Là người sáng lập và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng chăm lo công tác xây dựng Đảng. Người đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cách mạng, lý tưởng vì nước vì dân và sự gắn bó chặt chẽ với nhân dân của cán bộ, đảng viên.
Tháng 10 năm 1947, cách đây vừa đúng 65 năm, Bác Hồ đã viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc". Có thể coi đây là một tác phẩm về xây dựng Đảng.
Nói về tư cách của một Đảng chân chính cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
"Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng", "Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới", "Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ và đảng viên", "Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo", "Đảng cũng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài".
Bác Hồ nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên "Phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận nước nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ cũng phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính Đảng".
Nhà thơ Minh Huệ, tác giả bài thơ nổi tiếng "Đêm nay Bác không ngủ" kể lại:
Năm 1948, tôi được điều về làm thư ký văn hoá cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Một hôm anh Thanh hỏi tôi đã đọc cuốn "Sửa đổi lối làm việc" chưa ? Tôi thưa, đã đọc rồi, nhưng không hiểu tại sao tác giả lại ký tên là XYZ.
Anh Thanh bảo, đó là cuốn sách của Bác Hồ đấy! Rồi anh nói thêm: "Cuốn sách trình bày một bài học lớn về cách mạng, nhưng viết giản dị, dễ hiểu, lại còn pha chút hài hước rất có duyên, rất nhẹ nhàng, nhưng cũng rất sâu sắc. Mình đọc đầy hứng thú. Cảm tưởng chung là không hề thấy lộ ra lời răn dạy của một lãnh tụ mà chỉ như là lời trao đổi, tâm tình, khuyên nhủ của một người đàn anh về cuộc đời làm việc vì nước, vì dân".
Bây giờ đọc lại "Sửa đổi lối làm việc" của Bác, chúng ta cũng thấy như vậy. Bác viết:
"Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra, lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt sẽ ngày càng thêm ra".
Bác còn viết:
"Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ xung phong. Đó là do sự tự giác, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sĩ xung phong. Đã vậy, thì mỗi người đảng viên phải cố gắng cho xứng đáng là một người trong những người đại biểu của dân tộc.
Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo".
Khi nói đến những sai lầm, khuyết điểm, Bác viết:
"Đảng ta là một Đảng cách mạng, một Đảng vì dân vì nước. Song Đảng có rất đông đảng viên… Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó, còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân".
Và Bác lên án chủ nghĩa cá nhân. Bác viết:
"Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được 4 chữ "Chí công vô tư" cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh hữu sinh vô thực, kéo bè kéo cánh, bệnh cận thị, bệnh cá nhân...”.
Sau khi liệt kê ra một loạt những chứng bệnh, Bác đặt câu hỏi:
- Khuyết điểm ở đâu mà nhiều thế? Và Bác trả lời:
"Đảng ta là một Đảng rất to lớn, gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó ngấm vào trong Đảng.
Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”.
Một số người khi nói đến phê bình, chỉ muốn làm trong nội bộ, chỉ muốn giấu giếm, sợ địch lợi dụng mà công kích ta. Song Bác Hồ đã chỉ rõ:
"Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết "cũng la lết quả dưa".
Bác còn nhấn mạnh:
"Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
*
Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng.
Có thể nói Bác Hồ đã rất, rất nhiều lần nói về tự phê bình và phê bình. Năm 1927, trong "Đường kách mệnh", phần viết về tư cách một người cách mệnh, Bác đã chỉ rõ: "Tự mình phải: Cả quyết sửa lỗi mình".
Tiếp theo đó trong rất nhiều bài báo, bài nói chuyện, Bác thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên phải nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.
Ngày 20-5-1951, trên Báo Nhân Dân số 9, Bác viết bài "Tự phê bình".
"Dao có mài mới sắc
Vàng có thui mới trong
Nước có lọc mới sạch
Người có tự phê bình mới tiến bộ. Đảng cũng thế !"
Trong bài báo này, Bác chỉ rõ:
"Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm.
Nghĩa là tự phê bình phải thường xuyên, chứ không phải chờ có khai hội mới tự phê bình. Tự phê bình phải thật thà. Khi tự mình kiểm điểm cũng như khi tự phê bình trước mọi người, có khuyết điểm gì nói hết, không giấu giếm chút gì. Phải tìm cho ra vì sao mà sai lầm. Sai lầm ấy sẽ thế nào? Dùng cách gì mà sửa chữa? Và phải kiên quyết sửa chữa".
Ngày 14-2-1952, trên Báo Nhân Dân số 45, Bác lại viết bài: "Tự phê bình và phê bình".
Trong bài báo này, Bác viết:
"Kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần dần đến cấp dưới. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh và khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Từ trên xuống rồi từ dưới lên".
Trên Tạp chí Học Tập số tháng 9-1962, đã đăng bài nói chuyện của Bác với Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước về cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Trong bài nói chuyện này, Bác đã gọi "Tham ô của công tức là kẻ địch của nhân dân". Và Bác nói: "Chúng ta phải làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp".
Và Bác kết luận: "Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu.
Để giành lấy thắng lợi, chúng ta phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ.
Nếu quần chúng nói 10 điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ, chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình…"./.
Bùi Công Bính