Mới đây, về xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) chúng tôi được gặp các ông Phạm Văn Kinh, Đồng Xuân Viên, là hai cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng những kỷ niệm về cuộc chiến hào hùng của dân tộc trong ký ức của các CCB như vẫn còn nguyên vẹn.
CCB Phạm Văn Kinh, Đồng Xuân Viên, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) ôn lại kỷ niệm tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. |
Ông Kinh kể, tôi với ông Viên nhập ngũ ngày 11-9-1972. Cùng nhập ngũ ngày này huyện Nghĩa Hưng có 97 người, riêng xã Nghĩa Thái có 16 người. Huấn luyện xong, chúng tôi được lệnh hành quân gấp vào chi viện cho chiến trường miền Nam và được phân công về Trung đoàn 1 Đồng Tháp thuộc Quân khu 8 (nay là Trung đoàn 2, Sư đoàn 8, Quân khu 9). Đây là một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên được thành lập ở miền Tây Nam Bộ, từng 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Với phương châm vừa tác chiến, vừa xây dựng, Trung đoàn 1 Đồng Tháp có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị khác đánh tan Sư đoàn 7, lực lượng chủ lực, khét tiếng của ngụy ở đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm ông Kinh, ông Viên được tăng cường về đơn vị, Trung đoàn 1 đang mở chiến dịch tiến công tổng hợp đánh phá, làm tan rã bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng các tỉnh Mỹ Tho và Kiến Tường, một phần tỉnh Kiến Phong, Gò Công và Bến Tre. Trong chiến dịch này, Trung đoàn đã đánh 200 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu đến 4.250 tên địch, bắt 248 tù binh. Cuối năm 1973, Trung đoàn tập trung ba mũi giáp công, bao vây phá vỡ đồn bốt địch ở khắp địa bàn Quân khu 8, khôi phục các địa bàn đã giải phóng bị địch tái chiếm ở Mỹ Tho, Bến Tre, mở rộng vùng giải phóng ở một số nơi như Mỹ An tỉnh Kiến Phong. Sang năm 1974, Trung đoàn vừa củng cố huấn luyện vừa cùng với đơn vị bạn hoạt động giữ thế chiến trường đánh địch lấn chiếm vùng 4 Kiến Tường và một số địa bàn trọng điểm ở Mỹ Tho. Từ tháng 12 năm 1974 đến tháng 3 năm 1975, Trung đoàn vượt sông Tiền lần thứ hai sang Bến Tre đứng chân hoạt động trên hai huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam. Giai đoạn này tuy không phát huy được thế tấn công tổng hợp vì địch phát hiện và bu bám, nhưng bằng chiến thuật tác chiến nhỏ lẻ vây đánh diệt các đồn bốt, Trung đoàn đã làm tiêu hao được khá nhiều sinh lực địch. Trung đoàn còn hỗ trợ cho bộ đội tỉnh Bến Tre tái chiếm hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm. Ngày 16-3-1975, Trung đoàn vượt sông đánh diệt phân chi khu Tân Thuyền huyện Chợ Lách, diệt 1 phân chi khu, 3 đại đội thuộc Tiểu đoàn Bảo An 509 của địch. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng với lực lượng vũ trang Quân khu 8, Trung đoàn 1 Đồng Tháp thuộc cánh quân phía Nam, có nhiệm vụ vừa chặn đường địch từ miền Tây lên chi viện cho Sài Gòn, vừa chặn đường rút chạy của địch từ Sài Gòn về miền Tây. Theo đó, từ Chợ Lách, Bến Tre, Trung đoàn vượt sông Tiền về Mỹ Tho nhận nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Sư đoàn tiêu diệt Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 10, Sư đoàn 7 ngụy ngay trong đêm 27-4-1975. Bằng chiến thuật tập kích, bí mật áp sát, bất ngờ, sau 45 phút chiến đấu, Trung đoàn đã diệt gọn Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 10, Sư đoàn 7, cắt đứt lộ 4 không cho quân địch về tiếp cứu Sài Gòn. 24 giờ ngày 30-4-1975 Trung đoàn tiến vào Thành phố Mỹ Tho diệt Thiết đoàn 6 ngụy đánh chiếm dinh tỉnh trưởng và căn cứ Giang Đoàn hải quân Chương Dương, cùng với bộ đội tỉnh và quần chúng nổi dậy chiếm Thành phố Mỹ Tho. 5 giờ ngày 1-5-1975, Mỹ Tho hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn vô cùng hân hoan vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử. CCB Đồng Xuân Viên kể, khi đơn vị vào tiếp quản căn cứ Bình Đức, Bình Tâm và giàn pháo Tân Tây Lan mới biết trước đó địch quyết tử thủ, sợ lính bỏ chạy, chỉ huy của chúng ra lệnh xích chân lính vào thân pháo. Khi cán bộ chiến sỹ Trung đoàn tiến vào, nhiều tên địch muốn đứng dậy đầu hàng nhưng không đứng lên nổi do bị xích quá lâu. CCB Phạm Văn Kinh thì không quên kỷ niệm mỗi lần bước vào trận đánh mới thường được chỉ huy đơn vị tổ chức gặp gỡ liên hoan, bởi hơn ai hết họ hiểu có thể sau đó nhiều người sẽ không trở về...
Sau chiến thắng 30-4, ông Phạm Văn Kinh và ông Đồng Xuân Viên đều tiếp tục ở lại đơn vị để thực hiện những nhiệm vụ mới, sau đó cả hai ông cùng phục viên, tham gia công tác xã hội tại địa phương. Riêng ông Phạm Văn Kinh mới đây được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội CCB xã. Trong bữa cơm trưa đoàn tụ sau 37 năm chiến thắng, hai người lính già cùng tuổi, cùng quê, cùng nhập ngũ ngày 11-9-1972 ấy đều bồi hồi khi nhớ về những người đồng đội cũ. Trong số 97 đồng đội cùng nhập ngũ của huyện Nghĩa Hưng ngày ấy đã có 40 người đã hy sinh, trong đó 16 người con của xã Nghĩa Thái ngày ấy ra đi, chỉ có 8 người trong đó có ông Kinh, ông Viên được trở về…
Bài và ảnh: Nam Dương