Tỉnh ta là 1 trong 10 tỉnh, thành phố trong cả nước được chọn thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường theo Nghị quyết số 724 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mô hình thí điểm nhằm mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền và bộ máy Nhà nước các cấp ở địa phương, xây dựng chính quyền vững mạnh thực sự là của dân, do dân và vì dân. Qua 3 năm thực hiện mô hình, tỉnh ta đã đạt được những kết quả bước đầu, song cũng đặt ra một số vấn đề cần tập trung giải quyết.
I - Kết quả bước đầu
Việc triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở 9 huyện và 20 phường của Thành phố Nam Định là vấn đề mới nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh nên các địa phương đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua 3 năm triển khai các đơn vị thực hiện thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực. Đồng chí Phạm Công Thuận, Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: Qua thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, hoạt động của UBND huyện Xuân Trường được cải tiến một bước, các công việc đã được chủ động giải quyết, kịp thời hơn. Trách nhiệm của tập thể UBND và của từng thành viên UBND được đề cao, tạo điều kiện phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao, nhất là khi quyết định những vấn đề trong quản lý, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng ở địa phương… Cũng về vấn đề này, Chủ tịch UBND các huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Chủ tịch UBND các phường Trần Hưng Đạo, Vỵ Xuyên, Cửa Bắc (TP Nam Định)… đều có chung nhận xét: Thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND nói chung và của Chủ tịch UBND huyện, phường nói riêng đã chủ động, linh hoạt hơn và vẫn bảo đảm tính hiệu quả và đúng quy chế làm việc của UBND, quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND. UBND các huyện, phường luôn bám sát nghị quyết của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo của UBND tỉnh; các nghị quyết của huyện ủy, của đảng ủy phường để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, các giải pháp, biện pháp chỉ đạo điều hành, quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn. Qua đó, hiệu lực và hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền từng bước được nâng cao. UBND huyện và UBND phường thực hiện thí điểm đã chú trọng công tác nắm bắt, phân tích tình hình, quyết đoán kịp thời, tập trung thống nhất chỉ đạo, thực hiện linh hoạt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh. Kết quả thực hiện thí điểm cũng cho thấy: Khi không tổ chức HĐND huyện, phường thì quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân vẫn được bảo đảm thực hiện thông qua các cơ quan, đại biểu dân cử ở Trung ương, tỉnh, thành phố như Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, các đại biểu Quốc hội của tỉnh; HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh; HĐND, các đại biểu HĐND thành phố, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các cuộc tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, với HĐND tỉnh, thành phố. Thông qua các cơ quan đại diện cho nhân dân và các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân có dịp được đề đạt nguyện vọng và những ý kiến, kiến nghị của mình và yêu cầu được giải đáp các vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực, đồng thời người dân cũng được thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan hành pháp và tư pháp ở địa phương theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, sự tham gia của nhân dân trong hoạt động, điều hành, quản lý của UBND huyện, phường để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng chính quyền được thực hiện thông qua các buổi tiếp dân của UBND và các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, HĐND tỉnh, HĐND thành phố. Trong đó, cử tri và nhân dân có quyền nhận xét, đánh giá mặt mạnh, mặt yếu và kết quả hoạt động quản lý, điều hành của UBND và được đề xuất, phản ánh, giải đáp những ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành của UBND. Đồng chí Phạm Quang Thái, Bí thư Huyện uỷ Trực Ninh, cho biết, khi không tổ chức HĐND cấp huyện, hoạt động tiếp công dân của UBND huyện được duy trì, thực hiện nghiêm túc để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân được UBND huyện tiếp thu và kịp thời giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, khi không còn HĐND, các hoạt động quản lý, điều hành của UBND huyện vẫn bảo đảm ổn định và kịp thời…
Thị trấn Xuân Trường hôm nay. |
Qua 3 năm thực hiện thí điểm, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, thường xuyên của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, của Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm của tỉnh, của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và sự tham gia của Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở, việc thực hiện thí điểm đã được thực hiện nghiêm túc, đúng với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Quốc hội, Chính phủ và đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống chính trị tại 9 huyện và 20 phường hoạt động ổn định, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả. Tình hình kinh tế - xã hội ổn định và có bước phát triển. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được củng cố và giữ vững. Công tác cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công cho tổ chức và công dân được đảm bảo, từng bước cải tiến mang lại hiệu quả. Quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn được thực hiện và phát huy theo quy định của pháp luật. Hoạt động của bộ máy Nhà nước các cấp ở địa phương từng bước được cải tiến và thông suốt hơn. Tính chủ động, sáng tạo và hiệu lực quản lý, điều hành của UBND được nâng cao. Tổ chức bộ máy chính quyền ở những địa phương không tổ chức HĐND đã sớm ổn định hoạt động bình thường và bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tiết kiệm chi ngân sách…
II - Những vấn đề cần tập trung giải quyết
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đặt ra một số vướng mắc cần được tập trung giải quyết như: Cơ chế giám sát của Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể cùng cấp đối với hoạt động của UBND, TAND, Viện KSND huyện là giám sát nhân dân, không giống như giám sát của cơ quan quyền lực như HĐND, do vậy việc giám sát chưa toàn diện và hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, chính quyền, của Ban chỉ đạo ở các cấp có lúc còn chưa sâu sát và thường xuyên với thực tiễn ở cơ sở. Một số cán bộ lãnh đạo ở một số địa phương thực hiện thí điểm còn có biểu hiện giản đơn, chưa đầu tư nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh. Một số người cho rằng, việc không tổ chức HĐND chỉ đơn giản là bỏ HĐND nên không có vấn đề gì khó, hoặc băn khoăn cho rằng các quyết định của UBND không còn chỗ dựa là các nghị quyết HĐND nên khi thực hiện sẽ gặp khó khăn… Để tháo gỡ những vướng mắc từ thực tế, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm của tỉnh đã đề xuất một số kiến nghị như: Đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với việc đổi mới hệ thống tổ chức chính quyền, địa phương, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, HĐND xã, thị trấn và của UBND cấp huyện, phường theo hướng không tổ chức HĐND cấp huyện, phường. Đề nghị Trung ương sớm ban hành hướng dẫn cơ chế và chế tài giám sát của Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân đối với hoạt động của UBND ở những nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND.
Những kinh nghiệm bước đầu qua 3 năm triển khai thực hiện không tổ chức HĐND cấp huyện, phường ở tỉnh ta là: Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền; kịp thời phát hiện những vướng mắc phát sinh để chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết kịp thời trong quá trình thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Để thực hiện thí điểm có kết quả, đúng với sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành chức năng phải tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo của tỉnh xây dựng các văn bản hướng dẫn các bước tiến hành cụ thể, kịp thời để cơ sở làm căn cứ tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp tốt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện giữa các đoàn thể nhân dân trong hệ thống chính trị, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân trong việc triển khai thực hiện thí điểm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành đối với các địa phương, nhất là vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể nhân dân ở những địa phương thực hiện thí điểm, đồng thời định kỳ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để việc thực hiện thí điểm đạt kết quả. Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường là một vấn đề lớn và mới, do vậy cần có phương pháp đánh giá khách quan, khoa học, toàn diện để có cơ sở khẳng định tính đúng đắn của vấn đề quan trọng này./.
Bài và ảnh: Quốc Tuấn