Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện nhiều công trình, dự án trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Để các công trình, dự án được thực hiện đúng quy hoạch, thiết kế, đảm bảo chất lượng, tránh những sai phạm, thất thoát, lãng phí, rất cần tăng cường hoạt động giám sát, nhất là sự giám sát của cộng đồng…
Khi giám sát cộng đồng được phát huy
Cùng với việc sớm chỉ đạo thành lập Ban thanh tra nhân dân ở 100% xã, phường, thị trấn, mới đây tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban giám sát cộng đồng tại 96 xã, thị trấn thực hiện thí điểm xây dựng NTM. Mỗi Ban giám sát cộng đồng thường có từ 9-11 thành viên, được nhân dân ở các địa phương lựa chọn, tín nhiệm bầu tham gia. Thành viên Ban giám sát cộng đồng thường là cán bộ Mặt trận, cán bộ các đoàn thể ở cơ sở, có trình độ, uy tín ở địa phương. Hầu hết các địa phương đều mời đồng chí phó chủ tịch Ủy ban MTTQ và phó chủ tịch HĐND xã, thị trấn tham gia Ban giám sát cộng đồng. Theo Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng do Chính phủ ban hành, các Ban giám sát cộng đồng hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, có tổ chức và theo yêu cầu của cộng đồng; hoạt động độc lập với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lựa chọn, chuẩn bị, phê duyệt đầu tư, quản lý thực hiện công trình và quản lý vận hành công trình. Tuy mới được thành lập, đi vào hoạt động nhưng bước đầu hoạt động của các Ban giám sát cộng đồng đã mang lại những hiệu quả thiết thực, hạn chế được các sai phạm trong quá trình triển khai các công trình, dự án. Bên cạnh đó, các nhà thầu, đơn vị thi công cũng ý thức rõ hơn về trách nhiệm đảm bảo chất lượng, tiến độ các công trình khi được giao đảm nhiệm thi công. Chuyện ở thôn Trí An, xã Nam Hoa (Nam Trực) mới đây là một ví dụ. Được xã đầu tư xây dựng ngôi trường mầm non trên địa bàn, người dân thôn Trí An rất phấn khởi và hy vọng con em có được nơi học hành khang trang. Nhưng qua giám sát, nhân dân địa phương phát hiện, trong quá trình thi công, đơn vị trúng thầu là Cty CP Xây dựng Thành Nga có biểu hiện thiếu trung thực. Ông Triệu Phúc Ơn, Bí thư chi bộ, trưởng Ban công tác Mặt trận xóm 3, thôn Trí An cho biết “Sáng 12-4, trên đường ra đồng, qua công trường tôi thấy công nhân đang hối hả trộn bê-tông nên dừng lại xem. Tôi thấy nhà thầu dùng cát đen để trộn bê tông đổ dầm công trình. Thấy bất thường, tôi liền gọi bà con đang làm đồng gần đó đến chứng kiến. Chúng tôi yêu cầu nhà thầu dừng thi công, dỡ bỏ toàn bộ số bê tông đã sử dụng và lập biên bản vụ việc”. Chiều cùng ngày, có mặt tại chân công trình, chúng tôi thấy đống cát đen được nhà thầu dùng trộn bê tông vẫn còn đó theo đúng phản ánh của nhân dân. Dùng tay bóp nhẹ số “bê tông” được trộn bằng cát đen rơi lả tả sau khi được đổ đến 8 tiếng. “May mà công trình nằm ngay cạnh đường ra đồng nên bà con mới phát hiện, ngăn chặn kịp thời kiểu làm ăn gian dối này. Nếu ở chỗ khuất nẻo, không ai phát hiện, hậu quả thật khôn lường” - ông Ơn bức xúc. Đồng chí Triệu Xuân Hoàng, Chủ tịch UBND xã Nam Hoa cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của nhân dân thôn Trí An, xã đã làm việc với đại diện Cty CP xây dựng Thành Nga. Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc Cty và ông Trần Thế Hệ, chủ nhiệm công trình đã thừa nhận hành vi sai phạm này. Đại diện Cty đã phải xin lỗi nhân dân địa phương, nghiêm túc rút kinh nghiệm, thực hiện đúng các yêu cầu để đảm bảo kỹ, mỹ thuật công trình khi thi công tiếp.
