Tạo điều kiện phát triển kinh tế HTX
Buổi sáng, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi, hầu hết các đại biểu phát biểu ý kiến cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật HTX như trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH. Về bản chất HTX, các đại biểu: Châu Thị Thu Nga (Hà Nội), Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác định nghĩa, HTX là tổ chức kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân, tự chủ và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, được quản lý dân chủ, trên cơ sở các thành viên tự nguyện thành lập, hợp tác giúp đỡ nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên như trong Dự thảo Luật là xu thế phát triển chung, đáp ứng nhu cầu xã hội. Ðịnh nghĩa này đã bao gồm đủ nội hàm, đáp ứng yêu cầu chung của lợi ích tập thể, mang lại lợi nhuận, tăng thu nhập và việc làm cho các thành viên HTX. Tại nhiều nước, mô hình HTX phát triển cùng mô hình kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân.
Linh mục Lê Ngọc Hoàn, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến tại hội trường. |
Tuy nhiên, trình bày quan điểm của mình, các đại biểu Hồ Thị Thu Thủy (Vĩnh Phúc), Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, Dự thảo Luật nêu HTX là một tổ chức kinh tế tập thể, nhưng bản chất lại như một doanh nghiệp. Ðại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, không thể coi HTX là loại hình doanh nghiệp đặc thù, vì nếu là doanh nghiệp thì không nhất thiết cần điều chỉnh Luật HTX, mà cần điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp.
Chung quanh các nội dung về chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước (Ðiều 7), một số đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định chính sách ưu đãi thuế đối với các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, vùng, miền, địa bàn, khu vực đặc thù... của từng HTX, không nên quy định chính sách ưu đãi chung đối với tất cả các loại hình HTX và chỉ quy định riêng đối với HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Cho rằng Dự thảo Luật chưa bảo vệ quyền lợi chính đáng của những đối tượng yếu thế, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cho rằng, có những doanh nghiệp núp bóng HTX để trục lợi, vì theo quy định, Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển đối với HTX... Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp; HTX, liên hiệp HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn, dân tộc, miền núi về đất đai, tài chính, tín dụng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Vì vậy, Dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ, rõ ràng với các đối tượng tham gia HTX, tránh sự lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để trục lợi.
Xây dựng đội ngũ luật sư có đức, có tài
Trong phiên làm việc buổi chiều tại hội trường, các đại biểu QH thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Góp ý dự án luật này, đa số đại biểu QH nhất trí các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện chế định luật sư, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam.
Về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư, một số ý kiến cho rằng, người làm luật sư phải hiểu biết rộng, có kiến thức tranh tụng trước phiên tòa, do vậy cần phải có giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ luật sư, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư. Ðại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị, với những người từng là trợ giúp viên pháp lý khi chuyển sang làm luật sư sẽ được miễn đào tạo. Cùng với việc mở rộng đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư, một số ý kiến đề nghị phải nâng cao hơn nữa chất lượng đầu vào của luật sư, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, trình độ của luật sư là phải tốt nghiệp đại học luật hệ chính quy, đồng thời cần bổ sung thêm một số tiêu chuẩn khác để luật sư có thể đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ðại biểu Ðặng Công Lý (Bình Ðịnh) nêu ý kiến: Về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư, các đối tượng như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên đã có thời gian công tác được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trải qua thực tiễn công tác nhất định, thì dự thảo luật không nên quy định phải có thời gian năm năm trở lên giữ các chức danh đó mới miễn đào tạo nghề luật sư.
Về các trường hợp đã bị kết án không được hành nghề luật sư, có ý kiến cho rằng, quy định như Dự thảo Luật là phù hợp vì với tính chất đặc thù của hoạt động luật sư thì tư cách đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và uy tín của luật sư trong đời sống xã hội là yếu tố quan trọng.
Tuy nhiên, có một số đại biểu không đồng tình với quan điểm này. Ðại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị: Việc cấm hoạt động nghề nghiệp đối với những người bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi đã được xóa án tích, là chưa phù hợp chính sách của Nhà nước ta. Người phạm tội khi đã được xóa án tích thì coi như chưa can án, chưa phạm tội. Do đó, tôi đề nghị bỏ quy định này trong Dự thảo Luật.
Về quy định cho phép viên chức được hành nghề luật sư, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo luật và cho rằng, những viên chức đang giảng dạy pháp luật trong các trường vẫn thuộc diện được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định này sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp.
Về hành nghề và phạm vi hành nghề, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cho rằng: Luật Công chức, viên chức cho phép giảng viên được tham gia hành nghề. Bên cạnh đó, về việc cấp thẻ hành nghề, luật sư là thành viên của liên đoàn nên có quyền yêu cầu liên đoàn cấp thẻ và họ bình đẳng như nhau trên cả nước, không phân biệt được cấp ở Liên đoàn Luật sư nào. Việc cấp thẻ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam hiện đang vận hành tốt, không cần thay đổi.
Theo nhandan.com.vn