Phát huy truyền thống cách mạng và đoàn kết của Đảng bộ tỉnh nhà, quyết tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 4
(Phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bế mạc hội nghị)
Phát biểu của đồng chí Phạm Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị. |
Kính thưa toàn thể các đồng chí đại biểu
Sau gần 3 ngày làm việc, với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm của các đồng chí đại biểu, hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã hoàn thành chương trình đề ra.
Hội nghị đã nghe các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy giới thiệu, phổ biến các vấn đề cơ bản nhất của các Nghị quyết; dự thảo kế hoạch, chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4. Các đại biểu đã nghiên cứu các tài liệu học tập Nghị quyết, các hướng dẫn thực hiện của các ban Đảng Trung ương, dự thảo các hướng dẫn của các ban Đảng Tỉnh ủy.
Hội nghị đã giành nhiều thời gian thảo luận về các nội dung học tập, không khí thảo luận sôi nổi, liên tục, đã có hơn 180 lượt ý kiến phát biểu, có rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, cụ thể, thiết thực cả về nhận thức và đóng góp cho quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết, thông qua thảo luận, các đại biểu đã tự giải đáp, làm rõ một số băn khoăn, tâm tư và đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo văn bản của tỉnh.
Hội nghị của chúng ta đã đạt được một số kết quả thiết thực, cụ thể là:
1. Thể hiện sự đồng thuận, đồng tình, phấn khởi và tin tưởng rất cao đối với các Nghị quyết Trung ương 4.
2. Đã cơ bản nhận thức tương đối đầy đủ và rõ ràng về tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, phương châm, nội dung, giải pháp, cách làm và các yêu cầu trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, qua đó biểu thị sự quyết tâm cao và trách nhiệm của các đại biểu, của Đảng bộ trong triển khai và thực hiện Nghị quyết.
3. Đã cơ bản nhất trí và đóng góp ý kiến cho dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin trân trọng tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để chỉ đạo hoàn chỉnh các dự thảo văn bản và xử lý cụ thể trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Tôi xin nói rõ thêm về một số ý mà một số đồng chí đại biểu quan tâm có ý kiến:
1. Về dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Đa số các ý kiến nhất trí với dự thảo, cho là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo xây dựng dự thảo một cách chu đáo. Nội dung đầy đủ và rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, ngành thực hiện và cụ thể hóa ở cấp mình, ngành mình. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị chỉnh sửa cho gọn hơn, chỉ nêu những nội dung, nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến Nghị quyết Trung ương 4, không nên nêu những nhiệm vụ có tính chất thường xuyên; phần nêu nhiệm vụ, giải pháp cần nêu rõ sự lãnh đạo của cấp ủy chứ không nêu nhiệm vụ của các ban xây dựng Đảng. Cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với Đảng bộ Quân sự, Công an, Biên phòng. Đặc biệt có nhiều ý kiến còn băn khoăn về nội dung lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân. Tôi xin nói rõ thêm là:
Thứ nhất: Tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là: Do các văn kiện, tài liệu xung quanh Nghị quyết Trung ương 4 rất nhiều, nếu tính cả Nghị quyết Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch thực hiện của Bộ Chính trị, hướng dẫn của các ban Đảng Trung ương đã lên tới khoảng 80 trang tài liệu, vì vậy cần tổng hợp lại các văn bản của Trung ương để xây dựng kế hoạch thực hiện của tỉnh sao cho nhìn vào đó các cấp có thể hiểu rõ và thực hiện được ngay mà đỡ phải tham khảo nhiều tài liệu. Theo tinh thần này, dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng khoảng 17 trang vừa là kế hoạch và vừa có tính hướng dẫn ở mức độ khái quát nhất, nhiều đồng chí cho rằng cũng đã đầy đủ nội dung và đủ rõ để có thể thực hiện ngay. Tôi đề nghị cấp ủy các cấp nghiên cứu, vận dụng theo hướng này để xây dựng kế hoạch thực hiện của cấp mình cho phù hợp, không nên để có quá nhiều tài liệu hướng dẫn và nội dung trùng lặp.
