Đại biểu phải làm tròn trách nhiệm trước nhân dân. Không chỉ trong nghị trường mà cả trong hoạt động đời sống xã hội.
Lâu nay, trên thực tế, đã có rất nhiều đơn thư tố cáo, những phản ánh của cử tri, của nhân dân được gửi đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, nhất là đại biểu Quốc hội. Thực tế, những đơn thư tố cáo, phản ánh của người dân cũng thể hiện một sự giám sát trực tiếp của dân, bên cạnh với việc giám sát gián tiếp thông qua người đại diện cho mình - đại biểu Quốc hội, HĐND. Tuy nhiên, có thể nói, việc các đại biểu dân cử chủ yếu mới chỉ thực hiện chủ yếu qua các văn bản "kính chuyển”, mà chưa trực tiếp "xông” vào cuộc, chất vấn, làm rõ vấn đề để cùng người dân thể hiện quyền của mình. Ngay hoạt động giám sát - chất vấn tại Quốc hội, nhiều khi cũng chỉ "sôi” lên chút ít và dừng lại ở cửa nghị trường. Đề án "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” năm 2010, cũng đã thẳng thắn nhận xét: "Năng lực giám sát của các cơ quan của Quốc hội so với yêu cầu, nhiệm vụ còn hạn chế”; "trình độ chuyên môn, kỹ năng về giám sát nói chung và giám sát về lĩnh vực của một số đại biểu Quốc hội còn hạn chế…”...
Để thực hiện tốt quyền giám sát của dân, rất cần có các quy định cụ thể hơn về quyền giám sát; sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và các đại biểu dân cử, nhất là việc nâng cao ý thức trách nhiệm về một quyền quan trọng, cao cả của mình./.
Theo daidoanket.vn