Đảng bộ Cty CP Dệt lụa Nam Định làm theo lời Bác

07:06, 19/06/2012

Cty CP Dệt lụa Nam Định hiện có trên 400 cán bộ, công nhân với 4 nhà máy thành viên là nhà máy dệt, nhà máy nhuộm, nhà máy sợi và nhà máy se. Những năm trước đây, do thị trường khó khăn, năng lực cạnh tranh thấp nên một thời gian dài Cty rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, công nhân không có việc làm, nhiều cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề bỏ việc vì lương thấp. Tuy nhiên trong 4 năm trở lại đây, Cty đã dần khắc phục những yếu kém, từng bước phát triển, đời sống cán bộ, công nhân dần ổn định, doanh thu năm sau cao hơn năm trước.

Cán bộ kỹ thuật Cty CP Dệt lụa Nam Định kiểm tra chất lượng vải len xuất khẩu sản xuất trên dây chuyền hiện đại.  Ảnh: Xuân Thu
Cán bộ kỹ thuật Cty CP Dệt lụa Nam Định kiểm tra chất lượng vải len xuất khẩu sản xuất trên dây chuyền hiện đại. Ảnh: Xuân Thu

Theo đồng chí Nguyễn Thu Bồn, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Cty: Có được những chuyển biến tích cực đó là do trong những năm qua, Đảng bộ Cty đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công nhân. Từ khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ Cty đã coi đó là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, tạo động lực giúp đơn vị vượt qua những khó khăn, thách thức. Đảng bộ Cty đã tập trung tuyên truyền, chỉ đạo, đưa nội dung Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" vào các buổi sinh hoạt chi bộ hằng tháng; gắn các nội dung Cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị, phát động các phong trào thi đua vì mục tiêu nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, ổn định thu nhập và đời sống người lao động. Đảng uỷ, Ban Giám đốc Cty đã đẩy mạnh hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chống lãng phí, coi đó là một giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Cty. Vì vậy Cty đã đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, lựa chọn công nghệ mới, chuyển dịch từ sản xuất những mặt hàng truyền thống sang sản xuất những mặt hàng giá trị cao. Thực hiện lời Bác dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, Cty đã phát động phong trào “Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi công nhân một ý tưởng” và xây dựng nhóm hỗ trợ ý tưởng, xây dựng mục tiêu sáng kiến tiết kiệm, xác định biện pháp, phân công tổ chức thực hiện cụ thể cho từng người, từng bộ phận, tập trung thực hành tiết kiệm vào những loại nguyên liệu, vật tư, có giá trị lớn như hoá chất, thuốc nhuộm, điện, nước. Năm 2011, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã làm lợi cho Cty 609 triệu đồng; phong trào tiết kiệm đã làm lợi cho Cty 1 tỷ 317 triệu đồng; 65 cán bộ, công nhân và 3 tập thể nhà máy được khen thưởng trên 300 triệu đồng. Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, Cty đã chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực dưới nhiều hình thức như cử đi học các lớp đào tạo dài hạn, ngắn ngày trong và ngoài nước. Trong năm 2011, Cty đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, công nhân học văn hoá doanh nghiệp, cử 1 người đi đào tạo thạc sỹ, đào tạo bậc đại học 5 người, đào tạo nâng cao năng lực sản xuất cho 25 người, cử 15 người đi tham quan học tập ở nước ngoài… Bên cạnh đó, Cty đẩy mạnh hoạt động đào tạo tại chỗ như bố trí lao động giỏi kèm lao động yếu để rèn luyện nâng cao tay nghề, tổ chức các hội thi thợ giỏi cấp Cty, phổ biến những thao tác tiên tiến của những công nhân giỏi…, từ đó đưa năng suất lao động tăng từ 20 đến 30%, chất lượng sản phẩm loại A vượt từ 3 đến 5%. Qua phong trào thi đua “Lao động giỏi” đã có nhiều cá nhân trưởng thành về trình độ tay nghề. Cty có 3 đồng chí đạt danh hiệu thi đua cấp Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 2 công nhân đạt danh hiệu thợ giỏi ngành Dệt cả nước. Duy trì thị trường truyền thống là cung cấp vải trang phục cho các ngành Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Thuế…, hiện Cty đang xúc tiến để cung cấp vải may đồng phục cho Bộ Quốc phòng. Riêng trong năm 2011, Cty đã ký hợp đồng cung cấp vải may đồng phục cho các ngành với số lượng trên 1 triệu mét vải trị giá hơn 150 tỷ đồng. Cùng với việc không ngừng mở rộng thị trường trong nước, Cty tiếp tục đẩy mạnh và chú trọng đến thị trường vải xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2012, Cty đã sản xuất thành công 2 lô hàng vải len cao cấp xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, dần khẳng định được thương hiệu NASILKMEX trên thị trường. Từ một đơn vị làm ăn thua lỗ trong nhiều năm, đến nay Cty đã dần đi vào ổn định và phát triển. Năm 2011, tổng doanh thu của Cty đạt 250 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 15 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2010), tạo việc làm thường xuyên cho trên 400 lao động với mức thu nhập bình quân 3,2 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc quan tâm đến chế độ tiền lương, tiền thưởng hợp lý, đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống người lao động, Cty còn có nhiều biện pháp động viên kịp thời người có thành tích trong sản xuất và công tác như thưởng những công nhân tiêu biểu đi tham quan nước ngoài, tổ chức cho gia đình cán bộ, công nhân đi nghỉ mát…, từ đó đã tạo ra sự gắn kết người lao động với doanh nghiệp, tạo không khí thi đua lao động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm giữa các phân xưởng, các nhà máy và mỗi cán bộ, công nhân./.

Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com