Gói hỗ trợ về thuế giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Buổi sáng, sau khi nghe Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ đọc Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường năm 2012 và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, các đại biểu QH trong thảo luận đã thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết.
Với việc giảm, miễn 30% thuế doanh nghiệp, đa phần các đại biểu phát biểu ý kiến đều đồng ý với đề xuất của Chính phủ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng như trong tờ trình. Ðại biểu Ðỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Ðồng) và một số đại biểu khác cũng đề nghị xem xét lại cách xếp hạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng chính sách, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp và đề nghị xem xét cơ cấu lại nợ của các doanh nghiệp không thuộc diện thụ hưởng chính sách này để tránh cho các doanh nghiệp phải phá sản. Ðồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng nhắc lại đề nghị của mình trong các phiên họp trước, là nếu chưa sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì Nghị quyết của QH nên có một ý nào đó để có một thông điệp rằng, từ đầu năm 2013, Nhà nước sẽ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% để tạo sức cạnh tranh và tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Ðại biểu QH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: AN THÀNH ÐẠT |
Hầu hết ý kiến đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về chính sách miễn, giảm thuế khoán đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với các cá nhân, hộ kinh doanh theo tờ trình. Vì đối tượng thụ hưởng là những người lao động hưởng lương thấp, những người nghèo và động viên nhiều hộ cá nhân đang kinh doanh nhỏ lẻ, cung cấp dịch vụ giá rẻ cho công nhân lao động. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, sẽ bất hợp lý khi áp dụng chính sách này lại quy định với các đối tượng được miễn giảm với điều kiện phải giữ mặt bằng giá dịch vụ của năm 2011, bởi thực tế đây là lúc mức giá đang cao.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu có ý kiến về việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 và giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng trên một số lĩnh vực. Ðại biểu Ðỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, đây là những biện pháp gián tiếp kích cầu tiêu dùng có tác động tích cực đối với việc giảm hàng tồn kho của các doanh nghiệp hiện nay, góp phần thiết thực hơn trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường cho các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Cũng trong buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ QH khóa XIII. Các đại biểu QH tán thành với đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Trong đó, nhất trí cao với việc bổ sung dự án Luật Việc làm, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư. Ðồng thời, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH về việc giải quyết các bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH giữ dự án Luật Ðất đai (sửa đổi) trong Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư theo đúng Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Nhiều ý kiến đề nghị chuyển dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) từ Chương trình năm 2013 lên Chương trình năm 2012 nhằm sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI. Tiếp thu nhiều ý kiến nói trên của các đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị bổ sung dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2012 để trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2012) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Ðầu tư (sửa đổi), Luật Ban hành quyết định hành chính vào Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho bổ sung các dự án này vào Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII. Ðồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu QH để bảo đảm sự đồng bộ với việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị bổ sung dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) vào Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII; đồng thời, đề nghị đưa dự án này vào Chương trình năm 2013 để cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ năm...
Ða số ý kiến của các vị đại biểu QH tán thành với định hướng lập Chương trình và dự kiến các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 như nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Lê Minh Thông trình bày dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ QH khóa XIII. Theo đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 gồm 32 dự án luật, bốn dự án pháp lệnh trong Chương trình chính thức và 18 dự án luật trong Chương trình chuẩn bị.
Cuối buổi sáng, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ QH khóa XIII.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Nhiều đại biểu phát biểu ý kiến cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH và Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Luật Quản lý thuế được QH thông qua ngày 29-11-2006 đã tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế. Việc sửa đổi, bổ sung một số Ðiều của Luật Quản lý thuế nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, đẩy mạnh hậu kiểm, có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, đáp ứng yêu cầu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời cho NSNN. Hơn nữa, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, và tăng cường kiểm tra, thanh tra, quản lý chặt chẽ nguồn thu, hạn chế thất thu và nợ đọng thuế. Bên cạnh đó, góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa ngành thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về một số nội dung cụ thể được nêu trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Ðiều của Luật Quản lý thuế. Về nguyên tắc, quản lý thuế (nêu trong khoản 4, khoản 5 Ðiều 4), nhiều đại biểu cho rằng, các quy định về quản lý rủi ro, tiêu chí xếp hạng ưu tiên để áp dụng biện pháp thuận lợi đối với người nộp thuế là nội dung quan trọng nhưng lại giao Chính phủ quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật là chưa hợp lý. Do đó, đề nghị quy định cụ thể các nội dung này trong Luật.
Với các nội dung liên quan nghĩa vụ của người nộp thuế trong ứng dụng công nghệ thông tin (đề cập trong Khoản 10 Ðiều 7), có đại biểu cho rằng, quy định của Dự thảo luật chưa bảo đảm chặt chẽ, chưa làm rõ thế nào là "trường hợp người nộp thuế đủ khả năng để ứng dụng công nghệ thông tin", dẫn đến không có căn cứ để áp dụng. Cho ý kiến về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, thời hạn bảo lãnh (Khoản 3 Ðiều 42), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ căn cứ để quy định thời hạn bảo lãnh đối với từng loại hàng hóa. Hơn nữa, cần rút ngắn thời hạn bảo lãnh đối với hàng gia công xuất khẩu, cần xem xét việc áp dụng ân hạn thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, nếu không có thể làm tăng chi phí và gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Liên quan các nội dung về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế (Ðiều 60) cũng như các nội dung liên quan nghĩa vụ của người nộp thuế, vấn đề cải cách hành chính trong ngành thuế đã được các đại biểu: Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), Trần Quang Chiểu (Nam Ðịnh), Thân Ðức Nam (TP Ðà Nẵng)... quan tâm. Một số đại biểu cho rằng, đối với trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau, Luật hiện hành chưa quy định sau thời hạn bao lâu kể từ khi hoàn thuế thì cơ quan quản lý thuế phải tiến hành kiểm tra. Nội dung trong điều khoản của Ðiều 60 của Dự thảo luật chưa rõ ràng, có thể dẫn đến những vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Liên quan vấn đề xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn (Ðiều 106, Ðiều 107), theo ý kiến một số đại biểu, mức xử phạt được quy định trong Dự thảo luật chưa có sự phân biệt dựa trên tần suất và mức độ vi phạm, dẫn đến chưa bảo đảm công bằng. Ðề nghị bổ sung quy định về chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng mức phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm, có hành vi vi phạm tái diễn nhiều lần, mức độ vi phạm lớn. Ðại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị cần nghiên cứu phương án thành lập một cơ quan điều tra về thuế thuộc Tổng cục Thuế và một cơ quan điều tra về lĩnh vực thuế trực thuộc Bộ Công an.
Theo: nhandan.com.vn