Tự hào và nguyện mãi mãi xứng đáng với truyền thống Binh chủng Đặc công anh hùng

08:03, 10/03/2012

Cách đây 45 năm, ngày 19-3-1967, Binh chủng Đặc công chính thức được thành lập. Thực ra cách đánh đặc công đã ra đời từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và xa hơn nữa là cách đánh giặc độc đáo của ông cha ta trong các cuộc chiến tranh giữ nước. Sự kiện thành lập Binh chủng Đặc công ngày 19-3-1967 là một mốc son chói lọi, đánh dấu sự kế thừa và phát huy sáng tạo cách đánh giặc độc đáo của dân tộc ta đó là: lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông. Tại buổi lễ thành lập Binh chủng, cán bộ chiến sỹ đặc công đã vinh dự được đón Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự. Trong lời Huấn thị của Bác tại buổi lễ thành lập Binh chủng, Người nói: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt cần phải cố gắng đặc biệt. Có thể nói do chiến tranh du kích phát triển cao, đặc biệt cao. Chiến thuật du kích lấy ít đánh nhiều, và đi không tiếng về không tăm. Bây giờ các chú cũng thế cũng phải lấy ít đánh nhiều, nhưng mà to hơn nữa, cao hơn nữa, lấy ít đánh nhiều, lấy ít thắng nhiều”. Ra đời trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thấm nhuần sâu sắc lời Huấn thị của Bác Hồ, Bộ đội Đặc công đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, mưu trí táo bạo, anh dũng tuyệt vời, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Đặc công đã đánh 19.329 trận, phá huỷ 6.316 máy bay các loại, 11.494 xe quân sự, 2.161 khẩu pháo, đánh cháy, đánh chìm hàng nghìn tàu địch, tiêu huỷ và thu nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh của địch. Bộ đội Đặc công đã trực tiếp tham gia hầu hết các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1972, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến dịch nào Bộ đội Đặc công cũng là những đội quân thiện chiến, tinh nhuệ và chủ lực. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ đội Đặc công đã tham gia lực lượng lớn, được huy động để đánh chiếm và chốt giữ nhiều căn cứ, mục tiêu quan trọng, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất và các mục tiêu hiểm yếu trong nội đô tạo điều kiện cho binh chủng hợp thành thần tốc tiến vào Sài Gòn. Những chiến công xuất sắc của Bộ đội Đặc công đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ghi nhận công lao và những thành tích xuất sắc của Bộ đội Đặc công trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, ngày 3-6-1976 Binh chủng Đặc công được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1979, Binh chủng được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Trong các năm 1970, 1984 và 2002 Binh chủng được tặng ba Huân chương Quân công hạng Nhất. Trong lời Tuyên dương công trạng, Quốc hội đã phong tặng Binh chủng Đặc công 16 chữ vàng:

“Đặc biệt tinh nhuệ
Anh dũng tuyệt vời
Mưu trí táo bạo
Đánh hiểm thắng lớn”.

Toàn Binh chủng có 74 đơn vị từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến cấp trung đoàn và tương đương và 174 cán bộ, chiến sỹ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có nhiều đơn vị được tuyên dương từ hai đến ba lần. Trong số những Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là Bộ đội Đặc công ở tỉnh ta có 4 đồng chí.

Một đơn vị Bộ đội Đặc công tuyên thệ trước trận đánh vào căn cứ phỉ Vàng Pao, Long Chẹng ngày 17-1-1973. Ảnh: Internet
Một đơn vị Bộ đội Đặc công tuyên thệ trước trận đánh vào căn cứ phỉ Vàng Pao, Long Chẹng ngày 17-1-1973. Ảnh: Internet

