Ngày 2-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (giai đoạn 2008-2011). Cùng chủ trì, có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Tham dự hội nghị, có đại diện lãnh đạo Văn phòng TW Đảng, Ban Tuyên giáo TW, Ủy ban Kiểm tra TW, Ban Dân vận TW, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội, các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội; Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo các bộ, ngành TW, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam... và đầu cầu các địa phương trong cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Báo cáo tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Từ năm 2008 đến 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 1.571.505 lượt người đến khiếu nại, tố cáo (KNTC) và tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư. Số lượng công dân KNTC ngày càng tăng cả về số đoàn đông người và số vụ việc (từ 187.037 vụ việc, 2.466 lượt đoàn năm 2008 tăng lên 236.466 vụ việc, 4.056 lượt đoàn năm 2011). Về tính chất, mức độ phức tạp mặc dù so những năm 2006-2007, tình hình KNTC từ năm 2008-2011 ở một số địa bàn có giảm, nhưng về tổng quan thì tình hình KNTC diễn biến phức tạp và bức xúc ở nhiều nơi, có lúc, có nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế, KNTC vượt cấp lên TW gia tăng; tình trạng đơn thư gửi tràn lan mang tính phổ biến, nhất là trong các dịp có sự kiện chính trị (họp TW, Quốc hội, Đại hội Đảng...). Nội dung khiếu nại của công dân tập trung chủ yếu liên quan đất đai (hơn 70%), trong đó tập trung nhiều nhất là khiếu nại bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; khiếu nại đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai trong nhân dân qua các thời kỳ nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; khiếu nại về nhà ở, chính sách xã hội... Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ mất dân chủ, lợi dụng chức quyền để tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, trù dập người khiếu kiện, bao che cán bộ quản lý dưới quyền...
Về kết quả xử lý đơn thư KNTC, các cơ quan hành chính nhà nước giải quyết 257.419 đơn trong tổng số 290.565 đơn thuộc thẩm quyền (đạt hơn 88%). Phân tích cho thấy, số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%; số vụ khiếu nại có đúng, có sai chiếm 28%; khiếu nại sai chiếm 52,2%. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 33.160 đơn tố cáo trong tổng số 39.107 đơn thuộc thẩm quyền (đạt hơn 84%). Có 16,2% số đơn tố cáo đúng, 29,6% số đơn tố cáo có đúng, có sai, 54,2% số đơn tố cáo sai. Kết quả giải quyết KNTC đã thu hồi về cho Nhà nước gần 1.026 tỷ đồng, 1.241ha đất; khôi phục quyền lợi cho 6.659 công dân với số tiền 595 tỷ đồng và 936ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.951 người; chuyển cơ quan điều tra 239 vụ với 382 người. Thực hiện Kế hoạch 319/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, ra văn bản giải quyết dứt điểm được 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài nhiều năm, hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến KNTC, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác tiếp công dân (CTTCD), giải quyết KNTC trong năm 2012 là: Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền KNTC; chủ động, kịp thời xử lý các vụ việc KNTC, đặc biệt là các vụ việc đông người, gay gắt, phức tạp; kiểm soát tốt tình hình KNTC, bảo đảm quyền dân chủ của công dân, nhưng không để xảy ra "điểm nóng"; đối với các vụ việc phát sinh mới tập trung giải quyết đạt hơn 85%. Tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực thi hành. Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu: tăng cường quản lý đất đai, hạn chế phát sinh KNTC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả CTTCD, giải quyết KNTC; củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan tiếp công dân, giải quyết KNTC; bảo đảm an ninh, trật tự trong giải quyết KNTC; tăng cường phối hợp giữa TW và địa phương trong giải quyết KNTC; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Tại hội nghị, các tham luận của Bộ TN và MT, Bộ Công an, Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo các địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên, Sơn La, Lâm Đồng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... nhất trí cao với báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng thời nêu bật nhiều kết quả thực hiện CTTCD, giải quyết KNTC của công dân tại các bộ, ngành, địa phương, nêu rõ những khó khăn, bất cập, những bài học kinh nghiệm rút ra, từ đó kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhiều giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng các công tác này.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại hội nghị rất thiết thực, đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tiếp thu để hoàn thiện báo cáo, nhất là hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, nâng cao hiệu quả CTTCD, giải quyết KNTC dự kiến được ban hành thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ quán triệt các Nghị quyết, kết luận và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và các ngành quan tâm, tích cực thực hiện CTTCD, giải quyết KNTC của công dân, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Nhờ đó, công tác này thời gian qua đạt kết quả tích cực, góp phần vào thành tựu phát triển chung của đất nước, cải thiện đời sống nhân dân, ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch đến Việt Nam...
