“Đem những kinh nghiệm của ông cha vào trận đánh vĩ đại hôm nay”

06:04, 29/04/2012

Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng - thiên anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại - đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trước mắt tôi là cuốn sách “Những năm tháng quyết định” của Đại tướng Hoàng Văn Thái. Ông là một vị tướng đã từng đi suốt chiều dài lịch sử của quân đội nhân dân ta, từ những trận đánh đầu tiên Phai Khắt, Nà Ngần… đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nhớ lại dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, những người viết báo chúng tôi đã lên thăm Mường Phăng, đã được đi dưới đường hầm chỉ huy sở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bên cạnh đó là hầm chỉ huy của ông, lúc đó là Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Còn trong Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông cũng là vị tướng từ năm 1966 đã có mặt tại chiến trường B1 (Khu 5) và sau đó cùng Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo chiến trường B2 (Nam Bộ).

Nhớ về “Cuộc đấu trí tháng 3”, khi quân ta đánh vào Buôn Ma Thuột, ông kể: “Trong trí nhớ của tôi còn lắng đọng lại bao nhiêu hình ảnh con người, sự kiện trong tháng 3 đáng ghi nhớ ấy, không chỉ nhộn nhịp trong cơ quan tham mưu chiến lược, những bức điện tới tấp từ chiến trường bay về chứa đựng tin chiến thắng, những buổi giao ban đầy hào hứng, phấn khởi. Nhưng ấn tượng sâu sắc đối với tôi là những cuộc họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, những cuộc họp vạch đường cho quân và dân ta đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác…”. “Trong thành Hà Nội, qua cổng khu A, nếu chú ý quan sát, người ta có thể thấy từ đầu tháng 3, nhất là từ ngày 9, không khí làm việc trong các Cục Tác chiến, tình báo, cơ quan thông tin, cơ yếu… nhộn nhịp khác thường".

Song không phải chỉ từ tháng 3, mà trước đó Bộ Chính trị đã có nhiều cuộc họp bàn về chiến trường miền Nam. Đại tướng Hoàng Văn Thái kể lại, ngày 20-7-1974, anh Ba (tức đồng chí Lê Duẩn) lúc đó đang ở Đồ Sơn, Hải Phòng, đã cho mời các đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn ở Bộ Tổng tham mưu xuống để bàn về tình hình và nhiệm vụ sắp tới. Anh Ba còn dặn chú ý mang theo cả bản đồ. Trước khi đi, anh Văn đã cho thêm những ý kiến để báo cáo với anh Ba. Hôm ấy anh Ba đã nói: “Ta cần nghiên cứu cách đánh thế nào, phải thắng to, thắng nhanh để ngụy không kịp trở tay, các nước có ý đồ không kịp can thiệp. Muốn vậy phải chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa dứt điểm trong vòng một, hai tháng khi có thời cơ chiến lược”.

Cuối tháng 9 năm 1974, Hội nghị Bộ Chính trị lại họp, nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo một vấn đề lớn mà hội nghị quan tâm là khi ta Tổng tiến công ở miền Nam, Mỹ có khả năng can thiệp trở lại không?. Ở Mỹ lúc đó sau vụ Oa-tơ-ghết, đã dẫn đến Nixon bị đổ, Pho lên ngồi vào ghế tổng thống không qua bầu cử. Phong trào chống Mỹ tiếp tục phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Khi bàn về vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Thái nhớ lại: “Anh Phạm Văn Đồng đưa ra một dẫn chứng về sự chấp nhận thất bại của Mỹ. Hồi năm 1973, gặp Kít-xinh-giơ, anh nói:

- Dân tộc Việt Nam đã ba lần đánh quân Nguyên. Đánh thắng rồi, chúng tôi cấp cho họ lương thực, lừa ngựa để về nước. Còn các ông, liệu các ông đánh chúng tôi mấy lần?

Kít-xinh-giơ giơ lên một ngón tay! Anh Đồng nói:

- Tôi chưa tin các ông đâu.

Kể xong, anh Đồng nói tiếp: Nói thế thôi, nước Mỹ đang bê bối lắm. Họ không dám dúng vào Việt Nam nữa đâu”.

Hội nghị nhận định: Mỹ không còn đủ sức trở lại can thiệp trực tiếp bằng lục quân. Song ta vẫn phải có kế hoạch đề phòng, dù can thiệp ở mức độ nào, ta cũng phải quyết tâm đánh thắng.

Có thể nói những năm tháng lịch sử ấy, cả nước đều dồn sức cho tiền tuyến phía Nam. Ở miền Bắc, hai đợt tuyển quân lớn vào năm 1974. Nhiều gia đình đã tiễn những người con thứ năm, thứ sáu vào bộ đội. Có những bà mẹ cùng một lúc cho cả con trai, con gái lên đường chiến đấu. Hậu cần chuẩn bị hàng vạn tấn hàng chi viện miền Nam.