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Đặc công tiếp tục phát huy truyền thống của Binh chủng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Từ năm 1986 đến nay, Binh chủng có thêm 4 đơn vị được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Cách đánh và những chiến công vang dội của Bộ đội Đặc công trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, trong đó có những chiến công của cán bộ chiến sỹ đặc công ở tỉnh ta đã đi vào lịch sử như một huyền thoại không những làm cho kẻ thù phải khiếp vía, kinh hồn mà còn làm cho bạn bè quốc tế nể phục. Từ năm 1967 đến nay, Binh chủng Đặc công đã có hàng trăm đoàn khách quốc tế của hơn 30 nước trên thế giới đến tham quan, trao đổi học tập kinh nghiệm. Binh chủng còn tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cho hàng trăm học viên của một số nước bạn về cách đánh đặc công. Điểm nổi bật và xuyên suốt của Bộ đội Đặc công đó chính là yếu tố “Đặc biệt” như Bác Hồ đã dạy, cái gì cũng phải đặc biệt, đặc biệt tất cả. Đặc biệt đã làm nên chiến thắng. Với chức năng là bộ đội đặc biệt tinh nhuệ, trong chiến đấu, Bộ đội Đặc công với sở trường là luồn sâu, ém sát, bí mật, bất ngờ, đánh hiểm, thắng lớn đã lập nên những chiến công hiển hách mà quân thù phải khiếp vía, kinh hồn. Có thể nói cách đánh giặc của Bộ đội Đặc công đã góp phần quan trọng vào bước phát triển mạnh mẽ và độc đáo của học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành các thế hệ cán bộ chiến sỹ đặc công rất vinh dự và tự hào về truyền thống anh hùng của Binh chủng. Thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước xây dựng Binh chủng Đặc công ngày càng phát triển nhanh về mọi mặt, tiến lên chính quy, từng bước hiện đại, đặc biệt tinh nhuệ để hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN…

Nam Định, quê hương của  vương triều Trần và vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh ta đã có hàng nghìn thanh niên được tuyển lựa vào Binh chủng Đặc công. Là một trong số ít tỉnh trong cả nước có số lượng cán bộ, chiến sĩ đặc công đông nhất Binh chủng, trong đó có đủ các loại hình như đặc công nước, đặc công biệt động... Những chiến công vang dội của cán bộ, chiến sỹ đặc công là con em của nhân dân Nam Định mãi mãi còn ghi trong sử vàng của Binh chủng. Tiêu biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, quê ở xã Giao Yến, huyện Giao Thuỷ thuộc Đoàn 126 đặc công nước được tuyên dương tháng 12-1969; Đại tá Nguyễn Đình Thi, quê ở xã Giao Hương, huyện Giao Thuỷ, Đoàn 126 đặc công nước được tuyên dương năm 1978; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Bùi Văn Phương, quê ở xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên là Tham mưu phó đoàn I, đặc công biệt động được tuyên dương năm 1979; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Phạm Viết Bảo, quê ở xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, Trung đoàn 101 đặc công, được tuyên dương năm 1978. Nhiều đồng chí đã đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ từ chống Pháp đến chống Mỹ và trưởng thành là cán bộ cao cấp của Đảng, của quân đội như Đại tá Lâm Ngọc Cấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Đặc công, hiện là Trưởng Ban liên lạc bạn chiến đấu đặc công tỉnh Nam Định.

Bộ đội Đặc công trong Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Internet
Bộ đội Đặc công trong Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Internet

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hàng chục đồng chí có cấp hàm đại tá là cán bộ đặc công đã từng trực tiếp chiến đấu và trưởng thành là cán bộ cao cấp của Đảng, của quân đội như các đồng chí Trần Ngọc Đãi, Trần Trọng Kiểm, Phạm Văn Tảo, Lê Đức Huệ...

