Giảm trần lãi suất cho vay, tăng dư nợ tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn

09:05, 05/05/2012
Trong hai ngày 3 và 4-5, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và bốn tháng qua, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KHÐT) cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 chỉ tăng 0,05% so tháng trước. So tháng 12-2011, CPI tháng 4 tăng 2,6%. Tính đến ngày 20-4, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 2,97% so ngày 31-12-2011. Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 1,35%. Bốn tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 33,6 tỷ USD, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD, bằng khoảng 0,53% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn rất nhiều so cùng kỳ nhiều năm qua. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 234,4 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán năm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 3,61 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2011. Tính chung, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt hơn 4,26 tỷ USD, bằng 68,5% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn ODA giải ngân ước đạt 410 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 762,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so cùng kỳ năm trước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp.   ( Ảnh: TRẦN HẢI )
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. ( Ảnh: TRẦN HẢI )

Tổng vốn đầu tư xã hội quý I-2012 ước đạt 197,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I ước đạt 4%, thấp hơn nhiều so cùng kỳ hai năm trước (quý I-2011 tăng 5,57%), nhưng là mức tăng hợp lý trong điều kiện phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bốn tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,3% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng ba năm qua; cả nước có khoảng 24.200 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 131,6 nghìn tỷ đồng, giảm 9,8% về số lượng DN và giảm 13,1% về số vốn đăng ký. Riêng quý I có hơn 2.400 DN đã làm các thủ tục giải thể, tăng 58% so cùng kỳ năm trước. Có khoảng 11.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế, tăng 3% so cùng kỳ. Tuy nhiên, trong số các DN gặp khó khăn, giải thể, có nhiều DN năng lực tài chính yếu, sản phẩm kém khả năng cạnh tranh, cần phải được cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực DN và toàn bộ nền kinh tế.

Bộ KHÐT đánh giá: Tình hình kinh tế-xã hội bốn tháng qua đã có chuyển biến, đạt được những kết quả tích cực bước đầu, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. CPI giảm mạnh, lãi suất tín dụng giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện, tỷ giá ổn định. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị-xã hội ổn định...

Trên cơ sở đó, Bộ KHÐT đã đề ra các nhóm giải pháp cần ưu tiên thực hiện thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, khoanh nợ, cho vay mới đối với các DN tốt nhưng đang tạm thời gặp khó khăn; giảm thuế thu nhập DN đối với các DN nhỏ và vừa (trừ kinh doanh chứng khoán, tài chính, ngân hàng...), DN sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực sản xuất..., giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN; nghiên cứu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội cho giảm thuế thu nhập DN khoảng 5% so thuế suất hiện nay.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận: Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN hiện nay và các biện pháp tài chính tháo gỡ khó khăn; Báo cáo rà soát, xóa bỏ rào cản đối với nâng cao hiệu quả đầu tư của nền kinh tế Việt Nam hiện nay; Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/T.Ư ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành T.Ư về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo về tình hình DN và nêu các kiến nghị với Chính phủ... Phiên họp đã dành nhiều thời gian thảo luận Ðề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Phát biểu ý kiến kết luận về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Bốn tháng qua, kinh tế-xã hội của đất nước có những chuyển biến, đạt kết quả tích cực bước đầu trên các lĩnh vực cả về văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nếu các bộ, ngành, địa phương không tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả thì khó đạt các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Khó khăn nổi cộm là tăng trưởng GDP thấp hơn cùng kỳ các năm trước; sản xuất kinh doanh khó khăn; DN giải thể, ngừng sản xuất tăng nhiều hơn cùng kỳ, hàng tồn kho nhiều hơn, một bộ phận người lao động mất việc làm...    

Vì vậy, Thủ tướng khẳng định, tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu đề ra từ đầu năm: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, nỗ lực kiểm soát lạm phát ở mức một con số. Mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP 6% năm nay là hết sức khó khăn, song nếu chúng ta ưu tiên vốn cho những lĩnh vực, mặt hàng có lợi thế, hỗ trợ thị trường để kích cầu tiêu dùng... thì mục tiêu trên có khả năng đạt được. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương  phải phối hợp đồng bộ, sát thực tế, năng động, quyết liệt, có giải pháp và cách tổ chức thực hiện, quyết tâm đạt các mục tiêu đã đề ra.

Ðể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp về chính sách tiền tệ có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là có lộ trình hạ trần lãi suất huy động và cho vay phù hợp mức lạm phát đang giảm dần, tăng dư nợ tín dụng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay. Ðây là giải pháp thiết thực nhất hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Ðây cũng không phải là nới lỏng chính sách tiền tệ, mà đưa tiền ra có tính toán khoa học, góp phần tăng trưởng mà không gây lạm phát. Hơn nữa, hiện mức tăng trưởng tín dụng chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiệm vụ của NHNN phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng tín dụng như đã đề ra, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6%. Chính sách tiền tệ cần gắn liền việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, cơ cấu lại những ngân hàng yếu kém; thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, khoanh nợ... 

Chính sách tài khóa cũng rất quan trọng đối với đất nước. Ngành Tài chính cần phải bảo đảm cân đối ngân sách, giữ mức bội chi NSNN năm 2012 ở mức 4,8% GDP như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Thu NSNN vừa qua đạt thấp, do đó ngành phải tính toán không thể để mất cân đối thu NSNN. Sau phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, trong đó, có các biện pháp điều hành vĩ mô, cải cách hành chính, đồng thời có các biện pháp cụ thể về giảm, giãn, hoãn một số loại thuế đối với DN. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì thực hiện ngay, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Bộ Tài chính thừa ủy quyền làm tờ trình để Quốc hội xem xét, thông qua.

