Phê bình phải có nội dung, địa chỉ rõ ràng

07:06, 15/06/2012

Nghị quyết TW 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đề ra bốn nhóm giải pháp. Trong đó, nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ cấp trên là xuyên suốt và quan trọng nhất. Nhiều lần, chúng ta đã khẳng định tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, là quy luật phát triển của Đảng. Lần này càng phải nhấn mạnh điều đó, để tự phê bình và phê bình trở thành tính tự giác của cán bộ, đảng viên, trở thành chế độ thường xuyên trong sinh hoạt của Đảng.

Trước hết, các tổ chức Đảng, từng cán bộ, đảng viên cần nhận thức thống nhất về mục đích của tự phê bình và phê  bình là góp ý, nói thẳng, nói thật, chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của bản thân và đồng chí mình, rồi cùng bàn cách khắc phục; là đấu tranh chống những quan điểm sai trái, những việc làm sai nguyên tắc của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Đấu tranh tự phê bình và phê bình hoàn toàn không phải do nội bộ mất đoàn kết, mà đó là mục đích tạo sự thống nhất trong Đảng, cùng phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nội dung tự phê bình và phê bình lần này là tập trung kiểm điểm ba vấn đề cấp bách đã nêu trong Nghị quyết: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, như quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ, tình trạng một số trường hợp bố trí cán bộ không đúng, ảnh hưởng sự phát triển của ngành, địa phương; những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách"; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị,...

Về phương pháp, nên kiểm điểm, tự phê bình bản thân mình trước rồi mới đến đồng chí của mình, trên tinh thần xây dựng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Những biểu hiện tiêu cực như: chỉ nghiêng về vạch khuyết điểm của người khác theo kiểu "bới lông, tìm vết" để tìm cách hạ bệ nhau, làm giảm uy tín của nhau; chỉ nghiêng về phê bình người khác mà không nghiêm khắc tự phê bình mình, chỉ nhấn mạnh ưu điểm khi "phê bình cấp trên" theo kiểu tâng bốc, nịnh hót thực chất là biểu hiện cơ hội, hoàn toàn trái với nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng. Tự phê bình và phê bình cần cụ thể, thiết thực và kịp thời, có nội dung, địa chỉ rõ ràng, chỉ ra được cái đúng, chỗ sai, nguyên nhân của những vấn đề đó và phương hướng khắc phục, phải gắn với điều kiện cụ thể của từng tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên. Công việc này phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Nếu không làm như vậy thì khuyết điểm ngày càng tăng, tích tụ ngày càng nhiều, ngược lại ưu điểm cũng không được phát huy, có khi bị khuyết điểm lấn át. Những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tham ô, tham nhũng, vi phạm tư cách đảng viên, nguyên nhân suy cho cùng là do không thường xuyên tự phê bình và tiếp thu phê bình. Và nếu không kịp thời, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm thì cũng như giấu bệnh trong người, để bệnh ngày càng nặng, càng nguy hiểm hơn.

Trên thực tế, không ít người sợ bị phê bình và ngại phê bình người khác. Khen thì dễ nhưng phê bình, chỉ ra yếu kém, khuyết điểm của người khác lại không đơn giản. Đó là điều mà cán bộ, đảng viên cần tự vượt lên chính mình và người đứng đầu phải tiền phong gương mẫu để cán bộ cấp dưới noi theo. Có tự phê bình và phê bình thì dân chủ trong Đảng mới thật sự được phát huy, từ đó mới có nhiều sáng kiến cho việc xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Khi tự phê bình và phê bình trong tập thể tổ chức Đảng cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, nhưng tránh tình trạng, hễ có khuyết điểm thì trách nhiệm thuộc về tập thể, còn thành tích lại là công của các đồng chí lãnh đạo, không phân rõ nhiệm vụ, quyền hạn đến đâu. Kiểm điểm tập thể phải căn cứ vào việc nghị quyết đã ban hành thực hiện đến đâu, vì sao còn khuyết điểm, còn những việc không thực hiện được và trách nhiệm ấy thuộc về ai.

Quá trình tiến hành công việc này nhất thiết cần có sự kết hợp chặt chẽ từ trên xuống và từ dưới lên, đồng thời hoan nghênh quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này nếu làm chưa đạt thì yêu cầu làm lại. Kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của quần chúng là biện pháp khắc phục tốt nhất những khuyết điểm của tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ và đảng viên. Việc phê bình của quần chúng đối với Đảng là cung cấp thông tin quan trọng và cần thiết để tổ chức Đảng nghiên cứu, xem xét, đánh giá hoạt động của mình, cũng như phẩm chất năng lực của cán bộ, đảng viên.

Để Nghị quyết TW 4, khóa XI về xây dựng Đảng đạt được kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tự phê bình và phê bình rất quan trọng, cần gương mẫu và khuyến khích người khác phê bình mình, tránh tư tưởng quy chụp, trù dập, gia trưởng, độc đoán. Đối với cán bộ thuộc quyền khi phê bình người trực tiếp phụ trách cần trung thực, thẳng thắn, không bao che, không phê bình theo kiểu "cơ bản là ưu điểm, khuyết điểm là do cơ chế, do điều kiện khách quan,...". Với tư cách là chủ thể trong tự phê bình và phê bình, mỗi đảng viên là nhân tố quan trọng để công việc này mang lại hiệu quả. Nếu mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân sẽ rất nguy hiểm, có khi trước mặt không nói, hoặc nói qua loa, chiếu lệ, nhưng sau lưng thì gay gắt, thậm chí nói xấu, bôi nhọ đồng chí, đồng đội của mình với ý đồ không tốt. Trong tự phê bình và phê bình, ngoài việc giúp tổ chức Đảng tốt hơn, tiến bộ hơn thì điều quan trọng là qua đó, bản thân mình cũng tiến bộ không ngừng. Do vậy, phải có động cơ trong sáng, vì lợi ích của Đảng, của nhân dân, chứ không phải để lo cho lợi ích cá nhân mình. Cuộc sống luôn vận động. Vì thế, nếu quan niệm "tâm", "đức" là cái gốc rễ sức sống của tổ chức, của mỗi người thì tự phê bình và phê bình là quá trình trao đổi thường xuyên giúp cho tổ chức không ngừng củng cố, giúp người có khuyết điểm tiến bộ hơn lên, người tiến bộ thì tiến bộ mãi.

Thực hiện tự phê bình và phê bình cần đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những tổ chức Đảng, đảng viên không thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị và hướng dẫn của Đảng về chế độ sinh hoạt này, nhất là những người có thái độ thành kiến, trù dập người phê bình; phải có biện pháp bảo vệ người phê bình đã dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; mặt khác phải có biện pháp cụ thể buộc người có khuyết điểm, bị phê bình phải sửa chữa khuyết điểm.

Tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều diễn biến phức tạp, thuận lợi là cơ bản nhưng thách thức cũng không nhỏ; thời cơ, nguy cơ đan xen nhau; nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng, nhất là trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt ra cho Đảng ta và toàn bộ hệ thống chính trị nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình vừa là vấn đề cấp bách, bảo đảm những yêu cầu trước mắt của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài trong tiến trình đổi mới, nhằm xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com