Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham dự tại Kỳ họp. |
Tại phiên thảo luận, phần lớn ý kiến đại biểu cho rằng, trong điều kiện kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, việc điều hành của Chính phủ để đạt 15 trên tổng số 22 chỉ tiêu đề ra là sự cố gắng lớn và trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị. Trong đó, đáng chú ý là giữ được tốc độ tăng trưởng khá, lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu tiếp tục tăng, đặc biệt an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm bảo đảm...
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, tình trạng khó khăn của doanh nghiệp đang trực tiếp tác động đến chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế khiến nhiều đại biểu lo ngại. Ðại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho biết, tại Hòa Bình tính đến hết tháng 5-2012, đã có 847/2.118 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ phải giải thể, ngừng hoạt động, chiếm tỷ lệ gần 40%. Các doanh nghiệp gặp khó khăn hiện nay chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực vận tải, xây dựng cơ bản, các doanh nghiệp mới thành lập, chưa thể thu hồi vốn trong khi hằng tháng vẫn phải trả lãi suất ngân hàng cao. Ðại biểu này đề nghị, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp cứu doanh nghiệp bằng các hình thức như hoãn, giãn, miễn, giảm thuế, có giải pháp kích cầu tiêu thụ hàng hóa. Ðồng thời, để giảm bớt áp lực cho ngân hàng, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương thành lập ngay Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Nghị định 138 của Chính phủ, Quỹ bảo lãnh tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Quyết định 193 của Chính phủ.
Ðại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, Chính phủ cần kiểm tra, thanh tra chặt chẽ việc thành lập doanh nghiệp. Ðồng thời, cần chấm dứt tình trạng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư ra ngoài ngành không hiệu quả. Rà soát, đánh giá phân loại doanh nghiệp tại các địa phương, đối với doanh nghiệp có khả năng phát triển tạo điều kiện cho vay hay giãn nợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kiên quyết dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp yếu kém...
Các đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Bùi Ðức Thụ (Lai Châu) đồng tình với gói 29.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ. Giải pháp này sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng cũng như giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, cần phải theo dõi sát thị trường để điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, khắc phục tình trạng "thắt quá chặt rồi nới quá nhanh" dễ dẫn lạm phát quay trở lại làm mất ổn định kinh tế vĩ mô... Ðại biểu Trần Du Lịch cho rằng, sau kỳ họp thứ ba này, Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Quan tâm đề cập lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, thực trạng doanh nghiệp hiện nay, các đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Lê Thị Yến (Phú Thọ), Phạm Quang Khải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số đại biểu khác, đề nghị Chính phủ chú trọng hơn nữa tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trên toàn quốc, kiên quyết giảm các ngân hàng nhỏ, lẻ, hoạt động manh mún, gây rối loạn hệ thống tiền tệ, tín dụng. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cần giám sát ngân hàng chặt chẽ hơn nữa và cần xem xét, thận trọng hơn đối với các chính sách tín dụng...
Tiếp tục các chính sách bảo đảm an sinh xã hội
Vấn đề bảo đảm an sinh xã hội được nhiều đại biểu quan tâm. Ðại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ, trong chỉ đạo phát triển kinh tế phải gắn với đầu tư bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là giúp người nghèo thoát nghèo một cách bền vững. Ðại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cho rằng, năm 2011, cả nước đạt được kết quả 2,5% giảm nghèo, là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong chính sách giảm nghèo hiện còn mang tính bao cấp lớn. Do vậy, chính sách dành cho người nghèo cũng cần phải xem xét lại, cần đánh giá từng nguyên nhân cụ thể, từng đối tượng nghèo để có giải pháp tốt hơn.
Ðại biểu Ya Duck (Lâm Ðồng) cho rằng, việc thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đang bộc lộ một số bất cập, đưa ra nhiều mục tiêu phấn đấu cao, nhiều tiêu chí cần đạt được trong khi nguồn vốn bố trí của các huyện quá thấp, chưa cân đối với mục tiêu, chỉ tiêu và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ðề nghị Chính phủ không cắt giảm đầu tư công đối với các huyện nghèo. Ðồng thời, giao cho Ủy ban Dân tộc làm nhiệm vụ thường trực Chương trình 30a trong giai đoạn tiếp theo và Chương trình 135 giai đoạn 3 khi được phê duyệt để bảo đảm đồng bộ và nhất quán trong những chính sách liên quan đồng bào các dân tộc ở các vùng này.
Ðại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm ngân sách Nhà nước để giải quyết dứt điểm việc xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, gia đình có công, hỗ trợ cuộc sống cho người có công, người nghèo và đối tượng bảo hiểm xã hội, có hệ số lương khác nhau ở các thời điểm khác nhau đối với cán bộ hưu trí để tránh tình trạng chênh lệch.
Trăn trở trước vấn nạn tham nhũng, thất thoát, lãng phí
Nhiều đại biểu QH đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm soát các hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Ðồng thời, có các giải pháp kiên quyết, mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng tình hình thực tế khó khăn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được nhà nước giao sử dụng vốn tài sản nhà nước, tuy nhiên, cơ chế quản lý, trách nhiệm của các bên liên quan chưa rõ ràng, chưa có đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể khi xảy ra sai sót khó quy trách nhiệm.
Ðại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhấn mạnh: Tình trạng tham nhũng có mặt khắp nơi, với nhiều "mặt nạ", nhiều "vỏ bọc" khác nhau, thách đố kỷ cương phép nước. Ðất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ... là "khu trú" của tham nhũng, là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng nảy nở, phát triển. Vì thế, cần phải có bộ máy chống tham nhũng tinh thông, tinh nhuệ, chuyên nghiệp, phải có những cán bộ công minh, trong sáng, để tuyên chiến với nạn tham nhũng. Ðại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) nhấn mạnh mối quan hệ "xin - cho" đang ngày càng trầm trọng và gây tác hại lớn cho điều hành đất nước, phá hoại những giá trị xã hội, tạo nên hiện tượng đáng quan ngại không chỉ là những vụ tham nhũng và thất thoát lớn, mà còn gây mất lòng tin trong nhân dân...
Tại phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã giải trình chung quanh những ý kiến mà đại biểu quan tâm, về các nội dung liên quan công tác thanh tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tập trung là các tập đoàn, tổng công ty và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân. Theo đó, ngành thanh tra thực hiện nhiệm vụ được QH và Chính phủ giao, từ những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012 đã tổ chức thực hiện nhiều cuộc thanh tra. Trong đó có năm đơn vị thuộc tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Sông Ðà, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Viettel và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Theo kết quả thanh tra, đã phát hiện vi phạm của các tập đoàn và tổng công ty này lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Ðại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) và một số đại biểu QH khác nêu tình hình KNTC năm 2011 và bốn tháng đầu năm 2012 có xu hướng tăng lên về số lượng và diễn biến phức tạp. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, các ngành chức năng cần sớm tổng kết, đánh giá, sửa đổi chính sách, pháp luật và đề ra các giải pháp giải quyết triệt để hơn. Ðề cập vấn đề này, lãnh đạo Tổng Thanh tra cho biết: Từ tháng 9-2011 đến nay, tình hình KNTC trong cả nước giảm cả ba mặt - số đơn, số lượt người và số lượng công dân cũng như số đoàn đông người. Tuy nhiên, tình hình KNTC rất gay gắt, phức tạp, trong đó một số trường hợp quá khích, chống đối chính quyền.
Các thành viên Chính phủ khác: Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã tham gia giải trình chung quanh những nội dung được các đại biểu QH quan tâm.
Theo: nhandan.com.vn