Thứ hai: Các nội dung của phần nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết trong dự thảo kế hoạch của tỉnh đã tiếp thu các hướng dẫn của các ban Đảng Trung ương và căn cứ thực tiễn hiện nay của tỉnh, đó chính là những vấn đề cấp ủy các cấp cần vận dụng và tập trung chỉ đạo thực hiện để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4. Tuy nhiên nếu chỉ nói chung chung là các vấn đề của cấp ủy chỉ đạo thì lại không rõ việc, không rõ cơ quan tham mưu và thời gian thực hiện. Vì vậy trong dự thảo có giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan và chúng ta hiểu đó chính là những nhiệm vụ, giải pháp mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo.
Thứ ba: Về việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân:
- Có ý kiến cho là: Đối tượng lấy ý kiến nhiều quá? Thưa các đồng chí, tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là: với tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết nên công tác triển khai phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, chu đáo và cụ thể. Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp là một kênh rất quan trọng để có thêm căn cứ, tài liệu phục vụ cho công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; mặt khác đối tượng kiểm điểm đề cập trong dự thảo kế hoạch thực hiện của tỉnh là theo hướng dẫn của Trung ương. Vì vậy chúng ta cần nghiêm túc thực hiện.
- Có ý kiến đề nghị tỉnh cần mẫu hóa về nội dung lấy ý kiến các cơ quan, cá nhân. Về việc này, tôi nói rõ thêm là: Do có nhiều loại hình tổ chức cơ sở Đảng khác nhau, nhiều cấp, ngành khác nhau với chức năng nhiệm vụ không giống nhau. Mặt khác, đối tượng lấy ý kiến cũng khác nhau với chức năng, nhiệm vụ không giống nhau. Vì vậy mẫu hóa nội dung lấy ý kiến chung cho tất cả các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng xin ý kiến và cho tất cả các đối tượng lấy ý kiến là rất khó khăn. Vì vậy, thường trực Đảng các cấp, cấp ủy các cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng cần chủ động chỉ đạo chuẩn bị về nội dung lấy ý kiến cho phù hợp, căn cứ vào 3 nội dung cấp bách của Nghị quyết, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức lấy ý kiến. Tuy nhiên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng cần nghiên cứu và có hướng dẫn khung cần thiết về việc này.
- Có ý kiến đề nghị là: Phiếu lấy ý kiến của cá nhân thì người đóng góp ý kiến không phải ký, ghi rõ họ tên, địa chỉ để khuyến khích việc nói thẳng, nói thật và bảo vệ được người đóng góp ý kiến:
Tâm tư này là đúng. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Nghị quyết, đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nêu: "Làm thế nào để bảo vệ được người đóng góp ý kiến, chống trù dập, tâm trạng chung bây giờ là biết đấy, nhưng nói làm gì cho dại. Đôi khi không phải là động cơ xấu đâu, mà là sợ bị trù dập. Người ta còn phải lo bát cơm, quyền lợi chứ. Bây giờ đảng viên là người lao động với chủ doanh nghiệp hay nhân viên với thủ trưởng mà phê bình thì có khi "ông ấy" trù cho bằng chết, thì thôi im đi, tâm lý này là rất nhiều. Phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người chống tham nhũng, những người tham gia phê bình". Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo: "Các đồng chí ở bộ phận hướng dẫn nên có quy chế về vấn đề này, nêu rõ chỗ này". Tôi đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy cần nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể về việc bảo vệ người đóng góp ý kiến phê bình, chống trù dập.
Bộ Chính trị đã giao các ban Đảng Trung ương hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị quyết Trung ương. Chắc là sau khi cân nhắc kỹ, Ban Tổ chức Trung ương mới hướng dẫn là phiếu lấy ý kiến của cá nhân thì người đóng góp ý kiến phải ký, ghi rõ họ tên, địa chỉ để thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Mặt khác, đối tượng những người đóng góp ý kiến cũng cơ bản là đảng viên, vì vậy cũng cần phải thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của mình, mạnh dạn, thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh trong việc đóng góp ý kiến, nếu làm tốt việc này, bản thân người đóng góp ý kiến cũng đã tự mình thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương, đóng góp thiết thực cho công tác xây dựng Đảng.
2. Về các dự thảo hướng dẫn của các ban xây dựng Đảng tỉnh
Có ý kiến là một số hướng dẫn của các ban còn có nội dung trùng lặp với dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một số nội dung chưa thật rõ, còn sơ sài. Tôi đề nghị các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy tiếp thu để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo hướng dẫn theo tinh thần: Nội dung nào trong kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nói rõ rồi thì thôi không hướng dẫn, nội dung nào trong kế hoạch mới đề cập ở mức độ chung thì hướng dẫn thêm cho rõ; sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện. Chú ý hướng dẫn cụ thể thêm đối với các Đảng bộ Quân sự, Công an, Biên phòng.