Công trình nâng cấp đường giao thông trên địa bàn xã Lộc An (TP Nam Định). |
Để các Ban giám sát cộng đồng hoạt động hiệu quả
Việc tỉnh chỉ đạo thành lập Ban giám sát cộng đồng ở cơ sở trong thời điểm các địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đã tạo thêm cơ chế để nhân dân tham gia giám sát, hạn chế những sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực hiện các công trình, dự án. Hiệu quả hoạt động của các Ban giám sát cộng đồng bước đầu đã được khẳng định. Tuy nhiên, hoạt động của các Ban giám sát cộng đồng nhìn chung còn gặp khó khăn, hiệu quả chưa được như mong muốn. Không ít các đối tượng chịu sự giám sát thiếu sự hợp tác, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định, như: tránh né việc thông báo kế hoạch, tiến độ thi công nhằm che giấu hành vi vi phạm, thay đổi thiết kế, chủng loại vật tư để bớt xén chi phí đầu tư cho công trình nên việc tiếp cận các thông tin phục vụ hoạt động giám sát của các Ban giám sát cộng đồng bị hạn chế. Thường khi thi công mới phát hiện các hành vi vi phạm, nếu yêu cầu ngừng thi công sẽ ảnh hưởng tới tiến độ. Trên thực tế đã có nhiều dự án, chủ đầu tư, hoặc đơn vị thi công đưa Ban giám sát cộng đồng vào thế “chuyện đã rồi”, rất khó xử lý. Mặt khác, theo Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng do Chính phủ ban hành, phạm vi giám sát của cộng đồng rất rộng. Theo đó, đối với các chương trình, dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước; các dự án đầu tư bằng nguồn vốn và công sức của chính cộng đồng hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân và các dự án đầu tư bằng các nguồn vốn khác, Ban giám sát cộng đồng phải tham gia nhiều khâu như đánh giá sự phù hợp của quyết định đầu tư; kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn; đánh giá việc chấp hành các quy định của chủ đầu tư; phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; theo dõi, đánh giá hiệu quả của dự án, phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của dự án; theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện các vi phạm. Muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ này, nhất là để phát hiện được các sai phạm đòi hỏi thành viên Ban giám sát cộng đồng phải có năng lực, trình độ. Tuy nhiên, thành viên Ban giám sát cộng đồng phần đông là người “ngoại đạo”, do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu này. Không ít giám sát viên thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia giám sát thiết kế, thi công, dự toán của dự án… vì thiếu kiến thức chuyên môn…
Để các Ban giám sát cộng đồng hoạt động hiệu quả, trước hết các đối tượng chịu sự giám sát của cộng đồng như cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Trong đó có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ việc giám sát của Ban giám sát cộng đồng. Các Ban giám sát cộng đồng sau khi được thành lập cần được trang bị kiến thức, nghiệp vụ một cách bài bản. Đồng chí Bùi Tân Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, trên cơ sở Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng, Ủy ban MTTQ tỉnh đã vận dụng, xây dựng, ban hành hướng dẫn hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn nêu rõ mục đích, nguyên tắc, phạm vi, nội dung giám sát cũng như nhiệm vụ cụ thể của Ban giám sát cộng đồng. Căn cứ vào điều kiện, khả năng thực tế, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các Ban giám sát cộng đồng của các xã thí điểm xây dựng NTM lựa chọn 2 nội dung quan trọng để giám sát, gồm: giám sát việc xây dựng và thực hiện quy hoạch trong chương trình xây dựng NTM và giám sát các dự án đầu tư bằng nguồn vốn và công sức của cộng đồng hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho địa phương. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh cần đẩy mạnh việc tập huấn, tuyên truyền, giúp thành viên Ban giám sát cộng đồng nắm rõ yêu cầu nhiệm vụ. Các cấp chính quyền cần quan tâm, tạo điều kiện về trang bị, kinh phí phục vụ hoạt động của Ban giám sát cộng đồng. Với mức hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi Ban giám sát cộng đồng trong một năm như hiện nay là quá thấp, không đảm bảo để các Ban giám sát cộng đồng hoạt động hiệu quả. Quan trọng hơn, mỗi thành viên Ban giám sát cộng đồng, khi đã được nhân dân tín nhiệm cần phát huy tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, công tâm, khách quan, trung thực, thực hiện đúng nguyên tắc và đề cao tính xây dựng. Hoạt động giám sát phải đảm bảo đúng đối tượng, phạm vi và nội dung; không gây cản trở công việc của các đối tượng chịu sự giám sát. Những phản ánh, kiến nghị của Ban giám sát cộng động cần được các cơ quan liên quan tiếp nhận, xem xét, xử lý nghiêm túc, kịp thời./.
Bài và ảnh: Duy Hưng