Về phía địch lúc ấy cũng vẫn còn gần 70 vạn tên, có 13 sư đoàn chủ lực. Chúng còn kiểm soát hầu hết các thành phố lớn, những vùng nông thôn đông dân, còn được Mỹ viện trợ về quân sự… Song thế địch ngày càng yếu, vì không còn quân Mỹ để dựa.

Và quyết tâm chiến lược của ta đã được quyết định. Cuộc đấu trí tháng 3 đã nổ ra thắng lợi. Buôn Ma Thuột đã được giải phóng. Ta bắt gần 1.000 tên tù binh, có 12 khẩu pháo lớn và gần 100 tấn đạn pháo. Cuộc chiến đấu phát triển mau lẹ. Chúng ta phối hợp tiến công và nổi dậy, địch vỡ từng mảng lớn. Quân ta tiến công ào ạt như nước vỡ bờ.

Đồng chí Hoàng Văn Thái kể: “Những ngày cuối tháng 3 đầy ghi nhớ này, hầu như sáng nào các anh trong Bộ Chính trị cũng vào khu “Nhà con Rồng” ở khu A trong thành để gặp gỡ nhau. Tình hình chuyển biến nhanh quá, sự kiện diễn ra dồn dập và phong phú quá, khiến chúng tôi có cảm giác từng giờ, từng buổi đều có những vấn đề mới đặt ra, cần theo dõi, trao đổi và chỉ đạo kịp thời…”. Về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Văn Thái kể: “Đã thành lệ, anh Văn đến phòng thường trực ban tác chiến và ở lại đó đến khuya, có khi anh ngủ lại trong phòng họp của Quân ủy. Buổi tối, anh nắm lại những tin tức mới nhất từ chiến trường gửi về, trao đổi với chúng tôi. Có khi anh đứng im lặng hồi lâu trước tấm bản đồ chiến sự treo trên tường phòng trực ban hoặc đi lại trên sân “Nhà con Rồng”. Đó là những phút suy nghĩ, nhận định, đánh giá, chuẩn bị ý kiến để báo cáo với Bộ Chính trị và Quân ủy buổi sáng hôm sau”.

Thật là hạnh phúc lớn cho chúng ta, trong những giờ phút quan trọng ấy của lịch sử, nhân dân anh hùng, quân đội anh hùng của chúng ta đã phát huy hết sức mạnh vĩ đại của mình, chúng ta lại có những bộ óc lớn của dân tộc: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng… và rất nhiều những tướng lĩnh tài ba, những vị lãnh đạo cao cấp của Đảng ta cũng đã có mặt ở khắp các chiến trường Tây Nguyên, Khu 5, Nam Bộ… trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu.

Hội đồng chi viện miền Nam cũng được thành lập do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Nhớ lại, khi ta quyết định đánh Điện Biên Phủ, Hội đồng chi viện tiền tuyến cũng đã được thành lập do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Còn bây giờ, tất cả guồng máy vận tải của hậu phương lớn miền Bắc đều dồn dập hướng về phía Nam. Hàng vạn chiếc xe chở lương thực, vũ khí, những chuyến tàu chạy suốt ngày đêm, trên tàu chở cả xe tăng, đạn pháo. Bộ Tổng Tham mưu cử hai chiếc xe đặc biệt chở toàn bản đồ vào mặt trận với mệnh lệnh: “Ngày 20-4, phải tới Đồng Xoài”. Máy bay của ta cũng chở gấp hàng ngàn viên đạn xe tăng vào Tây Nguyên để kịp chuyển xuống chiến trường B2.

Ngày 19-4, Bộ Tổng Tham mưu điện vào chiến trường: Đã có 240 xe của đoàn 559 chở 1 vạn 3 nghìn viên đạn pháo 130mm cùng với 40 xe chở phụ tùng xe tăng và 150 xe khác đang trên đường vào. Đạn cối 160mm cũng được chở từ các kho ở phía Bắc vào Nam.

Ngày 22-4, lại có điện báo cụ thể để chiến trường yên tâm: 8.300 viên đạn pháo được chở bằng ôtô, 2.300 viên sẽ tới Đồng Xoài ngày 26-4, 2.944 viên đưa vào bằng đường biển sẽ tới Quy Nhơn và Nha Trang trong 2 ngày 23 và 24. Dự kiến sẽ có thêm 2 vạn viên nữa đến tiếp Nha Trang.

Quân ta tiến công ào ạt khắp các mặt trận. Các hướng đều tiến về phía Sài Gòn!

Ngày 20-4, người Mỹ bắt đầu di tản khỏi Sài Gòn. Ngày 21-4, Thiệu từ chức. Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” sang những ngày tháng 4 đã được đẩy lên một bước mới. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị: “Thần tốc,  thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Hai chữ "Thần tốc" của thời Tây Sơn Nguyễn Huệ lại được tái hiện cho hôm nay! Quân đội ta tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng.