Thủ tướng chỉ đạo cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công và khuyến khích đầu tư toàn xã hội, đồng thời lưu ý các địa phương thực hiện các dự án đầu tư công bảo đảm đúng quy mô đã được phê duyệt. Thủ tướng giao Bộ KHÐT chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy thu hút đầu tư FDI, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bộ KHÐT cũng cần phối hợp các bộ, ngành lo nguồn vốn đối ứng cho các dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Tập trung vốn tín dụng của Nhà nước vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án điện, giao thông...

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất đối với lĩnh vực, sản phẩm, thị trường có lợi thế tiêu thụ như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đầu tư nước ngoài phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình khuyến khích tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn, giải ngân nhanh vốn phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình nhà ở xã hội; ưu tiên vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động; chủ động tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, các phản ứng chính sách từ các DN, nhất là DN dân doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tăng cường xuất khẩu; tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại cả bên ngoài và trong nước, trong đó Bộ Công thương phối hợp với Bộ Ngoại giao mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế tập trung ba khâu then chốt là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu DN; làm tốt công tác kiểm soát thị trường, giá cả, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu đời sống nhân dân; làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống người dân vùng sâu, vùng xa; lưu ý, nắm bắt, xử lý các bức xúc nổi lên như hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động bị mất việc từ các DN phải giải thể hoặc ngừng hoạt động; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền...

* Chiều 4-5, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðức Ðam. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo.

Về vấn đề thu phí liên quan Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam cũng cho biết, xét thấy liên quan nhiều người dân, trong khi thời hạn dự kiến thực hiện là ngày 1-6 tới là gấp, do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành liên quan hoàn thiện lại phương án, đánh giá tác động đời sống nhân dân, phương thức thu, sau đó hoàn chỉnh đề án, có kế hoạch tuyên truyền để dư luận đồng thuận, sau đó trình Chính phủ xem xét, áp dụng thực hiện từ 1-1-2013. Ðối với phí hạn chế phương tiện giao thông và phí hạn chế ô-tô đi vào trung tâm, Bộ Giao thông vận tải phối hợp các bộ đã xây dựng phương án, báo cáo Thường trực Chính phủ. Thủ tướng đã họp và thấy rằng: Các bộ cần chuẩn bị kỹ hơn với các cơ sở, luận cứ khoa học, điều kiện kỹ thuật thu phí, đánh giá tác động xã hội, hoàn chỉnh lại đề án. Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, trình Chính phủ. Chính phủ thấy được mới trình Quốc hội. Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua mới được thi hành.

Về Nghị quyết sắp tới của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam khẳng định, đây không là một gói kích cầu mới mà là giải pháp tổng hợp liên quan biện pháp điều hành vĩ mô, cải cách hành chính, giảm, giãn, hoãn thuế... thực hiện đồng bộ, dựa trên bức tranh tổng thể về DN mà các bộ, ngành đã phân tích, kiến nghị. Sắp tới, Chính phủ sẽ có các giải pháp hỗ trợ cho DN có khả năng phát triển đang gặp khó khăn trước mắt, nhưng DN cũng cần hoàn thiện cơ chế quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ðại diện Bộ Tài chính cho biết: Ðối tượng thụ hưởng của giải pháp hỗ trợ của Chính phủ sắp tới này là các DN vừa và nhỏ (trừ các ngành kinh doanh tài chính, bảo hiểm...), DN sản xuất gia công trong các ngành nông, lâm, thủy, hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng kết cấu hạ tầng, bất động sản, DN sản xuất xi-măng, sắt thép, vận tải thủy... Các DN này sẽ được giảm 30% thuế thu nhập DN 2012. Ngoài ra, dự kiến giãn thuế giá trị gia tăng tháng 4, 5 và 6 với thời hạn giãn sáu tháng cho các DN; giảm 50% tiền thuê đất cho DN thương mại và dịch vụ; miễn giảm thuế khoán kinh doanh nhà trọ cho sinh viên, công nhân thuê, cung cấp suất ăn ca, trông giữ trẻ; miễn thuế môn bài cho diêm dân, hộ nghề cá. Chính phủ sẽ bổ sung 1.000 tỷ đồng cho vay tín dụng phục vụ chương trình đầu tư kiên cố hóa kênh mương, nuôi trồng thủy sản, hạ tầng giao thông nông thôn. Các giải pháp sẽ nhắm tới đúng đối tượng, đúng địa chỉ.

Bộ Tài chính sơ bộ tính toán thực hiện giải pháp trên, tổng số tiền giảm, giãn, hoãn thuế sẽ vào khoảng 29 nghìn tỷ đồng. Tác động làm giảm thu NSNN 2012 của giải pháp này vào khoảng 9 nghìn tỷ đồng vì đối với những biện pháp giãn thuế, DN vẫn phải nộp trong năm 2012. Ðể hạn chế ảnh hưởng thu NSNN, Bộ Tài chính có biện pháp tăng cường chống thất thu, nợ đọng thuế, bù lại một phần từ nguồn tăng giá bán dầu thô...

Theo: nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com