Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, hướng tới kỷ niệm 37 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tại Thành phố Nam Định, cuộc gặp gỡ của gần 300 anh chị em và thân nhân các chiến sĩ từng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Phú Quốc cùng với đại diện các ban liên lạc cựu tù binh nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), cựu tù binh nhà tù Đề Lao, nhà tù Máy Chai, nhà tù Lục Thủy (Nam Định)… đã diễn ra đầy xúc động khó nói thành lời! Những ký ức một thời đấu tranh anh dũng, kiên cường và vô cùng khốc liệt ùa về, cả những niềm vui, hạnh phúc khi đồng đội còn được thấy nhau vẫn mạnh khỏe, được nghe tin vui về gia đình, con cái trưởng thành.
Các cựu tù binh nhà lao Phú Quốc tỉnh Nam Định trong buổi gặp mặt truyền thống. Ảnh: Xuân Thu |
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, kẻ thù đã dùng một “công cụ” đặc biệt hòng lung lạc ý chí của những chiến sĩ cách mạng, đó là sử dụng các nhà tù với chế độ giam giữ, đối xử cực kỳ hà khắc, biến các nhà tù thành “những địa ngục trần gian” như nhà tù Phú Quốc, nhà tù Côn Đảo… Nhưng các chiến sĩ cách mạng đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, tôi luyện bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm chiến đấu, luôn sẵn sàng chờ đón cơ hội để trở lại chiến trường tiếp tục chiến đấu, bảo vệ quê hương, đất nước. Trại giam Phú Quốc ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Trong chiến tranh, giặc Pháp đã dựng lên ở đây trại giam Cây Dừa. Tháng 6-1967 trại giam được mở rộng quy mô để giam giữ chiến sĩ ta, đổi tên là trại giam tù binh cộng sản Việt Nam Phú Quốc. Lúc cao điểm, chúng giam giữ khoảng 40 nghìn chiến sĩ ta. Tại đây, bọn cai ngục ngày đêm điên cuồng dùng đủ mọi thủ đoạn và những hình thức tra tấn tàn ác, dã man nhất như dùng roi điện, dùng kìm nhổ răng, đánh bằng roi cá đuối, cho tù nhân vào bao tải rồi dìm vào nước sôi, đóng đinh vào đầu gối, mắt cá chân, thái dương, đỉnh đầu. Đồng chí Nguyễn Văn Bằng, hiện ở phường Quang Trung (TP Nam Định) bị chúng dùng roi cá đuối đánh nát thân thể, bẻ gãy 3 chiếc răng để hòng bắt ông khai ra tổ chức trong nhà tù nhưng đòn roi tàn độc vẫn không lung lạc được tấm lòng kiên trung của người cộng sản. Đánh đồng chí đến ngất mà không khai thác được gì, chúng cho anh em tù khiêng vào trại, những ngày sau lại tiếp tục tra tấn với âm mưu đe dọa, lung lạc ý chí của những tù binh khác. Nhưng chúng đã lầm, địch càng áp dụng các trò man rợ, càng thôi thúc, rèn đúc ý chí của các chiến sĩ ta, sẵn sàng hy sinh, chịu đau đớn chứ không phản bội Tổ quốc, đồng đội. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, các tổ chức chi bộ trong nhà tù vẫn được thành lập, hoạt động mạnh mẽ, giúp cho các chiến sĩ ta đấu tranh có chiến lược, chiến thuật rõ ràng, đập tan âm mưu của kẻ thù. Ông Trịnh Văn Hùng, trưởng Ban liên lạc huyện Ý Yên nhớ lại: Ở nhà lao Phú Quốc, chúng giam riêng chiến sĩ miền Bắc và miền Nam hòng chia rẽ các chiến sĩ cộng sản hai miền; dùng các đòn tâm lý, xuyên tạc thơ ca cách mạng... tra tấn anh em. Thế nhưng các lớp học từ kiến thức phổ thông đến các ngành học chính trị kinh tế, triết học Mác-Lênin, dược, y học… được tổ chức rộng khắp trong các phòng giam. Nhiều đồng chí khi vào trại giam chỉ học đến lớp 3, lớp 4 nhưng khi được thả đã có thể giải toán cấp 3 với sin, cos, đạo hàm, kiến thức lý luận chính trị đã được nâng cao. Và các cuộc đấu tranh từ công khai đến bí mật vẫn liên tục được tổ chức: tuyệt thực, tìm mọi cách để vượt ngục, tiếp tục trở về chiến đấu. Cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong các nhà lao đế quốc đã góp phần vô cùng quan trọng cho chiến thắng chung của đất nước. Cùng với thắng lợi trên chiến trường, thắng lợi trên bàn đàm phán quốc tế đã mở cánh cửa các nhà tù tàn độc “có một không hai”, các chiến sĩ ta được quê hương, đồng đội đón về.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, các cựu tù binh nhà lao Phú Quốc đã liên lạc, tìm gặp lại nhau. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban liên lạc đã được thành lập, tìm kiếm, tập hợp các anh chị em, đồng đội đã cùng vào sinh ra tử ở chốn “địa ngục trần gian”, tạo điều kiện chăm lo, động viên giúp đỡ nhau mọi mặt trong cuộc sống, từ tinh thần đến vật chất, chăm sóc nhau lúc ốm đau… Từ 17 thành viên ban đầu, đến nay đã tập hợp được trên 350 người. Trong số đó, có 121 đảng viên, 103 người là thương binh với 9 người thuộc hạng thương binh nặng đặc biệt. Nhiều đồng chí tiếp tục phát huy trí tuệ, sức lực, tham gia trên các mặt trận mới từ làm kinh tế, tham gia công tác chính quyền, đoàn thể địa phương. Nhiều đồng chí đã không còn do tuổi tác và bệnh tật, nhưng vợ vẫn tham gia sinh hoạt với Ban liên lạc, có thêm niềm vui tinh thần trong tuổi xế chiều. Các cựu tù binh nhà lao Phú Quốc cũng như những người có công khác đã được thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi theo quy định. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí thường xuyên để Ban liên lạc có điều kiện tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, trợ giúp những lúc khó khăn, đặc biệt đã tổ chức được cho mọi người đi thăm lại nhà lao xưa, viếng các liệt sĩ tại Phú Quốc. 270 người đã được tặng kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Các chiến sĩ cựu tù binh nhà lao Phú Quốc nói riêng và các cựu tù binh cách mạng trong các nhà tù đế quốc trong các cuộc kháng chiến cứu nước nói chung đã xây nên những hình ảnh như những “tượng đài” của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tạo dựng cho các thế hệ người dân Việt Nam yêu nước niềm tự hào sâu sắc, truyền thống anh hùng bất khuất mà cả thế giới phải ngưỡng mộ, khâm phục, để các chiến thắng của chúng ta được nhân loại tiến bộ đánh giá là chiến thắng của “lương tri thời đại”./.
Vân Thi