3. Có ý kiến đề nghị cần nói rõ sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền về vấn đề giải phóng mặt bằng
Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng, nhất là trong thời điểm hiện nay, vì vậy tôi xin nói rõ là: Tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và tập thể Thường trực Tỉnh uỷ luôn có sự thống nhất cao và chỉ đạo tập trung trong vấn đề này.
- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 22-11-2007 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định để chỉ đạo toàn diện vấn đề này, đề nghị các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc. Trong Chỉ thị này có một số điểm chú ý là:
(1) Công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, gây cản trở không nhỏ đến tiến độ các dự án và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyên nhân của tình hình trên một phần do một số cơ chế chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng chưa đồng bộ, nhận thức của một bộ phận nhân dân về pháp luật còn hạn chế, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai chưa chặt chẽ; một số cấp uỷ, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, một số nơi coi công tác giải phóng mặt bằng là của các cấp chính quyền. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thường xuyên, chất lượng hoạt động của một số ban quản lý dự án, cán bộ dự án chưa đáp ứng yêu cầu...
(2) Công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng là hết sức quan trọng, quyết định tiến độ các dự án và sự ổn định về đời sống, tư tưởng của người dân vùng dự án.
(3) Các cấp uỷ Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân cùng cấp làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm tiến độ xây dựng các dự án: Xác định công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành. Thường trực cấp uỷ mỗi tháng một lần, thường vụ cấp uỷ mỗi quý một lần nghe chính quyền cùng cấp báo cáo cụ thể tiến độ, kết quả, những khó khăn vướng mắc để chỉ đạo kịp thời công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương; đồng thời giáo dục cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện và vận động quần chúng thực hiện tốt công tác này.
(4) Chính quyền các cấp tập trung, thường xuyên chỉ đạo, nắm chắc chế độ, chính sách, quy định về quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng. Xây dựng các phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đảm bảo chính xác, bảo đảm quyền lợi của người dân, giải quyết việc làm và ổn định đời sống của các hộ dân có đất bị thu hồi. Thực hiện công khai quy hoạch, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và các nội dung khác theo quy định của pháp luật. Thống nhất giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với từng dự án.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành và từng đơn vị trong công tác giải phóng mặt bằng. UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc việc phân cấp về công tác giải phóng mặt bằng theo quy định của Chính phủ và của tỉnh.
Củng cố, kiện toàn các tổ chức và cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, có chế độ đãi ngộ phù hợp. Nâng cao chất lượng công tác tập huấn về quy trình, chế độ chính sách đối với công tác giải phóng mặt bằng cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện công tác này, đồng thời tăng cường đôn đốc kiểm tra việc thực hiện trình tự thủ tục giải phóng mặt bằng một cách nghiêm túc. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ tham nhũng, tiêu cực vi phạm quy định và những người cố tình không chấp hành khi các cấp, các ngành đã thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật và chế độ chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng.
- Trong Chương trình công tác của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ năm 2012, để cụ thể hoá sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, trong khoảng tháng 5-2012 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ bàn và có văn bản chỉ đạo toàn diện việc chấn chỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước để khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, trước hết là trong công tác quản lý và sử dụng đất, trong công tác này có nội dung về giải phóng mặt bằng, thể hiện sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ. Tuy nhiên thời gian gần đây, do ảnh hưởng của vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng - Hải Phòng, tình hình đơn thư tố cáo, khiếu kiện của công dân xung quanh việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng có biểu hiện phức tạp hơn, trước tình hình đó Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Văn bản số 224 ngày 16-3-2012 chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trong đó có một số nội dung là:
(1) Cấp uỷ, chính quyền các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 6-3-2002 của Ban Bí thư Trung ương về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Thông báo số 130-TB/TW ngày 10-1-2008 của Bộ Chính trị về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới; Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 22-11-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường lãnh đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan tới đất đai, nhất là những vụ việc còn tồn đọng, kéo dài, phức tạp chưa được giải quyết; hạn chế đơn thư gửi vượt cấp, đi khiếu kiện đông người, phát sinh thành điểm nóng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc của cơ quan cấp trên đối với cấp dưới; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo các cơ quan tham mưu tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác nắm tình hình, tham mưu, báo cáo đề xuất với cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đơn thư theo quy định.
