Thảo luận hai dự án luật

07:05, 24/05/2012
Ngày 23-5, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ ba. Các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Bảo đảm quyền lợi của người lao động

Trong giờ làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Thảo luận về tiền lương và mức lương tối thiểu quy định trong dự thảo Bộ luật, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung các quy định cụ thể về tiền lương như cơ cấu của tiền lương, căn cứ trả lương, chống phân biệt đối xử trong trả lương, hình thức trả lương, hệ thống thang, bảng lương, thống nhất cách hiểu về tiền lương, nguyên tắc cơ bản để trả lương và bắt buộc mức lương trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Internet
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Internet

Một số đại biểu đề nghị, tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Chính phủ phải điều chỉnh mức lương tối thiểu khi chỉ số giá sinh hoạt tăng cao làm cơ sở để các doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương kịp thời, bảo vệ người lao động, hài hòa được lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động. 

Thảo luận về các quy định liên quan các loại hợp đồng lao động, nhiều đại biểu tán thành với quy định mức trần lao động xác định thời hạn là 72 tháng, sau khi hết hạn hợp đồng, nếu người lao động vẫn đủ điều kiện làm việc tại đơn vị đó, thì đơn vị sử dụng lao động phải ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ðại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) và Lê Văn Hoàng (Ðà Nẵng) cho rằng, quy định mức trần như vậy là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay và tạo sự chủ động cho người lao động cũng như người sử dụng lao động, phù hợp với xu hướng phát triển thị trường lao động.

Về quy định chế độ nghỉ thai sản, nhiều đại biểu tán thành với quy định lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là sáu tháng. Ðại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An)  cho rằng, xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ là tiến bộ, góp phần bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là sáu tháng, theo Bảo hiểm xã hội thì Quỹ bảo hiểm xã hội có thể cân đối được. Bên cạnh đó, phương án này bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau, đề cao quyền lựa chọn của lao động nữ để phù hợp với công việc, cuộc sống của mình và bảo đảm được hưởng đầy đủ chế độ thai sản. Ðại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) và Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị, cần có quy định nghỉ thai sản đối với phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm tạo bình đẳng, vì thực tế hiện nay chưa có quy định cho những đối tượng này.

Về tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ là 55. Ðối với người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác thực hiện theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành nghề đặc thù như nghiên cứu khoa học, bác sĩ... nhưng  thời gian kéo dài không quá năm năm.

Liên quan đến quy định giờ làm thêm, nhiều đại biểu tán thành với việc bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày, 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ tối đa không quá 300 giờ trong một năm.

Tạo điều kiện để phát triển bảo hiểm tiền gửi

Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Ða số các ý kiến tán thành với dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH cũng như dự thảo luật Bảo hiểm tiền gửi. Ðồng thời đóng góp ý kiến đối với một số nội dung của dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý và dự thảo Luật.

Các đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), Ðinh Xuân Thảo (Hà Nội) và một số đại biểu khác nhất trí với Dự thảo Luật về việc chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân vì tiền nhàn rỗi của các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân đạo, từ thiện để gửi tại các tổ chức tín dụng không nhiều, đồng thời đã có những quy định cụ thể, riêng cho từng tổ chức quản lý chặt chẽ, cho nên không cần sự điều chỉnh của Luật Bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, về vấn đề này, đại biểu Tourne Drong Minh Thắm (Lâm Ðồng) cho rằng, dự thảo Luật  nên mở rộng việc bảo đảm tiền gửi đối với các tổ chức, doanh nghiệp... nhằm thu hút vốn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ða số đại biểu QH phát biểu ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, có đại biểu nêu ý kiến, nên xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý (vàng) vì hiện nay đông đảo người dân vẫn lưu giữ ngoại tệ, vàng. Nếu bảo hiểm cả ngoại tệ và vàng sẽ khuyến khích, động viên người dân tham gia gửi, qua đó có thể huy động nguồn lực tài chính còn dồi dào trong dân.

Nhiều đại biểu nhất trí với báo cáo giải trình tiếp thu theo đó Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động. Tuy nhiên, báo cáo giải trình tiếp thu cần làm rõ hơn vai trò của Bảo hiểm tiền gửi vừa là một định chế tài chính hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, vừa là một công cụ của Nhà nước để giám sát, hạn chế rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia. Không nên coi bảo hiểm tiền gửi là một bộ phận của Ngân hàng Nhà nước bởi điều này không phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, không phù hợp với vị trí pháp lý của bảo hiểm tiền gửi hiện hành và sẽ không giải quyết được các bất cập của Bảo hiểm tiền gửi, nhất là trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần vào việc bảo đảm tính an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Phiên họp cuối buổi chiều do Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng điều khiển. QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình đề nghị QH bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Ðặng Thị Hoàng Yến, Ðoàn đại biểu QH tỉnh Long An.

Theo: nhandan.com.vn



các luật sư hà nội về thừa kế

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com