Ðầu giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho tam nông giai đoạn 2006 - 2011.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. ( Ảnh: KHẮC HƯỜNG ) |
Hiệu quả đầu tư chưa cao do dàn trải
Thảo luận về vấn đề nói trên, hầu hết các đại biểu cho rằng, đầu tư công cho tam nông thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại; bảo đảm an ninh lương thực; từng bước giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Các đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) và nhiều đại biểu khác cho rằng, xác định tam nông là vấn đề lớn, có tác động đến hàng chục triệu nông dân, Ðảng và Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực này. Tuy nhiên, nhiều văn bản còn chồng chéo, chưa sát thực tế từng vùng, miền dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao. Về nguồn vốn đầu tư cho tam nông, đến nay mới đáp ứng 55% nhu cầu và chủ yếu tập trung xây dựng hạ tầng, trong khi đầu tư cho khoa học, khuyến nông đạt thấp, dẫn đến hiệu quả, chất lượng không cao. Có cùng quan điểm trên, Ðại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Ðồng) cho rằng, nguồn lực đầu tư cho tam nông rất hạn chế, trong khi đó thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, khiến nguồn vốn đầu tư cho tam nông càng khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư còn dàn trải, kéo dài, hiệu quả không cao, một số nơi còn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư, gây lãng phí, thất thoát tiền của nhà nước; công tác lập và thực hiện quy hoạch chưa sát thực tế; nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo khu vực nông thôn vẫn còn ở mức cao. Các đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang), Phùng Ðức Tiến (Hà Nam) cho rằng, đầu tư cho khoa học kỹ thuật còn thấp, đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp chưa được chú ý và các doanh nghiệp này chưa được hưởng các ưu đãi như các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ. Trong quản lý điều hành, văn bản ban hành nhiều, khiến các cấp cơ sở khó tiếp thu, trong khi đó cái cần thì không có, cái có thì không thực hiện được. Ðề cập chính sách phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp, các đại biểu Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ), Nguyễn Thanh Thụy (Bình Ðịnh) cho rằng, nguồn nhân lực cho phát triển tam nông chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Hiện nay, một lượng lớn người lao động khu vực nông thôn có xu hướng ra thành phố làm việc dẫn đến thiếu nhân lực phát triển tam nông. Do vậy, cần tăng cường phát triển nhân lực cho phát triển tam nông, thông qua chính sách tăng đầu tư phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống người dân nông dân. Một số đại biểu đề nghị, đào tạo nghề cho nông dân cần gắn với tạo việc làm ở khu vực này, nếu không sẽ lãng phí nguồn nhân lực.
Một số đại biểu cho rằng, quy định khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trong Luật Ðất đai đã gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Một trở ngại khác là thời hạn sử dụng đất theo luật đến nay đã gần hết nhưng chưa có chủ trương cụ thể, nên nông dân không mạnh dạn và an tâm đầu tư. Các đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thu Anh (Lâm Ðồng) Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Ly Kiều Vân (Quảng Trị) đề nghị, cần nhanh chóng sửa đổi Luật Ðất đai theo hướng tăng thời hạn sử dụng và tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, quy định rõ trách nhiệm về bảo vệ đất trồng lúa, cơ chế bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề và ổn định đời sống của người dân có đất bị thu hồi.
Liên quan vấn đề "đầu ra" cho sản phẩm nông nghiệp, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cho rằng, hiện nay nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, nhưng rất khó tiêu thụ tại các thị trường lớn do chưa có thương hiệu, hoặc thương hiệu chưa mạnh. Thậm chí, nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam do chưa có thương hiệu quốc tế, nên bị ép giá và khi đưa ra thị trường nước ngoài phải "núp" dưới thương hiệu của các hãng khác. Ðiều này gây thiệt thòi cho người sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng uy tín của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Ðại biểu này đề nghị, Nhà nước cần tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp mang tính quốc gia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp trong nước vươn xa ra thị trường thế giới, góp phần tăng thu nhập của nông dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Ðề cập tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhiều đại biểu cho rằng có nhiều tiêu chí rất cứng, chưa phù hợp thực tế. Các đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), Ly Kiều Vân (Quảng Trị) đề nghị, cần nghiên cứu sửa đổi các tiêu chí phù hợp thực tế và tăng tính khả thi.