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nghiêm túc nhìn nhận: Việc khiếu nại của công dân từng lúc, từng nơi còn nhiều sự việc diễn biến phức tạp, tồn đọng, kéo dài, phát sinh mới tăng lên. Nếu chúng ta chủ quan, xem thường, không tập trung giải quyết thì đây là nguy cơ gây mất ổn định an ninh - trật tự xã hội. Nhiệm vụ đặt ra là chúng ta phải quán triệt các Nghị quyết của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, đi liền thực hiện phát triển nhanh cơ sở hạ tầng, đô thị hóa, đồng thời phải thực hiện hài hòa việc phát triển này với việc thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, ổn định chính trị xã hội.
Thủ tướng khẳng định, chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển đất nước, vì lợi ích của toàn dân, cho nên vẫn phải tiếp tục thu hồi đất theo quy hoạch, nhất là chuyển một phần đất nông nghiệp, lâm nghiệp theo đúng quy hoạch sang phát triển hạ tầng nhưng phải làm chặt chẽ theo pháp luật, hạn chế tối đa phát sinh khiếu kiện, KNTC kéo dài, phức tạp. Các quy hoạch phải được thẩm định chặt chẽ, công khai để người dân biết, không tùy tiện lập quy hoạch. Từ khâu quy hoạch, đến quyết định phương án thu hồi đất, đền bù, tái định cư phải được thẩm định, sát thực tế, dân chủ, công khai đúng quy trình, pháp luật, chăm lo đời sống nhân dân để nhận được sự đồng thuận của người dân. Một bộ phận người dân không đồng tình vì lợi ích riêng thì chúng ta cũng phải nỗ lực vận động, giáo dục, tuyên truyền để họ thực hiện vì lợi ích chung. Trường hợp phải cưỡng chế thì cũng phải có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật, không được sử dụng vũ khí, không để xảy ra thương vong, không được sử dụng lực lượng quân đội vào việc cưỡng chế. Các cấp chính quyền phải vận dụng linh hoạt trong cưỡng chế về cách thức, thời điểm, coi phương pháp vận động là chính, có phương án rõ ràng, công khai dân chủ, nhân dân bàn bạc, cả hệ thống chính trị tham gia.
Đối với việc thu hồi đất để làm các khu kinh tế, công nghiệp, đô thị... Thủ tướng hết sức lưu ý phải làm chặt chẽ, thận trọng, có phương án rõ ràng. Khiếu kiện về đất đai chiếm phần lớn do có nhiều nguyên nhân cả về lịch sử, chính sách thay đổi, có cái còn bất cập, chưa phù hợp, quá trình thực hiện còn thiếu sót, lúng túng, cán bộ thừa hành không làm đúng quy định, cũng có nguyên nhân do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế... Do đó, chúng ta cần tổng kết, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư, người dân...
Với tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng, các cấp, các ngành phải làm tốt, hiệu quả CTTCD, giải quyết KNTC. Đối với 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tập trung chỉ đạo sâu sát, cụ thể từng vụ việc, hoàn thiện hồ sơ, đề xuất hướng xử lý với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, bảo đảm quyền dân chủ, chăm lo đời sống thiết thực của người dân, coi đây là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng. Công khai kết quả đầy đủ, nhất quán trên phương tiện thông tin đại chúng, nối mạng tới Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng, giảm phiền hà cho người dân, tránh tình trạng đơn thư của người dân chạy lòng vòng. Địa phương nào phát sinh khiếu kiện về đất đai thì trước hết, trách nhiệm xử lý thuộc Sở TN và MT sở tại.
Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ rà soát, hoàn thiện thể chế, quy chế phối hợp, giải quyết việc tiếp công dân, xử lý KNTC của người dân. Tại mỗi địa phương, cấp ủy, chính quyền phải chủ động nắm bắt tình hình, xử lý trước, xử lý các vấn đề tồn đọng, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người. Nếu xuất hiện những kẻ xấu, cầm đầu, kích động mang động cơ chính trị, chống đối thì các cơ quan bảo vệ pháp luật phải kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Còn đối với người dân đi khiếu kiện đông người thì phải tuyên truyền, vận động họ trở về địa phương, đưa đoàn cán bộ xuống cùng địa phương giải quyết từng vụ việc cụ thể.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ TT và TT và Ban Tuyên giáo TW phối hợp chặt chẽ, rút kinh nghiệm, phát huy những mặt tích cực để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền một cách khách quan, tạo đồng thuận trong dư luận, góp phần ổn định chính trị - xã hội./.
Theo: nhandan.com.vn