Hơn 15 năm thành lập, Ban liên lạc bạn chiến đấu đặc công tỉnh Nam Định đã 3 lần gặp mặt toàn thể hội viên trong tỉnh. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những lần gặp mặt ấy các cựu chiến binh vẫn không thể nào quên về những trận đánh lịch sử của Bộ đội Đặc công, những lần luồn sâu ém sát vào tận sào huyệt của địch như sân bay, bến cảng nơi địch không ngờ tới. Những câu chuyện và kỷ niệm xương máu ở chiến trường, như bắc cầu nhớ đến câu thơ của Trần Nhân Tông: “Bạch đầu quân sĩ tại. Vãng vãng thuyết Nguyên Phong” (Người lính già đầu bạc kể mãi không hết chuyện chiến trường). Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Binh chủng Đặc công năm nay, như thường lệ câu chuyện về người lính già đầu bạc Nguyễn Cao Thí hiện ở phường Cửa Nam, nguyên là thượng uý, chính trị viên Tiểu đoàn 81 thuộc Lữ đoàn Đặc công biệt động - người trực tiếp chỉ huy chiến đấu đánh cầu Rạch Chiếc để mở đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn ngày 30-4-1975 sẽ được nhắc đến. Trở về hậu phương sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hàng nghìn đồng chí nguyên là cán bộ, chiến sĩ đặc công qua các thời kỳ nay đã và đang phát huy truyền thống anh hùng của Binh chủng trên trận tuyến xây dựng và bảo vệ quê hương, ngày đêm khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực: Xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, xã hội và giữ gìn an ninh quốc phòng. Nhiều đồng chí là kỹ sư, bác sỹ, doanh nhân thành đạt, hàng trăm đồng chí đã và đang đảm nhận các chức vụ quan trọng của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Tiêu biểu như các đồng chí: Nguyễn Khắc Hưng, chiến sỹ đặc công Đoàn 429 miền Đông Nam Bộ, nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nam Định; đồng chí Trần Mạnh Đĩnh, đặc công T10 Quảng Trị, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; đồng chí Đặng Việt Hùng, chiến sỹ đặc công T10 Quảng Trị nay là Chánh án Toà án nhân dân tỉnh; đồng chí Phạm Như Thâm, Đoàn 8 đặc công, hiện là Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Nam Định; đồng chí Ngô Thanh Bình, đặc công nước, nguyên Bí thư Huyện uỷ Ý Yên… Hoặc nhiều đồng chí là cán bộ chủ chốt ở các đơn vị: Trường Chính trị Trường Chinh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ngân hàng Nhà nước như các đồng chí: Đỗ Viết Hoà, Khương Mạnh Hà, Mai Xuân Bé, Trần Văn Cốt… Trên lĩnh vực phát triển kinh tế đã có nhiều đồng chí là chủ doanh nghiệp, chủ trang trại có số vốn sản xuất kinh doanh hàng tỷ đồng, tiêu biểu như các đồng chí: Đặng Đức Luật, chiến sỹ đặc công Đoàn 429 nay là giám đốc Cty TNHH Trường Sơn; Tạ Văn Động, chiến sỹ đặc công Đoàn 126, hiện là giám đốc Cty Vàng bạc đá quý Phương Đông (TP Nam Định). Hoặc các đồng chí Nguyễn Văn Sung, Hoàng Anh Đức, Nguyễn Văn Bộ, Lê Hồng Sơn, Trần Văn Xuân… đều là những CCB vừa làm kinh tế giỏi, vừa hết lòng vì nghĩa tình đồng đội.

Đến nay các huyện, thành phố trong tỉnh đều thành lập Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Đặc công với hàng nghìn hội viên. Hoạt động của các ban liên lạc truyền thống Bộ đội Đặc công đều hướng đến việc giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế và các hoạt động tình nghĩa khác như: giúp đỡ nạn nhân điôxin, góp công, góp của làm nhà tình nghĩa giúp đồng đội có khó khăn, thăm viếng tứ thân phụ mẫu, hoặc trợ giúp cho vợ con liệt sỹ của đồng đội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Công tác tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ đặc công cũng được các ban liên lạc phối hợp với các ngành đặc biệt quan tâm, trong đó có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về nghĩa tình đồng đội; tiêu biểu như các đồng chí: Nguyễn Văn Lữu (Ý Yên); Nguyễn Văn Khoái (Giao Thuỷ); Vũ Xuân Túc (TP Nam Định). Đồng chí Cao Bá Đoán (Giao Thuỷ) nhớ lại trong một trận chiến đấu ác liệt sát đồn địch, khi trung đội trưởng và đại đội phó hy sinh, rồi đồng đội cũng hy sinh, đồng chí đã lấy dao găm đào mộ chôn cất đồng đội. Sau gần 40 năm đồng chí dẫn thân nhân liệt sỹ trở lại chiến trường xưa và đã tìm được hài cốt của đồng đội do chính mình chôn cất đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Trên 100 cán bộ chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 30, Trung đoàn 60 Binh chủng Đặc công là con em tỉnh Nam Định nhập ngũ tháng 8 năm 1971 là lực lượng bổ sung quân chủ yếu cho chiến trường Quảng Trị năm 1972, vừa có buổi gặp mặt thật xúc động để kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ. Các chiến sỹ đặc công năm ấy giờ tóc đã điểm bạc và đang ở trong các ngõ nhỏ, phố nhỏ, bây giờ gặp lại để nhớ về một thời oanh liệt chiến đấu trong Binh chủng Đặc công, tưởng nhớ về những đồng đội đã hy sinh để từ đó thấy tự hào và thầm hứa sẽ sống xứng đáng với những năm tháng vinh quang và hào hùng thuở ấy.
Kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Bộ đội Đặc công, cán bộ, chiến sỹ nguyên là Bộ đội Đặc công qua các thời kỳ là con em quê hương Nam Định càng thấy tự hào và nguyện sẽ sống, rèn luyện, học tập và công tác tốt để mãi mãi xứng đáng là những người lính của Binh chủng Đặc công Anh hùng./.

Nhà báo Đoàn Quốc Sỹ
(Nguyên Trung uý, Chính trị viên
Tuyên Văn, Binh chủng Đặc công)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com