Chú trọng tính đặc thù của từng vùng nông nghiệp
Ðể nâng cao chất lượng phát triển khu vực tam nông trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị QH, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan khu vực tam nông; xây dựng chính sách phát triển thị trường; tăng đầu tư cho khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp; có chính sách phù hợp phát triển vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ðại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề nghị, để đưa ra chính sách phát triển tam nông sát thực tế, cần sớm ban hành Luật Ðầu tư công, Luật Nông nghiệp, rà soát bổ sung các quy định về đất đai; khẩn trương hoàn thành tổng kết Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX của Ðảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể làm cơ sở sửa đổi Luật Hợp tác xã.
Liên quan nguồn lực đầu tư phát triển khu vực tam nông, nhiều đại biểu đề nghị Nhà nước cần có chính sách huy động nhiều nguồn lực khác từ các thành phần kinh tế, từ nhân dân cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát triển mạng lưới tín dụng nông thôn, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn với cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực tam nông. Ðại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị, cần thực hiện tốt các chương trình lồng ghép trong xây dựng mô hình nông thôn mới nhằm thu hút và phát huy nguồn lực đầu tư cho khu vực tam nông. Có chính sách tập trung, ưu tiên cho các công trình trọng điểm về hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, các thôn bản đặc biệt khó khăn. Một số đại biểu đề nghị, trong Ðề án tái cơ cấu nền kinh tế, cần dành cho nông nghiệp tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu phát triển chung, coi nông nghiệp là khâu đột phá chiến lược trong phát triển và dành nguồn đầu tư thỏa đáng cho khu vực này. Trong đó, chú trọng tập trung đầu tư cho khoa học nông nghiệp và coi đây là khâu đột phá trong phát triển tam nông.
Nhiều đại biểu lưu ý đến cơ cấu đầu tư cũng như thứ tự ưu tiên đầu tư, những vấn đề cấp thiết, liên quan trực tiếp đời sống dân sinh cần đầu tư trước. Ðại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Cạn) đề nghị, cần xác định tiêu chí cụ thể trong ưu tiên đầu tư đối với từng vùng, miền cụ thể, trong đó chú trọng vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để phân bổ nguồn vốn hợp lý. Ðại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, cần tạo cơ chế để người nông dân tham gia vào quá trình lập dự án và thực hiện đầu tư từ giai đoạn đầu, để sát với nhu cầu thực tế của người nông dân. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường dạy nghề cho nông dân; đưa ra các mô hình phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững như mô hình cánh đồng mẫu lớn và các sản phẩm nông nghiệp năng suất cao, nhằm nâng cao thu nhập từ nông nghiệp, ổn định đời sống người nông dân, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Một số ý kiến đề nghị, cần rà soát chính sách hỗ trợ người nghèo để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ những chính sách không còn phù hợp và ban hành chính sách mới sát với thực tế đời sống.
Tiếp tục tăng đầu tư cho tam nông
Trong phiên họp buổi chiều, sau khi nghe nhiều đại biểu QH phát biểu ý kiến, các bộ trưởng: Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Cao Ðức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vương Ðình Huệ, Bộ trưởng Tài chính đã phát biểu ý kiến, làm rõ thêm các vấn đề được các đại biểu quan tâm. Các bộ trưởng nói trên đều đánh giá cao Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, Bộ trưởng Giàng Seo Phử đề nghị QH, Chính phủ cần đánh giá sâu sắc hơn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, sắp tới cần tập trung đầu tư cho tam nông, trong đó đặc biệt chú ý vùng miền núi, dân tộc và rà soát chính sách hỗ trợ người nghèo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khắc phục tình trạng ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước. Bộ trưởng Cao Ðức Phát cũng nhất trí với ý kiến của nhiều đại biểu QH và kiến nghị QH tiếp tục tăng đầu tư cho tam nông, nhất là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, bộ đang xem xét phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù hợp thực tế. Ðồng thời cho biết, sẽ tăng cường quản lý quy hoạch và đầu tư, quan tâm hơn đến biến đổi khí hậu. Ðề cập những chính sách đầu tư cho tam nông, Bộ trưởng Vương Ðình Huệ cho biết, tới đây việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước sẽ thực hiện theo hướng tăng chi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện ưu tiên thông qua các chính sách thuế như thuế giá trị gia tăng; ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ người nghèo và một số chính sách hỗ trợ khác.
Theo: nhandan.com.vn