(2) Các cấp, các ngành chủ động nắm chắc tình hình; rà soát việc giao đất, cho thuê đất, chú ý các trường hợp: sử dụng vào mục đích phát triển sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản và bãi bồi ven sông, ven biển; đất các dự án của doanh nghiệp, các nhà đầu tư; đất đai liên quan đến tôn giáo; việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất. Bảo đảm việc thực hiện phải đúng quy định của pháp luật, nghiêm túc tự xem xét đối với vụ việc đã giải quyết mà người dân chưa đồng tình tiếp tục kiến nghị, tái khiếu; đồng thời tiếp tục có các giải pháp tạo điều kiện ổn định đời sống và việc làm của nhân dân.
Tôi nói rõ thêm quan điểm chỉ đạo ở nội dung này là:
- Trong quá trình rà soát các vụ việc phải bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, tức là trong tất cả các công đoạn như lập và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế, dự toán, phương án đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất phải bảo đảm các quy định pháp luật về công tác giải phóng mặt bằng tại thời điểm ban hành các quyết định của UBND các cấp về các nội dung nêu trên nhất là tại thời điểm phê duyệt phương án đền bù. Đồng thời phải bảo đảm thực hiện các quy định pháp luật về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Trong phương án đền bù giải phóng mặt bằng, phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước về chính sách, khung giá đền bù ở từng thời điểm có hiệu lực thực hiện, trong phương án đã có tính kinh phí hỗ trợ đời sống, kinh phí chuyển đổi việc làm… Nhưng có một thực tế là: Các hộ dân nhận tiền đền bù rồi, nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định đời sống, tìm việc làm… Vì vậy, cấp uỷ, chính quyền các cấp phải có trách nhiệm với dân, không dừng lại ở việc làm đúng chế độ chính sách, luật pháp trong công tác giải phóng mặt bằng, không phải chỉ đơn giản nói là đã thực hiện đúng nội dung, quy trình, thủ tục về giải phóng mặt bằng rồi. Làm đúng quy định pháp luật là đương nhiên, nhưng phải có trách nhiệm lo cho dân, đây là việc không chỉ gắn với công tác giải phóng mặt bằng mà là công việc thường xuyên, lâu dài. Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần có những giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm mới để ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân nói chung và nhất là các hộ bị thu hồi đất, quan tâm đến các hộ nghèo. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của cấp uỷ, chính quyền các cấp.
- Trong quá trình rà soát vụ việc, cần đánh giá đúng tình hình thực hiện; khuyến khích, động viên, bảo vệ các địa phương, cơ quan, cán bộ làm đúng; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh cán bộ vi phạm, làm sai, theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Làm tốt hơn nữa việc tăng cường và kiên trì vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt các quy định pháp luật, vì quyền lợi lâu dài của địa phương và nhân dân địa phương, đồng thời kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật những người cố tình lợi dụng, gây rối.
Giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là công tác rất quan trọng, liên quan tới việc ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội và đời sống của nhân dân. Cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần quan tâm thực hiện tốt các định hướng chỉ đạo nêu trên.
Kính thưa các đồng chí
Kết quả của hội nghị này chắc chắn sẽ góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng bộ tỉnh nhà.
Sau hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ, các tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị, các đồng chí bí thư, người đứng đầu các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và tất cả các đồng chí đại biểu về khẩn trương tổ chức phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện, chương trình hành động ở địa phương, cơ quan, đơn vị, chi bộ mình bảo đảm nội dung, yêu cầu, thời gian quy định trong kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, phù hợp với thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị và tự giác gương mẫu thực hiện trên từng cương vị công tác của mình. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khẩn trương, kiên quyết, vững chắc, đạt kết quả thực chất.
Kính thưa các đồng chí
Phát huy truyền thống cách mạng và đoàn kết của Đảng bộ tỉnh nhà, hội nghị bày tỏ quyết tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 4, tạo được sự chuyển biến, tiến bộ rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Củng cố, tăng cường sự đồng thuận, đoàn kết trong xã hội và nhân dân. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Kính chúc các đồng chí đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc./.