Trước đó, ngày 13-4, Bộ Tư lệnh chiến dịch thể theo nguyện vọng của cán bộ và chiến sĩ trên chiến trường, nhất trí gửi điện đề nghị Bộ Chính trị đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Ngày 28-4, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị trả lời hoàn toàn nhất trí với đề nghị của chiến trường.

Sau lệnh di tản của Tổng thống Pho ngày 18-4, Kít-xinh-giơ tuyên bố: “Tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam phát triển như thế nào là tùy thuộc vào bản thân người Nam Việt Nam. Mỹ sẵn sàng chấp nhận bất kỳ giải pháp nào do họ thông qua…”. Ngày 23-4, Tại trường Đại học Ô-li-ân, Tổng thống Pho nói: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc đối với Mỹ. Không thể giúp người Việt Nam (ngụy Sài Gòn) được nữa. Họ phải đương đầu với bất cứ số phận nào đang chờ đợi họ!”.

Cả Sài Gòn náo động trong cảnh hỗn loạn. Nhất là từ khi máy bay của ta ném bom Dinh Độc Lập và sân bay Tân Sơn Nhất. Trên chiến trường, cả 5 hướng tiến công của quân ta đã đồng loạt áp sát Sài Gòn. Lần đầu tiên, nửa triệu quân ta tham gia chiến dịch, tác chiến hợp đồng binh chủng quy mô lớn, tiến công và nổi dậy đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch.

Và, giờ phút lịch sử đã đến!

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, lá cờ chiến thắng của quân đội ta đã được Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận kéo lên trên Dinh Độc Lập, báo hiệu giờ chiến thắng.

Đài phát thanh Sài Gòn truyền đi tiếng nói cuối cùng của Dương Văn Minh: “Tôi là Dương Văn Minh - Tổng thống của chính quyền Sài Gòn. Tôi kêu gọi bỏ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng…”.
Nhiều đài phát thanh nước ngoài ngừng giữa bản tin của mình, để thông báo chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Và trong giờ phút xúc động ấy, tâm trí của hàng triệu người Việt Nam như cùng hướng về thành phố mang tên Bác. Niềm vui sướng không sao tả xiết!

*

Trong lịch sử chiến tranh nhân dân của dân tộc ta, Lê Hoàn đã từng đánh bại đạo quân xâm lược nhà Tống bằng các trận Chi Lăng và Bạch Đằng. Lý Thường Kiệt đã từng dùng quân đội chủ động mở cuộc tiến công trước vào đất địch, tiêu diệt căn cứ xuất phát trọng yếu của bọn xâm lược, và sau đó trên chiến tuyến sông Như Nguyệt đã tiêu diệt quá nửa lực lượng quân địch, làm chúng hoảng sợ, phải rút lui và công nhận nước ta là một vương quốc độc lập.

Thời Trần, với nhà quân sự lỗi lạc Trần Hưng Đạo, nhân dân ta đã ba lần đại thắng quân Nguyên, với những chiến công nổi tiếng Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng... đập tan đội quân xâm lược Nguyên Mông, từng tung hoành Âu Á, xoá tên nhiều quốc gia trên bản đồ thế giới, mà nguyên nhân chủ yếu do Trần Hưng Đạo đã tổng kết là: "Vua tôi một lòng - Anh em hoà thuận - Cả nước gắng sức".

Chiến thắng quân Minh cũng là thắng lợi của một cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi. "Một khi cờ nghĩa mới phất, bốn phương nổi dậy như ong", có cách đánh "Sấm ran chớp giật", lại có cách đánh "Lỗ kiến xói đê", vừa tiêu diệt địch vừa đánh đổ chính quyền đô hộ.
Bình Ngô Đại Cáo đã ghi:

"Chật đất người theo, đầy đường rượu bầy... Càng đánh càng thắng, đi đến đâu đánh tan đến đấy như phá vật nát, như bẻ cành khô...".

Rồi Nguyễn Huệ với đội quân Tây Sơn và nhân dân cả nước, bằng một cuộc hành binh thần tốc, với khí thế tiến công mãnh liệt "Chỉ đánh một trận là thắng", đánh cho bọn xâm lược "Biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ", chỉ trong 5 ngày đã phá tan 20 vạn quân Thanh, đập tan mưu đồ xâm lược của chúng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: Bác Hồ đã căn dặn: "Chúng ta nên bắt chước sự nghiệp vẻ vang cứu nước của Tổ tông".

Và sau đại thắng 30 tháng 4 vĩ đại, một nhà báo nước ngoài đã viết: Thật là kỳ diệu, khi cụ Hồ đã trao quyền chỉ huy quân đội cho một giáo sư sử học - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và các nhà lãnh đạo cũng như nhân dân Việt Nam chắc đã đem những kinh nghiệm của ông cha vào trận đánh vĩ đại hôm nay./

Bùi Công Bính
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com